Doanh nghiệp địa ốc thời “đánh đâu thắng đấy”
Trên thị trường bất động sản Hà Nội hơn 1 năm trở lại đây, các doanh nghiệp địa ốc dường như “đánh đâu, thắng đấy”.
Giá cao vẫn đắt hàng
Năm 2014, thị trường địa ốc Hà Nội chỉ vừa phục hồi, nhiều doanh nghiệp muốn bán được sản phẩm, đã phải chấp nhận để đơn vị phân phối bán giá rất thấp, rồi dần đẩy tiền chênh, để thu hút sự quan tâm của thị trường, tạo “đất diễn” cho các nhà đầu tư.
Thế nhưng, có không ít doanh nghiệp, do dự báo được xu hướng tăng trưởng của thị trường, dù mở bán dự án với giá được cho là cao vào thời điểm đó vẫn gặt hái được nhiều thành công.
Trước năm 2010, Tập đoàn Geleximco được biết đến là một đại gia đứng sau hàng loạt dự án địa ốc lớn. Thế nhưng, sự khó khăn của thị trường ập đến, khiến nhiều dự án do Geleximco và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư đã phải gác lại.
Năm 2014, dự báo tín hiệu thị trường hồi phục, Geleximco đã khởi động hàng loạt dự án, trong đó, tổ hợp chung cư Green Star, quận Bắc Từ Liêm được cho là dự án lớn nhất.
Với số lượng căn hộ tương đối lớn, được bán với giá từ 22 - 24 triệu đồng/m2, Geleximco được nhiều người ví như “đi trên dây”, bởi mức giá sản phẩm dự án này khá cao so với mặt bằng giá thị trường khu vực. Tuy nhiên, trong xu hướng tăng giá của thị trường, doanh nghiệp đã bán hết sản phẩm sau chưa đầy 2 năm.
Tại Dự án Gemek Tower, do có vị trí xa trung tâm và nằm ngoài vành đai 3, thuộc Khu đô thị Lê Trọng Tấn, huyện Hoài Đức, nên việc Geleximco đưa ra mức giá 14 triệu đồng/m2 tại thời điểm mới mở bán cũng được cho là cao.
Thế nhưng, sự hồi phục rất nhanh của thị trường bất động sản khiến Geleximco không chỉ bán được sản phẩm với mức giá trên, mà doanh nghiệp này còn tiếp tục điều chỉnh giá bán tăng thêm khá lớn, từ khoảng 14 triệu đồng/m2 đã tăng lên khoảng 16 triệu đồng/m2 tại các đợt mở bán sau này.
Sau thành công liên tiếp tại hai dự án trên, Geleximco tiếp tục triển khai dự án Newlife Tower Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và Dự án Gemek Premium tại Khu đô thị Lê Trọng Tấn, Hà Nội. Cả hai dự án này đều đã được mở bán và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Điều này cho thấy, cùng với sức hấp dẫn riêng của từng dự án, khi “nước lên thì thuyền lên”, thị trường phục hồi, nhu cầu về nhà ở thuộc phân khúc nào cũng phục hồi và thu thu hút được nhóm đối tượng của riêng mình.
Hướng đến người ở thật
Thời điểm thị trường bất động sản chìm trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp nghĩ ra đủ chiêu hút khách, nhưng bài tính đầu tiên là giảm giá bán. Muốn giảm giá bán thì phải giảm giá thành, vậy là các bài toán căn ke giảm tiện ích, giảm chất lượng nội thất, thậm chí đưa ra cả gói sản phẩm chưa hoàn thiện để “down” giá xuống mức thấp nhất có thể.
Tuy nhiên, trong năm qua, “cuộc chiến” tiện ích và chất lượng sản phẩm mới được ưu tiên, thay vì giá bán. Sở dĩ có sự chuyển hướng này bởi đa số các doanh nghiệp cho rằng, khách hàng hiện tại vẫn chủ yếu là đối tượng có nhu cầu ở thật, còn lượng nhà đầu tư vẫn không nhiều. Bởi vậy, giá có cao một chút mà khách hàng thấy hài lòng ở không gian sống tương lai, tin tưởng vào chủ đầu tư thì thanh khoản vẫn tốt.
Cụ thể, TNR Holdings Việt Nam khi vừa xuất hiện trên thị trường đã quản lý và phát triển một dự án lớn với trên 5.000 căn hộ, là Goldmark City. Việc mở bán với mức giá khởi điểm từ 24 - 25 triệu đồng/m2, một mức giá không hề rẻ tại thời điểm mới mở bán.
Tuy nhiên, theo lý giải của đơn vị phát triển dự án, Goldmark City có hệ số sử dụng đất thấp, được xây dựng với chất lượng tốt với rất nhiều tiện ích, nên mức giá chủ đầu tư đưa ra là hoàn toàn hợp lý.
Dẫn chứng cụ thể là tại Dự án Goldmark City, các tiện ích và quảng trường, chủ đầu tư đã phải đầu tư thêm hàng trăm tỷ đồng. Những khoản đầu tư này không đem lại lợi nhuận trực tiếp cho doanh nghiệp, nhưng lại nâng cao giá trị căn hộ và cuộc sống cư dân sau này.
Thực tế, chỉ sau 1 năm bán hàng, hơn 2.000 căn hộ tại Goldmark City đã được đơn vị phân phối bán thành công, trong khi tiến độ dự án vẫn đảm bảo, cho thấy doanh nghiệp đã dự báo đúng xu hướng thị trường.
Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp hiện nay có xu hướng bán sản phẩm đến đúng tay người sử dụng, thay vì thông qua nhóm nhà đầu cơ. Việc hướng sản phẩm đến đối tượng người mua để sử dụng có thể khiến mức giá được đẩy lên khá cao. Đổi lại, dự án được các chủ đầu tư cam kết về chất lượng, cũng như các tiện ích nổi trội phục vụ cư dân.
Chẳng hạn, tại dự án căn hộ Parkview Residence Dương Nội được Ceninvest mở bán với giá trên 20 triệu đồng/m2, cao hơn hẳn giá bán căn hộ cùng khu vực. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại cam kết khu căn hộ sẽ được bổ sung thêm các tiện ích cao cấp so với các dự án khác trong cùng khu đô thị. Trong khi đó, GPInvest mở bán căn hộ Dự án Tràng An Complex với giá trên 30 triệu đồng/m2, rất cao ngay cả thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, chủ đầu tư tự tin vì lợi thế vị trí, cam kết dự án sẽ đảm bảo chất lượng, cùng các tiêu chí cao cấp khác…
Mệt mà vui
Sự hồi phục rất nhanh của thị trường bất động sản trong 2 năm qua khiến chủ đầu tư nào cũng muốn nhanh chóng triển khai dự án để tranh thủ tung hàng ra thị trường. Quá nhiều doanh nghiệp muốn mở bán, khiến nhiều đơn vị phân phối “vắt chân lên cổ” vì lo tổ chức sự kiện, thiết lập hệ thống nhân sự bán hàng. Vậy nên, trong năm qua, hàng loạt sàn môi giới đã đưa ra thông báo tuyển dụng từ hàng chục đến cả trăm nhân viên môi giới. Nhiều sàn tuyển dụng nhân sự dưới hình thức cộng tác viên, theo đó những môi giới này chỉ được ăn hoa hồng khi bán được căn hộ chứ không được nhận lương cố định.
Tất nhiên, chuyện “làm nhiều, ăn nhiều” cũng dễ hiểu. Trong năm 2015, nhiều sàn thắng lớn sau các đợt mở bán được công bố liên tục. Theo thông tin được Liên minh Sàn giao dịch G5 công bố mới đây, trong năm 2015, liên minh này bán được đến 6.800 đơn vị sản phẩm. Trong khi đó, Hệ thống Siêu thị dự án (STDA) cho biết, trong năm 2015, đơn vị này đã bán được trên 7.000 sản phẩm tại Hà Nội. Đây là số lượng sản phẩm lớn nhất mà một đơn vị môi giới tại Hà Nội đạt được trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Trong khi đó, hàng loạt đơn vị phân phối mới nổi như: Sàn EZ Land, sàn Phú Quý Land, Sàn An Quý Hưng, Phú Tài Land, Sàn Hải Phát… trong năm qua cũng phân chia thị phần phân phối bất động sản tại Hà Nội, với số lượng sản phẩm giao dịch thành công rất lớn.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, trong giai đoạn 2014 - 2015, mỗi năm, thị trường đón nhận cả trăm đợt mở bán. Thậm chí, các đơn vị phân phối lớn như STDA, Liên minh G5 có tuần tiến hành vài đợt mở bán, giới thiệu sản phẩm từ các dự án khác nhau. Trong đó, phần lớn các đợt mở bán, giới thiệu sản phẩm đều thành công, dù dự án thuộc phân khúc cao cấp hay bình dân, vị trí gần hay xa trung tâm.
Hàng loạt dự án được cho ở khá xa trung tâm được mở bán trong năm 2015, vẫn thu hút khách hàng, có thể kể đến, như: Dự án Gemek Tower, Dự án Thăng Long Victory, Dự án Xuân Mai Spark State, hay Dự án Parkview Residence… Trong khi đó, nhiều dự án căn hộ cao cấp khác, được bán với giá khá cao so với mặt bằng khu vực, vẫn được đông đảo khách mua nhà quan tâm và liên tục duy trì mức thanh khoản cao, như: Dự án Vinhomes Times City Park Hill, Dự án Goldmark City, Dự án Imperia Gardens, Dự án Home City…
Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, các chủ đầu tư hiện nay đều tính toán rất bài bản, từ việc chủ động nguồn tài chính triển khai dự án, đến việc xác định nhóm đối tượng khách hàng dự án hướng đến. Ngoài ra, các chủ đầu tư đều tính toán đưa ra những sản phẩm phù hợp về diện tích lẫn giá bán. Đến lượt các đơn vị phân phối cũng rất linh hoạt trong việc chọn lựa dự án mở bán, các chính sách khuyến mãi, hỗ trợ khách hàng. Vì thế, hầu hết các dự án được mở bán trên thị trường thời gian qua đều khá thành công.
Kỳ vọng rằng, việc chú trọng đến không gian sống và nhu cầu của dân cư sau này sẽ ưu tiên được các chủ đầu tư tiếp tục trong thời gian tới. Nó không chỉ giúp lành mạnh hóa thị trường mà còn góp phần tạo ra bộ mặt đô thị xanh và đẹp hơn.