Doanh nghiệp có năng lực sẽ thắng
(Tài chính) Sự cạnh tranh của các doanh nghiệp phân phối điện máy ngày càng trở nên gay gắt, nhiều siêu thị điện máy được thành lập, song cũng không ít trong số đó phải lặng lẽ ra đi.
Thi nhau mở siêu thị
Nhằm chiếm lĩnh thị phần và mở rộng phạm vi hoạt động, các doanh nghiệp điện máy liên tiếp chạy đua bằng cách mở ra nhiều siêu thị mới.
Trên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến tháng 6/2014, đã có thêm trên 40 cơ sở bán lẻ điện máy được thành lập.
Không chỉ cạnh tranh gay gắt, khốc liệt ở các thành phố lớn, nhiều doanh nghiệp điện máy đã tiến hành cạnh tranh sôi động tại các tỉnh thành lớn nhỏ trên cả nước. Những siêu thị điện máy này đua nhau tiến hành giảm giá, khuyến mãi liên tục để thu hút khách hàng.
Mới đây nhất, HC đã mở siêu thị lớn tại TP. Thái Nguyên trên diện tích sàn 5.000m2, với hơn 10.000 mặt hàng thuộc các ngành hàng điện tử, điện lạnh, máy tính, điện thoại, gia dụng. Để thu hút khách hàng, siêu thị này đã giảm 20-50% giá các sản phẩm nhân dịp khai trương.
Cũng tại TP. Thái Nguyên, trước đó, Media Mart cũng đã mở 1 siêu thị điện máy với 9.000 mặt hàng và ngày khai trương cũng rộn ràng với chương trình khuyến mãi giảm giá nhiều mặt hàng tới 50%.
Với HC, ngoài siêu thị mới khai trương tại Thái Nguyên thời gian qua đã mở hàng loạt siêu thị điện máy tại các tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc. Media Mart cũng đã mở một loạt tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hưng Yên và sắp tới là Vĩnh Phúc.
Còn Trần Anh cũng vừa mở 1 siêu thị tại thành phố Bắc Ninh (Trần Anh Bắc Ninh), đánh dấu siêu thị điện máy thứ 12 của “đại gia” này. Nhưng chưa dừng lại đó, Trần Anh còn có ý định “phủ sóng” một loạt các tỉnh khác trong tương lai gần, như: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Bình...
Chỉ doanh nghiệp có năng lực mới trụ lại được
Trong khi nhiều doanh nghiệp điện máy ồ ạt mở siêu thị mới thì thị trường điện máy cũng đã chứng kiến sự đóng cửa của nhiều trung tâm, siêu thị điện máy lớn, như trường hợp của các cơ sở kinh doanh Wonder Buy, Best Carings, Home One, Việt Long... Ngoài ra, chưa kể hàng loạt các cửa hàng điện máy, điện tử sau một thời gian mở cũng âm thầm biến mất khỏi thị trường.
Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc đóng cửa hoặc phá sản này chính là ở đặc thù thị trường. Hiện nay, thị trường điện máy đang có sự cạnh tranh khốc liệt trong khi sức mua lại chưa tăng cao, có những giai đoạn tiêu dùng đối với ngành hàng này thực sự giảm sút. Bên cạnh đó, chi phí thuê mặt bằng kinh doanh trong thời gian qua khá cao, nhiều doanh nghiệp đã thua lỗ do không chịu nổi chi phí mặt bằng.
Chưa kể, do vòng đời sản phẩm điện máy ngắn nhưng lại đòi hỏi cao về dịch vụ hậu mãi. Trong khi bán lẻ điện máy là một ngành đòi hỏi nhiều về kỹ năng vận hành và tiềm lực tài chính. Không chỉ cạnh tranh về giá mà chi phí mặt bằng, nhân công và đầu tư cũng đều rất lớn.
Thêm vào đó, trước nguy cơ các siêu thị điện máy nước ngoài sẽ gia tăng hoạt động xâm nhập thị trường Việt Nam thông qua các hoạt động M&A. Càng ngày cánh cửa dành cho các doanh nghiệp nhỏ muốn tham gia thị trường bán lẻ điện máy càng hẹp lại.
Trao đổi với báo ICTnews, lãnh đạo của một doanh nghiệp điện máy khẳng định, thị trường trong nước đang chứng kiến sự đào thải khắc nghiệt. Cuộc chạy đua đang dần “lộ sáng” những doanh nghiệp đuối sức hụt hơi và thị trường sẽ còn tiếp tục được chứng kiến có thêm doanh nghiệp phải rời bỏ cuộc chơi chỉ trong khoảng 1 năm tới.
Trả lời trên báo, ông Trần Xuân Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh nhận định, trong vòng 5 năm tới thị trường điện máy Việt Nam sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng về sức mua cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, cũng như điều kiện sống của người dân. Tuy nhiên, số lượng siêu thị điện máy còn tồn tại sẽ tỷ lệ nghịch với sự tăng trưởng sức mua, chỉ những doanh nghiệp thực sự có sức mạnh mới có thể trụ lại trên thị trường.