Doanh nghiệp sản xuất ở Đà Nẵng thận trọng vào vụ Tết
Với tình hình không khả quan của nền kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất ở Đà Nẵng dè dặt trong sản xuất vụ Tết vì dự đoán sức mua không tăng đột biến như mọi năm. Để kích cầu mua sắm Tết, Sở Công Thương TP cũng có nhiều chương trình kích cầu, khuyến mãi.
Dè dặt sản xuất hàng Tết
Bắt đầu "vào đường đua" sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 từ giữa tháng 11, đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm được chế biến từ nông sản của Hợp tác xã nông sản sạch Đô 37 (quận Ngũ Hành Sơn) nhận được lượng đặt hàng từ các đại lý, siêu thị, chuỗi cửa hàng… không chỉ tại TP.Đà Nẵng mà còn khắp các tỉnh/thành trên cả nước.
Để đa dạng các kênh bán hàng, bên cạnh thị trường hàng truyền thống, năm nay, Hợp tác xã còn mở rộng lên các trang thương mại điện tử như: Tiktok, Shopee… và nhận được nhiều tín hiệu tích cực.
Dẫu vậy, bà Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc Hợp tác xã nhận định, do khó khăn chung của nền kinh tế, đơn vị chỉ kỳ vọng sức mua dịp Tết 2024 sẽ không giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
"Các loại hạt, hoa quả sấy… là những sản phẩm có sức mua tốt hơn trong dịp Tết bởi đa phần gia đình nào cũng cần. Đồng thời, đây cũng là lựa chọn hàng đầu trong giỏ quà Tết của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Năm nay, sản xuất dịp Tết sẽ tăng trưởng, nhưng không cao so với mọi năm", bà Oanh dự đoán.
Không riêng Hợp tác xã nông sản sạch Đô 37, nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hàng Tết tại TP.Đà Nẵng cũng dè dặt trong việc sản xuất các mặt hàng phục vụ người dân dịp cuối năm. Bởi, nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng, người dân khó khăn trong tài chính nên các đại lý cũng thận trọng khi đặt hàng Tết.
Ông Bùi Thanh Phú, chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Nam Ô Hương Làng Cổ của (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cơ sở dự kiến bán ra thị trường khoảng 8.000 lít nước mắm, đây là con số tương đương so với năm ngoái.
Ông Phú lý giải, khi kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, bởi vậy, cơ sở này chỉ sản xuất lượng hàng Tết tương đương năm ngoái. Thậm chí, sản phẩm thực tế ra thị trường có thể thấp hơn khi khách hàng doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thắt chặt ngân sách.
Sức mua, mức chi tiêu dùng của người dân giảm
Theo Sở Công Thương TP.Đà Nẵng, để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong các dịp lễ, tháng cuối năm 2023, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhất là các mặt hàng thiết yếu, Sở này đã làm việc với các đơn vị cung ứng, bán lẻ trên địa bàn thành phố về dự trữ hàng hóa phục vụ người dân.
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho hay, qua tổng hợp báo cáo của các đơn vị và từ tình hình thực tế, năm nay kinh tế trong nước mặc dù có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức do phục hồi sau đại dịch. Khu vực sản xuất còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, do đó sức mua, mức chi tiêu dùng của người dân giảm.
Vì vậy, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, nhưng không tăng nhiều so với năm ngoái và đưa ra một số chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu. Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 2.580 tỷ đồng.
Trong đó, các doanh nghiệp đầu mối cung ứng thịt gia súc, gia cầm, lương thực thực phẩm... với giá trị dự trữ gần 1.015 tỷ đồng; thương nhân kinh doanh tại các chợ tham gia dự trữ với giá trị ước khoảng 750 tỷ đồng; các cửa hàng tạp hóa tại các khu dân cư, tuyến phố chuyên doanh tham gia dự trữ với giá trị ước trên 815 tỷ đồng.
"Các mặt hàng dự trữ chủ yếu là gạo, nếp các loại; thịt các loại; thực phẩm chế biến, đóng hộp; thực phẩm khô; bánh kẹo mứt hạt dưa; rau củ quả các loại", lãnh đạo Sở Công Thương TP.Đà Nẵng chia sẻ.
Bên cạnh đó, năm nay, TP.Đà Nẵng tiếp tục tổ chức chương trình hàng bình ổn các mặt hàng gia súc, gia cầm (chủ yếu là thịt heo và thực phẩm chế biến từ thịt heo, trứng gà).
Dự kiến, chương trình sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 6-8/2/2024, nhằm ngày 27-29 tháng Chạp, năm Quý Mão) với có 19 điểm bán hàng thịt heo bình ổn giá trên các quận, huyện. Giá bán được các doanh nghiệp cam kết bán thấp hơn thị trường và giữ mức ổn định.
Ngoài ra, Sở Công Thương TP.Đà Nẵng cũng sẽ tổ chức 3 đợt đưa hàng hóa bình ổn giá về phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn các xã miền núi huyện Hòa Vang (gồm xã Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú).
Mặt hàng bình ổn là các mặt hàng phục vụ Tết gồm: bánh kẹo các loại, nước giải khát, mứt, đồ khô, quần áo... Giá bán sẽ thấp hơn giá bán lẻ tại TP.Đà Nẵng từ 5-10% và triển khai các chương trình khuyến mại đối với một số mặt hàng trong thời gian bán hàng.