Doanh nghiệp quản trị kém ở Việt Nam đếm không xuể

Theo TTVN

Nhiều đơn vị còn lập ra hội đồng sáng lập và thường trực Hội đồng quản trị (HĐQT), đây là một cách lách luật làm ảnh hưởng đến HĐQT.

Doanh nghiệp quản trị kém ở Việt Nam đếm không xuể

Ông Vũ Hữu Điền – Người đã từng có 17 năm kinh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Năm 2010 ông trở thành Giám đốc đầu tư của quỹ Dragon Capital, chịu trách nhiệm quản lý quỹ VEIL – một trong những quỹ đầu tư chứng khoán lớn nhất của Dragon với trị giá tài sản lên đến 1 tỷ USD và giá trị tài sản ròng khoảng 400 triệu USD.

Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm đầu tư và đã “sống sót” qua hai cuộc khủng hoảng tại Việt Nam, ông Điền nói: Khi đầu tư Dragon luôn chia thành 2 quyết định và giám sát đầu tư: tài chính và phi tài chính.

“Đã là đầu tư tài chính thì những chỉ số tài chính như: P/E, P/B, ROA, ROE, EPS… sẽ là tối quan trọng; còn nếu xác định đó là khoản đầu tư phi tài chính thì việc giám sát sẽ bám chặt vào các nguyên tắc: Môi trường (Environment, xã hội (Social) và một yếu tố cũng hết sức quan trọng đó là quản trị doanh nghiệp (Governance)” – Ông Điền nhấn mạnh.

Còn đánh giá chung về tình hình quản trị của các doanh nghiệp ở Việt Nam, ông Điền ngắn gọn:  “Không có nhiều ví dụ tốt về quản trị doanh nghiệp, trong khi đó những điển hình về quản trị yếu kém lại không thể kể ra hết được”.

Ông lấy ví dụ điển hình mà Dragon đã từng tham gia tại một ngân hàng tư nhân đã từng là ngân hàng lớn nhất Việt Nam.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1996 – 1997 ngân hàng này đã bị rơi vào khó khăn với tỷ lệ nợ quá hạn lên đến 42%, L/C trả chậm quá hạn gấp 3 lần vốn chủ sở hữu, cổ đông lớn và thành viên HĐQT vay mà không đòi được… Ngân hàng rơi vào cảnh sắp phá sản, bị NHNN giám sát đặc biệt.

Cuối năm 2000, Dragon đã tham gia vào HĐQT, cùng ban điều hành ngân hàng này tiến hành tái cấu trúc. 4 vấn đề chính đã được ban tái cấu trúc đề ra bao gồm: 1- Bầu lại HĐQT, bổ nhiệm chủ tịch và TGĐ mới. 2- Đệ trình các phương án tái cấu trúc lên NHNN, 3- Thương lượng với NHNN để chỉ phải trả 20% giá trị L/C, 4- Kiểm soát chặt việc cho vay mới, thu hồi lại các khoản nợ xấu bằng mọi cách.

Nhờ vậy đến năm 2004  ngân hàng này đã không còn L/C quá hạn, nợ xấu xuống dưới 1%, ngân hàng khỏe mạnh trở lại và lọt vào vị trí số 1 trong số 5 ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Việt Nam

Sau đó, Dragon bán lại cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài và rút khỏi vị trí thành viên HĐQT. Cán cân quyền lực chênh lệch, TGĐ của ngân hàng này đã mời bạn bè tham gia vào HĐQT và kiểm soát HĐQT. Vị TGĐ sau đó phạm nhiều sai làm bị điều tra và buộc phải từ chức. Sau đó không lâu ngân hàng này đã bị thôn tính lại bởi một nhóm cổ đông khác.

Cũng theo ông Điền, nhiều đơn vị còn lập ra hội đồng sáng lập và thường trực HĐQT, đây là một cách lách luật làm ảnh hưởng đến HĐQT.

Ông Điền nói, “Hội đồng sáng lập gồm những cổ đông lớn, không tham gia HĐQT, ban điều hành nhưng lại ảnh hưởng đến mọi quyết định của HĐQT và các ủy ban, khiến công ty hoạt động không bền vững”.

Điều này được phần này phản ánh trong đánh giá của IFC, cụ thể việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thì Việt Nam xếp thứ hạng 169/185 nền kinh tế và năm vừa qua chỉ số này lại tiếp tục bị  hạ tiếp 2 bậc.

“Đó cũng dễ hiểu khi mà cấu trúc cổ đông cũng như văn hóa của các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam tạo nên khó khăn rất lớn cho việc áp dụng mô hình quản trị tiên tiến, đặc biệt là mô hình quản trị độc lập. Tuy nhiên, điều đó phải được thay đổi nếu như các doanh nghiệp Việt Nam muốn thu hút được vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài” – Ông Điền nói.