Doanh nghiệp Mỹ không mặn mà với lời kêu gọi “trở về nhà”

Theo Đỗ Phạm/thoibaonganhang.vn

Các DN Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc ngày càng cảm thấy bi quan về tình trạng căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Nhưng rất ít trong số đó rút chân khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này để trở về “quê nhà” theo lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo một khảo sát với gần 350 DN Mỹ do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Thượng Hải công bố hôm thứ Tư vừa qua, phần lớn cho biết họ sẽ vẫn ở lại Trung Quốc ngay cả khi mối quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục rạn nứt. Cụ thể, chỉ có khoảng 4% trong số hơn 200 nhà sản xuất cho biết họ sẽ chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ; hơn 75% cho biết họ không có ý định chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc; 14% cho biết họ sẽ chuyển một số hoạt động sang các quốc gia khác và 7% dự định chuyển về nước và sang các nước khác. Và theo Chủ tịch AmCham Thượng Hải, ông Ker Gibbs, nếu rời đi thì "ĐNA là điểm đến phổ biến nhất, chứ chắc chắn không phải là Hoa Kỳ".

Cuộc khảo sát của AmCham Thượng Hải cũng cho thấy, hầu hết các công ty Mỹ không có kế hoạch cắt giảm việc làm ở Trung Quốc, với hơn 2/3 cho biết họ sẽ duy trì hoặc tăng cấp độ nhân viên của mình. Số còn lại cho biết đã lên kế hoạch cắt giảm, nhưng phần lớn là do tác động của đại dịch Covid-19. Nhiều người được hỏi tỏ ra bi quan hơn về tình hình quan hệ Mỹ - Trung, với 26,9% cho rằng căng thẳng thương mại sẽ kéo dài vô thời hạn, tăng từ mức 16,9% của năm ngoái. Có 22,5% ý kiến nhận định căng thẳng sẽ kéo dài từ 3 đến 5 năm, cũng tăng mạnh từ mức 12,7% năm 2019.

Trong động thái mới nhất, Tổng thống Donald Trump đã tái đe dọa các công ty Hoa Kỳ vào hôm thứ Hai. “Chúng tôi sẽ áp đặt thuế quan đối với các công ty bỏ Mỹ để tạo việc làm ở Trung Quốc và các nước khác”, ông nói. Theo các chuyên gia kinh tế Tom Orlik và Bjorn van Roye của Bloomberg, một sự tách rời giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, tức là chấm dứt dòng chảy thương mại và công nghệ để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng sẽ khiến GDP của Trung Quốc chỉ tăng trưởng mở mức 3,5% vào năm 2030, giảm so với mức dự báo 4,5% nếu mối quan hệ nay không thay đổi.

Gần đây, chính quyền Mỹ đã nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc như Huawei và vào tháng 8, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh thông báo các hạn chế đối với WeChat - ứng dụng phổ biến thuộc sở hữu của Tencent Holdings Ltd. có trụ sở tại Thâm Quyến mà được rất nhiều người tiêu dùng và DN Trung Quốc sử dụng để thanh toán không dùng tiền mặt. Theo dự kiến, sắc lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 20/9 tới. Ông Ker Gibbs cho biết, các thành viên của AmCham Thượng Hải đang rất lo lắng việc áp dụng sắc lệnh này có thể dẫn tới việc cấm họ nhận thanh toán qua ứng dụng WeChat và điều đó có thể khiến các khách hàng Trung Quốc tìm đến các đối tác khác không phải người Mỹ.

“Nếu Twitter, TikTok chỉ là những ứng dụng mang nhiều tính giải trí thì WeChat đã ăn sâu vào hệ sinh thái kinh doanh”, ông Ker Gibbs nói và cho biết, các DN đang hy vọng Bộ Thương mại Mỹ sẽ chỉ áp dụng các hạn chế tại Hoa Kỳ trong khi vẫn cho phép các công ty sử dụng nó ở Trung Quốc. Bloomberg tuần trước đưa tin (trên cơ sở trích dẫn các nguồn thạo tin), hiện chính quyền của ông Trump vẫn đang tranh luận về phạm vi và thời điểm có hiệu lực của các lệnh cấm đối với WeChat và TikTok và sẽ công bố quyết định vào cuối tháng này.