Doanh nghiệp FDI rộn ràng kế hoạch đầu tư “khủng”

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang ấp ủ những kế hoạch đầu tư lớn ở Việt Nam, hứa hẹn một năm 2015 đầy sôi động của các dự án FDI. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gửi gắm nhiều mong mỏi về cải thiện môi trường đầu tư.

Doanh nghiệp FDI rộn ràng kế hoạch đầu tư “khủng”
Samsung cũng tỏ ra hào hứng với các dự án giao thông ở Việt Nam. Nguồn: internet

Những cam kết đáng giá

Trao đổi với phóng viên, ông Katsuyoshi Soma, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết: Năm 2014 mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục sau khủng hoảng, nhưng Canon Việt Nam đã đạt được thành công ở một mức độ nhất định. Năm 2015, Công ty tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, tập trung đổi mới chất lượng, kỹ thuật và tự động hóa; tích cực tìm kiếm nhà cung cấp nội ngành công nghiệp phụ trợ để tăng tỉ lệ nội địa hóa, giảm lưu kho, giá thành cạnh tranh. Ngoài ra, Công ty sẽ  tiếp tục duy trì các hoạt động phúc lợi và tích cực đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Còn với Tập đoàn Samsung, ngoài lĩnh vực truyền thống là điện tử, Samsung đang thiết kế một “đại kế hoạch” đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, sân bay… ở Việt Nam vào năm 2015. Nếu tất cả đều trở thành hiện thực, khoản đầu tư của Samsung tại Việt Nam có thể lên tới 20 tỷ USD. Chẳng hạn trong lĩnh vực hạ tầng, Công ty Samsung C&T đã ký Biên bản ghi nhớ về việc phát triển Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 tại Hà Tĩnh. Dự án triển khai theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,45 tỷ USD. Công ty Samsung C&T đã thuê các Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng điện 1&2 chuẩn bị Báo cáo khả thi và dự kiến trình Chính phủ xem xét, phê duyệt vào năm 2015.

Samsung cũng tỏ ra hào hứng với các dự án giao thông ở Việt Nam. Nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành, Samsung sẽ nghiên cứu và xin tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành một trong số hạng mục thuộc dự án (xây dựng nhà ga, cung cấp dịch vụ vận hành sân bay, kinh doanh cửa hàng miễn thuế...). Dự kiến quý I-2015 Samsung sẽ triển khai chuẩn bị Báo cáo tiền khả thi và đưa ra quyết định đầu tư trong năm 2015. Lĩnh vực vận tải biển cũng hứa hẹn có sự góp mặt của nhà đầu tư Hàn Quốc này với dự án Tổ hợp nhà máy đóng tàu tại Cam Ranh, Khánh Hòa.

Phát biểu trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông gần đây, ông Han Myoung Sup, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam cũng cho biết: Trong thời gian tới, Samsung sẽ tiếp tục mở rộng hai nhà máy tại Yên Bình, Thái Nguyên, đồng thời đầu tư Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại khu Cầu Giấy, Hà Nội với 1.200 lao động và cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Samsung cũng sẽ quan tâm đào tạo, chọn lựa nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao ở các trường đại học, học viện của Việt Nam vào làm việc và làm công tác R&D, phát triển phần mềm tại các nhà máy, xí nghiệp, viện nghiên cứu của Samsung.

Một DN nước ngoài khác với kế hoạch 22 tỷ USD là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) cũng đang khẩn trương chuẩn bị những bước đi cần thiết để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội tại Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch. Vào cuối tháng 1-2015, PTT đã cử đoàn công tác đến Bình Định để trao đổi một số nội dung về dự án. Đại diện PTT cho biết hiện tại PTT và đối tác chiến lược Saudi Aramco đang tiến hành các công việc liên quan của dự án, trong đó có việc nghiên cứu thị trường tiêu thụ tại Việt Nam, đồng thời đang tìm kiếm các đối tác Việt Nam để mời cùng tham gia triển khai thực hiện dự án này. Về phía tỉnh Bình Định, địa phương này đang rất nóng lòng chờ ngày ký vào Giấy chứng nhận đầu tư cho “siêu dự án” này. Hiện tại, các phần việc liên quan đến mặt bằng cho dự án đang được Bình Định xúc tiến.

Mong mỏi cải thiện môi trường đầu tư

Những bản kế hoạch “hoành tráng” được các DN FDI đưa ra cho năm 2015 cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn có sức hút đáng kể. Bình luận về môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Katsuyoshi Soma đánh giá: Khi đầu tư vào Việt Nam chúng tôi nhận thấy Việt Nam là một nền kinh tế mới, trẻ và phát triển mạnh mẽ, có hệ thống chính trị ổn định, có nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, nguồn nhân lực dồi dào, làm việc chăm chỉ, cần cù.

Dù vậy, DN FDI vẫn mong muốn nhiều hơn thế. Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam công bố gần đây cho thấy 66% DN Nhật Bản mong muốn tiếp tục mở rộng thị trường ở Việt Nam và coi Việt Nam là điểm đầu tư quan trọng. Đây là tỉ lệ cao so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, còn nhiều rủi ro trong môi trường đầu tư khiến các DN e ngại. Bởi lẽ, Việt Nam rơi vào vị trí thứ 3 trong số 15 quốc gia về “Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không minh mạch”, hơn một nửa số DN chỉ ra vấn đề “Sự phức tạp về cơ chế”, “Chi phí nhân công tăng cao”...

Ông Katsuyoshi Soma chia sẻ: Sau gần 15 năm có mặt tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy môi trường đầu tư cần cải thiện hơn một số điểm như: Cải thiện cơ sở hạ tầng; nâng cấp hệ thống cung cấp điện ổn định; phát triển hệ thống cảng biển, đường bộ.

“Ngoài ra, cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Chúng tôi được biết, Chính phủ Việt Nam sắp ban hành Nghị định về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Chúng tôi rất mong các cơ quan chính phủ tạo hành lang tốt để Nghị định này đi vào cuộc sống, tạo cơ hội cho các DN sản xuất những sản phẩm toàn cầu và DN sản xuất sản phẩm hàng cuối cùng phát triển và cạnh tranh” - ông Katsuyoshi Soma chia sẻ.