Doanh nghiệp thiếu chủ động hội nhập
(Tài chính) Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại và hiện đang tham gia đàm phán để tiến tới ký kết nhiều hiệp định quan trọng khác. Điều này mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp. Song, hiện nay nhận thức của các doanh nghiệp về các hiệp định thương mại có phần thiếu hụt và đó là sự cản trở không nhỏ trên con đường hội nhập.
Thông tin chưa đến cùng
Hiện nay Việt Nam đang tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh châu Âu (EFTA), FTA với Liên minh Hải quan Nga - Belarut - Kazakhstan (VCUFTA), tham gia Cộng đồng kinh tế Asean (AEC)...
Đây là cơ hội lớn song để nắm bắt được và có sự chuẩn bị để tránh rủi ro, trước hết DN phải nắm rõ thông tin về các hiệp định thương mại, các thị trường mới mà Việt Nam sắp tham gia. Song trên thực tế, nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (DNNVV) hiện rất hạn chế trong việc nắm bắt, tìm hiểu thông tin về các hiệp định này.
Về phía các cơ quan Nhà nước, thời gian qua Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan chủ trì đàm phán các hiệp định đã thường xuyên tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị khác như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các bộ ngành liên quan, các Hiệp hội... để tổ chức các buổi hội thảo, đăng tải thông tin trên website của bộ, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các buổi làm việc với các Hiệp hội để cung cấp thông tin cho DN về các hiệp định mà Việt Nam đang đàm phán.
Nhiều Hiệp hội ngành nghề cũng như nhiều DN khi được hỏi đã ghi nhận sự nỗ lực này của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo nhận định của các DN, các Hiệp hội DN, những thông tin cung cấp từ phía cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở những thông tin cơ bản, điều mà DN cần chính là những thông tin cụ thể của thị trường XK gắn với từng lĩnh vực, ngành hàng mà DN đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Những DN ở địa phương cũng ít được cung cấp thông tin hơn so với các DN ở các thành phố lớn.
Bà Vi Thanh Hồng, chuyên viên đối ngoại, Công ty TNHH XNK nông sản Thăng Long cho biết: “Bộ Công Thương, Sở Công Thương có cung cấp thông tin nhưng thường là thông tin chung, để tìm thông tin cụ thể của từng ngành hàng, thị trường mới đang có nhu cầu gì thì đa phần DN phải tự tìm hiểu”.
Từ Nghệ An, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Thành Xuân cho biết: DN gần như chưa được tham gia một buổi hội thảo nào về các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết. Hầu như các thông tin DN chỉ được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho biết, DN thuộc Hiệp hội cũng gặp những khó khăn thực tế trong tiếp cận, nắm bắt thông tin về các hiệp định thương mại, các thị trường mới. Lý do là vì việc cung cấp thông tin ban đầu cơ quan chức năng thường làm tốt, nhưng ít khi làm đến cùng và ít khi quyết liệt. Theo đó, khi DN cần cung cấp thông tin sâu hơn thì lại không có, dẫn đến kết quả không như kỳ vọng.
DN thiếu quan tâm đúng mức
Nhìn nhận vấn đề từ phía cơ quan chức năng, khi trao đổi với Báo Hải quan, ông Dương Hoàng Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương lại cho rằng một trong những nguyên nhân DN thiếu hụt thông tin là do DN, đặc biệt là DNNVV chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc tìm hiểu thông tin. Các DNNVV thường quan tâm đến kinh doanh nhiều hơn, vì vậy việc tận dụng lợi thế của hiệp định thương mại, hay nói khác đi, lợi ích mang lại cho DN là có mức độ.
Theo đại diện một DN XNK thủy sản ở Quảng Ninh, với các hiệp định thương mại Việt Nam đang đàm phán, DN thường được biết thông tin qua báo chí, mà thông tin trên báo chí cũng chưa đạt được độ sâu cần thiết. Hiện nay DN đang tập trung cho thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chứ không quan tâm nhiều đến các thị trường mới.
Ngay cả khi DN chủ động tìm kiếm thông tin cũng không phải dễ dàng. “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu thị trường mới, phải đi hỏi rất nhiều nguồn thông tin như Bộ Công Thương, các đại sứ quán... Chúng tôi gửi nhiều email cho bộ, ngành liên quan để tìm hiểu thông tin nhưng ít khi nhận được câu trả lời. Thời gian qua chỉ có Đại sứ quán Nam Phi là nhiệt tình, còn lại hầu như không có phúc đáp. Thường chúng tôi phải sử dụng các nguồn dịch vụ, các trang web thương mại của nước ngoài họ có những thông tin điều tra về thị trường, hoặc nhờ các kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài để họ hỗ trợ”, bà Vi Thanh Hồng cho hay.
Để giúp các DN có nhận thức đầy đủ hơn về các hiệp định thương mại nhằm tận dụng tối đa cơ hội, tránh rủi ro, cần phải có sự tích cực cả từ phía cơ quan chức năng cũng như từ phía DN. Về phía cơ quan chức năng cần quyết liệt và sâu hơn trong truyền thông tới DN. “Theo tôi đã làm phải làm đến cùng. Nên cử người chuyên trách để theo dõi quá trình đó thành công đến đâu, khó khăn vướng mắc gì để giải quyết cho DN. Nên tập trung tuyên truyền, có thể chỉ là 1-2 hiệp định. Làm ít mà chất lượng, còn hơn dàn trải mà không hiệu quả”, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị.
Ngoài việc các cơ quan chức năng cần tuyên truyền theo hướng đi vào chiều sâu thì về phía các DN, vì đây là lợi ích thiết thực của DN nên thời gian tới, các DN cần tích cực, chủ động hơn nữa trong nắm bắt thông tin.
“Mục tiêu của các Hiệp định là đưa thuế về 0%, và vì nó vừa đem lại lợi ích cho DN, vừa mang đến thách thức, nên DN cần chủ động tìm hiểu thông tin. Các cơ quan chức năng cố gắng trong tuyên truyền, nhưng DN cũng không nên thụ động ngồi chờ. Nếu có gì chưa thỏa đáng, cần tìm hiểu sâu thì có thể trao đổi thêm. Các vụ thị trường của Bộ Công Thương luôn sẵn sàng cung cấp thông tin cho DN trong khả năng, phạm vi chức năng nhiệm vụ ở mức tối đa”, ông Dương Hoàng Minh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam:
Các DN trong Hiệp hội đa phần đều nắm được thông tin về các hiệp định đã và đang ký kết, đàm phán nhưng nắm một cách đầy đủ hơn chủ yếu là các DN lớn, do họ rất quan tâm vấn đề này. Các DN nhỏ có những DN chưa nắm rõ, do DN chưa có bộ phận nghiên cứu về thị trường hoặc do nguyên nhân nào đó. Hiện nay DN có thông tin từ nhiều nguồn: các bộ, ngành, Hiệp hội, mạng internet... Khi có các thông tin mới thì các cơ quan thuộc Bộ Công Thương cũng cung cấp cho chúng tôi để chúng tôi cung cấp cho DN. Thời gian qua các DN thuộc hiệp hội quan tâm đến thị trường nước ngoài do tiêu thụ thép trong nước tăng trưởng chậm.
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam:
Hiện nay nguồn thông tin về các hiệp định thương mại thường do các bộ, ngành cung cấp. Bên cạnh đó các DN cũng chủ động tra cứu. Các DN XK chủ yếu đóng trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hầu hết DN này tự tìm hiểu thông tin. Còn các DN sản xuất thường bán sản phẩm cho các DN XK nên thường ít quan tâm đến các hiệp định. Hiệp hội thường chỉ thông tin những hiệp định liên quan đến ngành chè, tập hợp những thông tin mới, những thay đổi của môi trường kinh doanh để thông báo kịp thời cho DN qua thư điện tử.
Ông Nguyễn Văn Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Phong Châu:
Về thông tin chung, cơ quan chức năng làm tương đối tốt. Còn khi DN đi vào từng mã thuế của từng ngành hàng cụ thể, thông tin phản hồi không phải có ngay, thường mất 2,3 ngày vì các cán bộ phụ trách nước ở các cục, vụ, văn phòng đại diện phải mất thời gian để kiểm tra, xác minh những thay đổi.
Các hiệp định thương mại có ảnh hưởng hai chiều, vì thế bên cạnh những thuận lợi, cơ quan chức năng cần sớm thông tin làm rõ những thách thức mà DN phải đương đầu để DN có sự chuẩn bị. Đơn cử, tham gia vào TPP Việt Nam có ưu thế, nhưng các nước khác họ cũng có thể tận dụng ưu thế ấy ngay trên nước mình. Đồng thời, Nhà nước cần có sự đầu tư, có cơ chế chính sách hỗ trợ DN để DN có thời gian, có sức khỏe để đối diện với thử thách.