Doanh nghiệp dệt may nào hưởng lợi từ TPP?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Để hưởng mức thuế 0% khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải có mọi công đoạn sản xuất “từ sợi trở đi” thực hiện trong nước hoặc tại các nước trong khu vực Thái Bình Dương (TPP).

 Doanh nghiệp dệt may nào hưởng lợi từ TPP?
Hiệp định TPP nếu được thông qua sẽ là cơ hội để hàng Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá. Nguồn: internet

    Khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên TPP được ký kết, ngành dệt may sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi thuế suất thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ, thị trường hấp thu đến 44% sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012, sẽ giảm từ 17% xuống 0%. Những doanh nghiệp (DN) dệt may niêm yết nào sẽ đón đầu được cơ hội mà TPP mang lại?

    Để hưởng mức thuế 0% khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải có mọi công đoạn sản xuất “từ sợi trở đi” thực hiện trong nước hoặc tại các nước trong khu vực TPP. Trong khi đó, lâu nay, các DN dệt may Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu từ bên ngoài khối TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.

    Trong số không nhiều DN dệt may niêm yết hiện nay, mới có Công ty cổ phần (CTCP) Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe trên. Những DN dệt may niêm yết khác chỉ tham gia từ giai đoạn cắt và may như CTCP Sản xuất thương mại may Sài Gòn (GMC), CTCP Đầu tư và thương mại TNG (TNG), CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL), CTCP Vải sợi may mặc Miền Bắc (TET), CTCP May Phú Thịnh Nhà Bè (NPS).

    Hiện tại, TCM đã đầu tư nhà máy dệt, đan, nhuộm, may, đặc biệt là 4 nhà máy sợi với công suất 21.000 tấn/năm, giúp TCM chủ động về nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất các sản phẩm dệt may. Trong năm 2013, TCM chỉ sử dụng khoảng 35% lượng sợi để sản xuất 7 triệu mét vải/năm. TCM hiện đã nâng công suất nhà máy dệt lên 10 triệu mét vải/năm. Theo ông Lee Eun Hong, Tổng giám đốc TCM, Công ty sẽ tăng công suất may do nguồn cung sợi cũng như vải dệt đang dư.

    Hiện tại, TCM đang tìm mua một nhà máy may để tăng công suất so với công suất 15 triệu sản phẩm/năm hiện tại. Với 95% doanh thu từ xuất khẩu, trong đó, hơn 40% xuất khẩu vào thị trường Mỹ, TCM kỳ vọng, TPP dự kiến được thông qua vào cuối năm nay sẽ là cơ hội lớn để Công ty tăng doanh thu và lợi nhuận.

    Tuy nhiên, thách thức rất lớn với TPP cũng như các DN dệt may trong nước là tiêu chuẩn về lao động và môi trường của TPP khá cao. Nếu DN dệt may vi phạm những tiêu chuẩn này có thể bị truy thu thuế ngược lại với những lô hàng đã được miễn thuế. Trong khi đó, việc tăng ca ngoài giờ quy định nhằm đáp ứng năng lực sản xuất vẫn đang là vấn đề nan giải đối với các DN dệt may trong nước. Về tiêu chuẩn môi trường, ngành nhuộm là ngành gây tác hại đến môi trường nhiều nhất. Thông thường, chi phí xử lý nước thải khá cao, nên các nhà điều hành DN thường bỏ qua, điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị kiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài và có thể sẽ không thể xuất khẩu sang các nước thành viên TPP.

    Để đáp ứng điều kiện này, từ đầu năm đến nay, TCM đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để đầu tư dây chuyền nhuộm vải với công nghệ hiện đại để giảm tác hại đến môi trường. Hiện tại, nhà máy nhuộm của TCM đã chạy hết 100% công suất và phải thuê thêm dịch vụ bên ngoài để đáp ứng đủ đơn hàng.

    Với GMC, tuy chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sợi, nhưng Công ty cũng đã có sự chuẩn bị khá kỹ để đón đầu cơ hội từ TPP. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch GMC cho biết, GMC đã và đang mở rộng sản xuất, phát triển thêm tối thiểu 34 dây chuyền may. Đến năm 2015, dự kiến năng lực sản xuất của GMC sẽ tăng 70% so với hiện tại, doanh thu tăng từ 20 - 50%, lên mức 1.200 - 1.500 tỷ đồng. Để đáp ứng yêu cầu xuất xứ nguyên liệu, Công ty đang thử nghiệm và chuyển đổi dần phương thức kinh doanh từ FOB (khách hàng chỉ định nguồn mua nguyên phụ liệu theo mẫu thiết kế của khách hàng) sang phương thức ODM (tự phát triển nguyên phụ liệu trên cơ sở thiết kế mẫu chào khách).

    Năm 2012, GMC đã thuyết phục khách hàng lớn tại Mỹ mua nguyên liệu tại Việt Nam và kết quả tính từ năm 2012 đến nay là 1 triệu USD đã vào thị trường nguyên phụ liệu Việt Nam. Giá trị chưa lớn nhưng hết sức có ý nghĩa với GMC, mặt khác cũng giúp GMC và khách hàng có cơ hội đánh giá khả năng cung ứng của các nhà thầu Việt Nam từ giá cả đến chất lượng, tiến độ giao hàng. Ngoài ra, GMC cũng đang phối hợp với khách hàng tìm kiếm nguồn cung trong nội khối TPP, trước mắt sẽ thăm dò khả năng cung ứng từ Malaysia.

    “Hiện hơn 90% sản phẩm của GMC được xuất khẩu, chỉ có 10% tiêu thụ trong nước. Chúng tôi sẽ cân nhắc lại tỷ lệ này để phù hợp với năng lực sản xuất và nhu cầu hàng nhập khẩu từ các nước tham gia TPP”, ông Hùng nói.

    Tương tự, TNG có hoạt động xuất khẩu là chính. Theo tài liệu đại hội cổ đông 2013, TNG dự kiến sẽ nâng dần tỷ lệ doanh thu hàng nội địa lên 10 -15% từ nay đến năm 2015, nhằm cân bằng các thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, tiếp cận và khai thác thị trường Nhật Bản. Hiện sản xuất của TNG vẫn theo hướng gia công cho khách hàng là chủ yếu và trong tương lai sẽ tiến tới hàng ODM. TNG cũng sẽ khai thác đáng kể nguồn cung trong nước để gia tăng sản phẩm có xuất xứ tại Việt Nam, tạo lợi thế cho TNG khi TPP được ký kết.

    Hiệp định TPP nếu được thông qua sẽ là cơ hội để hàng Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, các DN dệt may cần nhanh chóng hoàn thiện chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm, gia tăng năng lực mới có thể tận dụng hết cơ hội mà TPP mang lại.