Doanh nghiệp nước ngoài có tỷ lệ góp vốn bao nhiêu được kinh doanh vận tải ở Việt Nam?

Theo Linh Nga/enternews.vn

Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), các doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam có tỷ lệ góp vốn của các công ty nước ngoài vượt quá 51% sẽ không được cấp giấy phép kinh doanh vận tải tại Việt Nam.

Hiện nay khi doanh nghiệp có tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài vượt 51% thì trong giấy chứng nhận đầu tư không có mã ngành kinh doanh vận tải theo quy định nên không được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Hiện nay khi doanh nghiệp có tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài vượt 51% thì trong giấy chứng nhận đầu tư không có mã ngành kinh doanh vận tải theo quy định nên không được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời một số doanh nghiệp vận tải có vốn góp của doanh nghiệp nước ngoài chiếm trên 51% trong đó có Công ty cổ phần Vinacaptal Việt Nam (có vốn góp sở hữu nước ngoài trên 51%) đề nghị một số nội dung liên quan đến quy định tại Nghị định 10/2020 và dự kiến đầu tư phương tiện vận chuyển phát bưu kiện khách hàng theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Cụ thể, căn cứ vào các hiệp định về thương mại và cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) quy định, kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa và vận tải hành khách thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh. Trong đó, tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không quá 49%.

Văn bản của Bộ GTVT ghi rõ "Sau ba năm kể từ khi gia nhập, tùy theo nhu cầu thị trường sẽ được phép thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa, trong đó tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài không được vượt quá 51% và 100% lái xe của liên doanh phải là công dân Việt Nam".

Cũng theo Bộ GTVT, công hàm số 97/2020 của Công ty cổ phần Vinacaptal Việt Nam cho thấy, công ty có tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài vượt quá 51% và dự kiến sử dụng phương tiện để phục vụ cho hoạt động bưu chính, chuyển phát theo ngành nghề kinh doanh và giấy phép bưu chính của công ty. Do vậy, hiện nay khi doanh nghiệp có tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài vượt 51% thì trong giấy chứng nhận đầu tư không có mã ngành kinh doanh vận tải theo quy định nên không được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo quy định tại Nghị định số 10/2020 cũng không thuộc đối tượng để cấp giấy phép kinh doanh vận tải.

"Hiện đối với quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô (không kinh doanh vận tải), Bộ GTVT đang triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại khoản 10 Điều 23 của Nghị định số 10/2020. Theo đó Bộ GTVT đang tiến hành lập hồ sơ trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô (không kinh doanh vận tải). Vì vậy, nội dung này sẽ triển khai khi có quy định mới", Bộ GTVT cho biết.

Với dịch vụ vận tải biển các doanh nghiệp nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ vốn góp không quá 49%. Đối với dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, doanh nghiệp nước ngoài được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, với tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%. Với dịch vụ vận tải đường thủy nội địa và đường sắt, doanh nghiệp nước ngoài được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%.