Doanh nghiệp Quảng Ninh - lực lượng nòng cốt phát triển kinh tế địa phương
Xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt phát triển kinh tế địa phương, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai linh hoạt các chính sách ưu đãi, cụ thể hóa hoạt động hỗ trợ, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư. Nhờ đó, số doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

"Lực lượng nòng cốt" phát triển kinh tế địa phương
Trong những năm qua, Quảng Ninh luôn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của địa phương. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã nỗ lực, quyết liệt trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư.
Cụ thể, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030; Nghị quyết số 155/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025; trong đó, tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, nguồn vốn, đất đai, mở rộng thị trường...
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản về cơ chế, chính sách quản lý và hỗ trợ phát triển các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, nhập khẩu và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh.
Hằng năm, định kỳ tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, chỉ đạo sở, ngành vận dụng các cơ chế chính sách hướng dẫn tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ nhà đầu tư.
Đặc biệt, Quảng Ninh kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và nội lực, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Chủ động nắm bắt đón làn sóng dịch chuyển nguồn vốn ngoại
Trong công tác đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Quảng Ninh đã chủ động nắm bắt cơ hội, đón làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trên thế giới để tăng tốc, bứt phá. Năm 2024, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 2,8 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước và trở thành 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2024.
Cụ thể, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 43 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2.073,04 triệu USD; điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 72 lượt dự án; cấp thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp cho 2 doanh nghiệp/nhà đầu tư nước ngoài với giá trị vốn góp là 4,34 triệu USD.
Xét theo ngành, lĩnh vực, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 5 ngành trên tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư 2.081,77 triệu USD (chiếm 72,3%), trong đó có 3 dự án quy mô vốn đầu tư trên 200 triệu USD. Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản (chiếm 10,9%); sản xuất và phân phối hơi nước (chiếm 9,1%); bán buôn, bán lẻ (chiếm 7,6%); hoạt động tư vấn quản lý (chiếm 0,1%).
Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành dẫn đầu với 37 dự án cấp mới (chiếm 86,1%) và 22 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn (chiếm 71%).
Năm 2024 đã có 9 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Quảng Ninh, trong đó ghi nhận vốn đăng ký tăng mạnh từ các nhà đầu tư Singapore, vượt qua Hồng Kông (Trung Quốc) - đối tác dẫn đầu về vốn đầu tư vào tỉnh trong nhiều năm. Xét về vốn đầu tư đăng ký, Singapore là đối tác dẫn đầu với 970,27 triệu USD (chiếm 33,7%); tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc) với 926,07 triệu USD (chiếm 32,2%); Nhật Bản với 344,16 triệu USD (chiếm 12%); Hàn Quốc với 210,69 triệu USD (chiếm 7,3%). Xét về số dự án, Singapore dẫn đầu với 13 dự án mới và 9 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn; tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc) với 9 dự án mới và 11 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn.
Theo địa bàn đầu tư các dự án cấp mới chủ yếu được thực hiện tại các khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên và huyện Hải Hà, gồm: Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (19 dự án), Khu công nghiệp Đông Mai (6 dự án), Khu công nghiệp Sông Khoai (5 dự án), Khu công nghiệp Texhong - Hải Hà (6 dự án). Vốn đầu tư thu hút tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trong năm đạt 2.640,99 triệu USD, chiếm 91,8% tổng vốn thu hút của toàn tỉnh. Việc các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đánh giá là phù hợp với quy hoạch Quảng Ninh và đúng với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Quý I/2025, tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 167,32 triệu USD, tương đương 4.188 tỷ đồng, bằng 22,5% cùng kỳ. Các dự án FDI thu hút mới được thực hiện bởi nhà đầu tư tới từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore. Đây là các đối tác truyền thống, đồng thời cũng là những đối tác được tập trung thu hút đầu tư theo định hướng Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và hoạt động kinh doanh bất động sản là các lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư với 11/11 dự án cấp mới và điều chỉnh tăng vốn. Các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Quảng Ninh. Để triển khai thu hút đầu tư, đạt hiệu quả, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung xúc tiến đầu tư vào các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu.
Triển khai điều tra doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Với những việc làm cụ thể, số doanh nghiệp, nhà đầu tư ngày càng được tạo điều kiện phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2024 cho thấy, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh, bao gồm doanh nghiệp là trụ sở chính và chi nhánh là 13.308 doanh nghiệp. Các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động gồm: Doanh nghiệp khu vực nhà nước, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp khu vực đầu tư nước ngoài. Vốn bình quân năm 2023 là 653 nghìn tỷ đồng. Số lao động của doanh nghiệp năm 2023 là 241.119 người. Thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2023 là 35.536 tỷ đồng.
Hiện, Chi cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh đang triển khai điều tra doanh nghiệp năm 2025, đây sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng về phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cuộc điều tra thu thập thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã với nội dung: Ngành hoạt động sản xuất kinh doanh; loại hình doanh nghiệp; thông tin về lao động và thu nhập của người lao động; kết quả hoạt động, chi phí sản xuất kinh doanh; vốn đầu tư; sản lượng sản xuất của sản phẩm; thông tin về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ của doanh nghiệp; thông tin về chi phí vận tải, chi phí bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu; thông tin về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản…
Thực hiện phương án điều tra bao gồm cả doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 14.995 doanh nghiệp, trong đó có 12.708 phiếu điều tra toàn bộ doanh nghiệp và 2.287 doanh nghiệp điều tra phiếu mẫu. Tham gia điều tra Chi cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh đã tuyển chọn 63 giám sát viên và 172 điều tra viên. Hiện, các điều tra viên đã tiến hành cung cấp đường dẫn, tài khoản và mật khẩu để doanh nghiệp lên kê khai...
Để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển tiếp tục đóng góp vào phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư cho các khu công nghiệp, khu kinh tế của Tỉnh thông qua các Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, Đề án xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho các khu công nghiệp, khu kinh tế…
Tỉnh Quảng Ninh cũng tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, có thương hiệu đầu tư vào Quảng Ninh. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao.