Doanh nghiệp FDI Mỹ mong muốn gì ở Việt Nam?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Năm 2014 sắp kết thúc với nhiều thành công của doanh nghiệp (DN) Mỹ tại Việt Nam, đa số DN cho biết, sẽ tiếp tục tăng vốn, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, DN Mỹ vẫn e ngại phải đối phó với vấn nạn tham nhũng, hạn chế về nguồn nhân lực, quy trình cấp phép, môi trường pháp lý, hàng giả, hàng nhái...

 Doanh nghiệp FDI Mỹ mong muốn gì ở Việt Nam?
Nhiều DN của Amcham cho biết, lợi nhuận đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng tăng và có xu hướng lạc quan. Nguồn: internet

Ông Gaurav Gupta, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (Amcham) cho biết khi chia sẻ góc nhìn về những bất cập của Việt Nam, cũng như mong muốn của cộng đồng DN Mỹ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2014 được tổ chức ngày 2/12.

Cần quan tâm, khích lệ khối DN tư nhân

Theo ông Gaurav Gupta, nhiều DN của Amcham cho biết, lợi nhuận đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng tăng và có xu hướng lạc quan, tin tưởng vào môi trường cũng như triển vọng kinh doanh vào năm 2015. Đa số các DN hoạt động lâu dài khi được hỏi đều cho biết có ý định tăng vốn đầu tư trong thời gian tới.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực đó, thì Amcham thấy rằng, ý định ban đầu của một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng không hiện thực hóa được vì liên tiếp phải đối phó với nhiều khó khăn, rào cản tại thị trường Việt Nam, trong đó lớn nhất là vấn nạn tham nhũng và thủ tục hành chính.

"Để khơi dậy tiềm năng và hiện thực hóa bằng những khoản đầu tư vững chắc, Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện và thay đổi. Cụ thể, cộng đồng DN Mỹ tại Việt Nam muốn được thấy sự cải biến rõ ràng trong việc tạo điều kiện công bằng cũng như quan tâm, khích lệ khối DN tư nhân phát triển. Ngoài ra, Chính phủ cần có những chính sách giảm rủi ro trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam", ông Gaurav Gupta nói.

Tăng năng suất lao động và giảm chi phí không chính thức

Cũng theo Chủ tịch AmCham, so với các nước đang cạnh tranh về thu hút dòng đầu tư FDI với Việt Nam như Asean, Trung Quốc... thì năng suất lao động tại Việt Nam đang thuộc hàng thấp nhất. "Thời" của lợi thế lao động đông, rẻ, trẻ đã qua và nếu năng suất lao động vẫn không được nâng cao thì lợi thế từ nguồn lực này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sự bền vững.

"Chi phí trung bình cho lao động nhà máy ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 chi phí ở Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi thế của chi phí lao động thấp bị giảm đi bởi sản lượng bình quân đầu người còn yếu. Năng suất lao động bình quân ở khu vực sản xuất của Việt Nam chỉ bằng xấp xỉ 7% năng suất bình quân ở Trung Quốc", Chủ tịch AmCham nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch AmCham, thách thức về năng suất lao động cùng với sự phát triển chậm chạp của lực lượng lao động lành nghề, có thể đe dọa đến sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam.

Để khắc phục những yếu điểm này, Chính phủ cần tập trung hiện đại hóa và nâng cấp chương trình giáo dục quốc gia nhằm đảm bảo cho Việt Nam sẽ sở hữu một lực lượng lao động chất lượng cao, để nâng cao chuỗi giá trị trong bối cảnh chi phí lao động đang ngày càng tăng lên.

DN Mỹ đánh giá, một số quy định, cơ chế chính sách của Việt Nam còn chưa nhất quán. Vì vậy sẽ không công bằng cho những nhà đầu tư, DN có tính tuân thủ pháp luật cao. Amcham mong Chính phủ tăng cường nỗ lực xây dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn với những quyết định được đưa ra nhanh chóng, thủ tục đơn giản hơn, luật được thực thi công bằng...

Đặc biệt, Amcham khẩn thiết mong Chính phủ giảm thiểu tối đa các khoản thanh toán không chính thức mà biện pháp quan trọng nhất là hạn chế việc sử dụng tiền mặt, đẩy nhanh thanh toán điện tử.

Hạn chế vấn nạn hàng giả, hàng nhái

Hàng giả, hàng nhái là nỗi ám ảnh của các nhà sản xuất, nhất là sản xuất hàng xa xỉ phẩm và là vấn nạn của thị trường Việt Nam. Các mặt hàng này có thể dễ dàng tìm thấy tại hầu hết các cửa hàng, trung tâm mua sắm, chợ... Trong khi những tội phạm chuyên sản xuất và buôn bán hàng giả coi việc này là một phương thức kinh doanh ít rủi ro, sinh lời lớn, gây thiệt hại lớn cho các DN chân chính.

Nguyên nhân cơ bản là do Việt Nam thực thi các quy định, luật về vấn đề này chưa nhất quán, xử phạt chưa đủ nặng và do năng lực, khả năng còn hạn chế của đội ngũ thanh tra. Điều này làm hao tốn cả thời gian và tiền bạc mà không hiệu quả.

"Để ngăn chặn vấn nạn này Việt Nam không cần phải ban hành thêm luật mới mà chỉ cần áp dụng các luật hiện hành một cách công bằng và nghiêm túc", đại diện cộng đồng DN Mỹ góp ý./.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 703 dự án của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam với số vốn trên 10,7 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Các dự án đầu tư FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam chủ yếu trên các lĩnh vực dịch vụ với trên 259 dự án, chiếm 79,5% tổng vốn đầu tư.
Ngoài ra, còn một số lĩnh vực các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam như lưu trú - ăn uống; công nghiệp, xây dựng; bất động sản.