Doanh nghiệp muốn lớn phải chờ môi trường kinh doanh
(Tài chính) Chỉ chiếm 38% tổng số vốn đầu tư xã hội, nhưng lại đóng góp đến 49% GDP là những con số thường được đưa ra để minh chứng vai trò quan trọng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Nhưng, nhóm kinh tế cá thể trong khu vực này đóng góp đến 33% GDP, có nghĩa là nền kinh tế nước ta không chỉ là nền kinh tế gia công mà còn manh mún.
Tuy nhiên, dù khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp 49%, nhưng trong đó nhóm kinh tế cá thể đã đóng góp đến 33% GDP, Tiến sỹ Bùi Trinh cho rằng nền kinh tế nước ta không chỉ là nền kinh tế gia công, mà còn manh mún. Thống kê còn cho thấy, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn (96%). Quy mô về vốn và lao động của doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng giảm, không tăng. Trong khi đó, tỷ lệ hộ gia đình kinh doanh dịch vụ, buôn bán nhỏ chưa đăng ký hoặc chỉ đăng ký ở phường hiện chiếm 6 triệu hộ, rất ít hộ phát triển thành doanh nghiệp có đăng ký.
Rõ ràng, khi động lực tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư nước ngoài được khẳng định là không bền vững, còn dựa vào khu vực nhà nước sẽ làm mất đi tính năng động của nền kinh tế, không thể không quan tâm đến khu vực này. Nhưng để khu vực kinh tế ngoài nhà nước là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế thì không thể chỉ tăng cung vốn, hay tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận đầu tư vào những lĩnh vực mà khu vực kinh tế nhà nước không cần nắm giữ.
Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa chỉ rõ, doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện đang phải đương đầu với nhiều thách thức về tài chính nên không thể đủ vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, cũng như tiếp thu công nghệ mới, phải sản xuất với công nghệ lạc hậu nên hiệu quả kinh doanh thường không cao. Doanh nghiệp cũng yếu về quản lý tài chính, phát triển nguồn lực, quản trị doanh nghiệp, định hướng kinh doanh. Theo bà Victoria Kwakwa, Chính phủ cần có những hành động thiết thực để giúp các đơn vị gia nhập thị trường và hoạt động hiệu quả hơn.
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư vừa được QH ban hành hứa hẹn sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thời gian và chi phí thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan quản lý. Song nhiều ý kiến cho rằng, để khu vực doanh nghiệp này chỉ có thể trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nước ta, cần sự thay đổi cả ở những cơ quan, cá nhân thực thi pháp luật. Như vậy mới không tồn tại những khoản chi ngoài pháp luật, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ, thay đổi phương thức quản trị... để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, không dậm chân ở quy mô nhỏ hay siêu nhỏ như hiện nay. Nói cách khác, doanh nghiệp sẽ lớn hơn khi có môi trường kinh doanh thuận lợi.