Doanh nghiệp FDI tăng trưởng ổn định
(Tài chính) Tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 30%/năm, đóng góp của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DN FDI) là rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam, góp phần tạo nên thặng dư thương mại, cân bằng cán cân thanh toán ổn định tỷ giá ngoại tệ và nâng cao dự trữ ngoại hối.
Đóng góp lớn cho kinh tế nước sở tại
Năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 132 tỷ USD tăng 15,4% so với năm 2012, trong đó đóng góp của các DN FDI chiếm đến 67%, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến. Các mặt hàng xuất khẩu dẫn đầu có sự góp mặt của các DN FDI như điện thoại máy vi tính, dệt may, giầy dép, máy móc thiết bị phụ tùng.
6 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu cả nước ước đạt 70,88 tỷ USD, trong đó các DN FDI đóng góp 47,8 tỷ USD. Sự tham gia của các DN FDI góp phần tạo nên các trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu, phù hợp với từng vùng, địa phương như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng sản xuất điện thoại di động, điện tử, Vĩnh Phúc ô tô, xe máy, Bình Dương, Đồng Nai, Long An may mặc, da giầy, chế biến gỗ… đồng thời kéo theo chuỗi các DN vệ tinh, hỗ trợ.
Phát biểu torng buổi tọa đàm với các DN FDI về hoạt động xuất khẩu được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 24/7, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhấn mạnh vai trò của các DN FDI trong hoạt động xuất khẩu ngày càng lớn, thể hiện rõ trong vài năm gần đây qua con số tăng trưởng xuất khẩu, tỷ trọng hàng công nghiệp, sản phẩm công nghệ cao trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Điều này cho thấy hoạt động của khối DN FDI đang có hiệu quả do Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, như các ưu đãi về thuế, đất đai, chi phí nhân công rẻ. Đặc biệt, nguồn vốn FDI đã góp phần cải thiện mạng mẽ hàng hóa sản xuất công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2013 cả nước có 1.530 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 14,48 tỷ USD, tăng 66,8% so với cùng kỳ năm 2012. DN FDI đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 719 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 17,14 tỷ USD, chiếm 76,7% tổng số vốn đầu tư đăng ký.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước đứng thứ hai với tổng số vốn đăng ký mới 2,03 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2014 lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 326 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 4,8 tỷ USD.
Khắc phục những khó khăn
Mặc dù có đóng góp lớn cho nền kinh tế, thế nhưng những khó khăn cũng như tồn tại mà các DN FDI cũng rất lớn. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đang có lợi thế rất lớn, nhiều mặt hàng của Việt Nam có mức xuất khẩu lớn nhất, nhì thế giới Tuy nhiên, số lượng DN FDI đầu tư vào lĩnh vực này vẫn rất hạn chế, chỉ chiếm 1%, số lượng các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến sâu, đầu tư về các vùng nông thôn còn rất ít.
Trong khi đó, xuất khẩu của khối DN FDI lớn nhưng nhập khẩu cũng rất lớn. Hầu hết các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử, dệt may, giầy dép… đều phải nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Để khắc phục những khó khăn trên, theo các chuyên gia, DN FDI cần tiếp tục tăng cường các dự án mới, tập trung sản xuất những mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn, tỷ lệ giá trị gia tăng cao. Đồng thời tập trung đầu tư các khâu sản xuất nguyên liệu trọng điểm của một số ngành như: nguyên liệu da giầy, nhựa, điện tử… Bên cạnh đó, DN FDI cần tăng cường chuỗi liên kết với các DN hỗ trợ của Việt Nam, qua đó thực hiện chuyển giao công nghệ và tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất tại Việt Nam.