Doanh nghiệp Nhà nước chậm thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) So với mục tiêu đặt ra, đến thời điểm này chỉ còn hơn một năm để các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện thoái vốn ngoài ngành. Tuy nhiên, vẫn điệp khúc cũ, không ít doanh nghiệp nêu lý do thoái vốn khó vì thị trường chứng khoán ảm đạm, không giữ được vốn Nhà nước, thậm chí kêu thiếu cơ chế. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp Lê Hoàng Hải về nội dung này.

Doanh nghiệp Nhà nước chậm thoái vốn đầu tư ngoài ngành
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
- Thưa ông, Bộ Tài chính cho biết cơ chế để thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước đã đủ, nhưng vì sao hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm?

- Thoái vốn là một trong những giải pháp để tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 26 ngày 9/7/2012 thì các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước phải khẩn trương xây dựng cái đề án tái cơ cấu, trong đó có đề án thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính làm rõ các khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết mà không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính. Đề án phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và có căn cứ triển khai. Nghị quyết nhấn mạnh những lĩnh vực đầu tư có khả năng mất vốn thì khẩn trương lên phương án thoái vốn phù hợp. Còn đối với những lĩnh vực đầu tư có hiệu quả hoặc khó khăn tạm thời thì xem xét tạo điều kiện để tính toán thời điểm vốn sao cho có hiệu quả nhất khi thoái vốn.

Điều đó cho thấy vấn đề thoái vốn phải gắn với đề án tái cơ cấu của từng doanh nghiệp, từng tập đoàn kinh tế. Và việc này tùy thuộc vào mỗi doanh nghiệp, mỗi lĩnh vực để có giải pháp khác nhau, kể cả phương thức, thời điểm thoái vốn. Việc thoái vốn nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào sự điều hành quyết liệt của các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ quản trong vấn đề chỉ đạo rồi tổ chức, thẩm định, phê duyệt cũng như tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu của từng tập đoàn, tổng công ty. Bên cạnh đó cũng cần đề cập yếu tố khách quan là thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

- Ông đã đưa ra các yếu tố tác động đến tiến độ thoái vốn. Vậy đến thời điểm này, tiến độ thoái vốn đã đạt mục tiêu chưa?

- Đến thời điểm này, việc thoái vốn bị tác động bởi nhiều yếu tố nhưng theo thống kê của chúng tôi đã có khoảng 80 đề án của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Và hiện nay các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng đang cố gắng triển khai kế hoạch thoái vốn của các hoạt động đầu tư và một số tập đoàn,  tổng công ty lớn vừa rồi đã chào bán phần vốn đầu tư tại các ngân hàng, các lĩnh vực bảo hiểm, bất động sản. Một số doanh nghiệp thành viên và công ty con mà không thuộc lĩnh vực ngành nghề kinh doanh chính cũng được thực hiện chuyển giao và thực hiện bán vốn.

Tuy nhiên cũng phải khẳng định, trong điều kiện hiện nay thì kết quả thoái vốn chưa đạt yêu cầu và chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra cho mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp. Nhưng cũng phải thống nhất là đến năm 2015 hoạt động thoái vốn phải hoàn tất.

- Nhưng mục tiêu đó sẽ bị đe dọa do tiến độ chậm. Ông có cho rằng cần có biện pháp đối với lãnh đạo doanh nghiệp không đạt tiến độ thoái vốn hay gây mất vốn không? 

- Thoái vốn chậm có nhiều nguyên nhân. Cũng có ý kiến cho rằng, thoái vốn sẽ dẫn tới mất vốn, không đạt hiệu quả thì người lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm, phải xem xét cách chức. Thế nhưng phải thống nhất một điều thế nào là mất vốn? Mất vốn hay không còn phụ thuộc vào dự án đầu tư có hiệu quả hay không? Nếu đầu tư có hiệu quả thì thoái vốn vẫn có thể đem lại giá trị cao hơn giá vốn ban đầu. Bên cạnh đó phải xem xét yếu tố khi đầu tư mà thị trường có nhiều biến động thì doanh nghiệp có nghiêm túc chấp hành chế độ tài chính hay không? Có thực hiện trích lập các khoản dự phòng đầu tư hay không? Nếu trích lập đầy đủ, thì thoái vốn vẫn bám sát thị trường và cũng không lo mất vốn.

Còn việc thoái vốn chậm bị cách chức, đó là ý kiến của một số người hiểu chưa đúng ý kiến trao đổi của các cơ quan chức năng. Việc đánh giá cán bộ phải theo quy định của Nhà nước chứ không phải chỉ nhìn vào thoái vốn chậm hay điều hành không hiệu quả. Chúng ta chưa có quy định riêng về việc thoái vốn chậm hay điều hành không có hiệu quả sẽ cách chức hay yêu cầu miễn nhiệm ban lãnh đạo doanh nghiệp. Từ trước đến nay có quy định: nếu ban lãnh đạo doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ thì bị xem xét, xử lý trách nhiệm, trong đó có kỷ luật cảnh cáo, khiển trách. Nếu vi phạm nghiêm trọng, có thể xem xét miễn nhiệm và bị thay thế.

- Ông vừa đề cập việc trích lập dự phòng đầu tư, vậy các doanh nghiệp đã chấp hành việc này chưa? 

- Việc doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng là một cơ chế tài chính đã được quy định nhiều năm nay chứ không phải đến bây giờ mới quy định. Thực tế, nếu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc trích lập dự phòng bám sát tình hình, diễn biến về giá trị của các hoạt động đầu tư, thì việc thoái vốn không khó khăn lắm. Và trong điều kiện như hiện nay, việc trích lập dự phòng thôi chưa đủ mà cần phải có thêm các giải pháp hỗ trợ và bổ sung để các doanh nghiệp không khó khăn trong quá trình thực hiện thoái vốn. Ví dụ như trích lập dự phòng chỉ phản ánh một phần giá trị hụt theo giá thị trường, còn các chi phí cho hoạt động thoái vốn, việc thoái vốn đó không đạt được giá trong sổ sách, trong những trường hợp đó Chính phủ cho phép phần chi thừa có thể hạch toán sau. Khi dùng dự phòng bù đắp chưa đủ, có thể hạch toán thêm vào chi phí sản xuất kinh doanh.

- Gần đây một số thông tin cho biết, Bộ Tài chính đang có một số dự thảo, quy định để thúc đẩy nhanh việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Ông cho biết rõ hơn về các biện pháp này?

- Thoái vốn gắn liền với nhiệm vụ tái cơ cấu của doanh nghiệp và hệ thống các doanh nghiệp. Do đó ngay từ khi triển khai đề án này, Bộ Tài chính theo sự phân công của Chính phủ, có nhiệm vụ hướng dẫn, giám sát và đôn đốc rồi tập hợp những vướng mắc để trình lên Chính phủ. Từ đó Chính phủ cho hướng giải quyết để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu và thoái vốn.

Bộ Tài chính đã triển khai rất nhiều giải pháp, trên 20 đề án chính sách, trong đó có những chính sách chuyên về thoái vốn như báo cáo lên Chính phủ để ban hành các quy định liên quan đến quản lý vốn và thoái hóa vốn. Trong Nghị định 71 của Chính phủ vừa ban hành, chúng tôi đề xuất Chính phủ dành hẳn một mục riêng về chuyển nhượng vốn đầu tư tại các doanh nghiệp. Hoặc để nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong các điều hành sản xuất kinh doanh cũng như việc thực thi các nhiệm vụ của Nhà nước giao, trong đó có nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Nghị định 61 của Chính phủ vừa ban hành cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong vấn đề tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Quan điểm của chúng tôi là bên cạnh các giải pháp trực tiếp về thoái vốn, chúng tôi đã tham mưu với Chính phủ đưa ra các giải pháp để tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và phát triển, qua đó cũng tạo điều kiện để phục hồi và làm ấm thị trường, trong đó có thị trường về vốn và bất động sản, những thị trường liên quan đến đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thoái vốn dễ dàng hơn.

- Dù có nhiều yếu tố tác động đến tiến độ thoái vốn, nhưng nếu như việc thoái vốn từ nay đến 2015 vẫn diễn ra chậm thì trách nhiệm đó sẽ thuộc về ai?

- Để làm rõ trách nhiệm thì các doanh nghiệp trước khi thoái vốn phải có đề án thoái vốn rõ ràng, có lộ trình chi tiết tái cơ cấu và phải gắn với đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ phê duyệt, qua đó xác định rõ nội dung dự kiến triển khai và phải báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp và theo dõi giám sát. Khi đã có kế hoạch tiến độ cụ thể thì phân vai trách nhiệm của các doanh nghiệp sẽ rất rõ. Nhiệm vụ nào là do ban lãnh đạo doanh nghiệp không triển khai đúng tiến độ thì phải báo cáo rõ nguyên nhân. Nếu không có nguyên nhân rõ ràng thì nghĩa là lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện. Lúc đó, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo doanh nghiệp. 

Trong trường hợp nếu có khó khăn vướng mắc, doanh nghiệp đã báo cáo, nhưng các cơ quan có thẩm quyền không có những biện pháp hỗ trợ xử lý thì  trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý. Do vậy, điều quan trọng nhất là phải căn cứ vào lộ trình của phương án tái cơ cấu để chúng ta kiểm điểm trách nhiệm của từng khâu, từng bộ phận.

- Xin cám ơn Ông!