Doanh nghiệp trước sức ép hàng nhập khẩu

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Nhu cầu phân bón trong cả nước mỗi năm hơn 10 triệu tấn các loại. Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn dẫn đến lượng tiêu thụ phân bón trên thực tế không như mong đợi.

Doanh nghiệp trước sức ép hàng nhập khẩu
Một lượng lớn phân bón từ nước ngoài đang chảy về Việt Nam tạo áp lực lên các DN phân bón trong nước. Nguồn: internet
Hàng nhập khẩu lấn sân

Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành phân bón đang cho thấy kết quả kinh doanh kém đi. Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cho thấy, doanh thu giảm khoảng 6% so với cùng kỳ.

Tình hình kinh doanh khó khăn cũng xảy ra với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo). 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của DN này đã giảm khoảng 14%; hàng tồn kho tăng 12,4% và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 17,2% so với cùng kỳ.

“Do hàng nhập khẩu về nhiều, không được kiểm soát chặt, nhất là đối với nhập phân bón theo tiểu ngạch…”, ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty nêu lý do của tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay. Nhập khẩu phân bón luôn diễn ra trong các năm gần đây, do nhu cầu trong nước lớn hơn khả năng cung ứng của DN. Tuy nhiên, tình hình đã có những thay đổi trong thời gian gần đây.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu phân bón trong cả nước mỗi năm hơn 10 triệu tấn các loại. Để đáp ứng nhu cầu này, trong năm 2013, dự kiến Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 1,2 triệu tấn phân urê, 100 nghìn tấn phân NPK…

Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn dẫn đến lượng tiêu thụ phân bón trên thực tế không như mong đợi. Đơn cử trong niên vụ qua, nông dân trồng cao su tiểu điền chỉ đầu tư khoảng 50% lượng phân bón so với năm trước để giảm bớt chi phí giá thành.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, đối với urê và NPK, hiện nay các nhà máy trong nước đã sản xuất đủ nhu cầu, thậm chí dư, nhưng trong 8 tháng đầu năm 2013, lượng phân bón thuộc 2 chủng loại trên vẫn được tiếp tục nhập vào Việt Nam.

Cụ thể, đến tháng 8/2013, phân bón nhập khẩu vào nước ta là 2,94 triệu tấn, kim ngạch 1,12 tỷ USD, tăng 27,8% về lượng và tăng 11,5% về kim ngạch so với cùng kỳ. Trong đó, urê 423,30 nghìn tấn (tăng 29,27%), NPK 355,49 nghìn tấn (tăng 81,7%)…

Diễn biến trên được cho rằng đang đẩy một số DN sản xuất phân bón, nhất là những loại phân bón dư cung, vào tình trạng khó khăn. Bởi tính đến thời điểm tháng 8/2013, các DN trong nước đã sản xuất và cung ứng ra thị trường lượng phân urê tăng 60%, NPK tăng 27%...

DN tìm hướng cạnh tranh

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông sản (Apromaco) phân tích, hiện giá một số loại phân bón trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm và rẻ hơn giá bán trong nước. Vì vậy, một lượng lớn phân bón từ nước ngoài đang chảy về Việt Nam, tạo áp lực lên các DN phân bón trong nước.

Vị này cho biết, do xu hướng giảm giá liên tục nên chính các DN phân phối nội địa cũng tính bài nhập lô hàng sau giá thấp để trung bình giá giảm cho hàng đầu ra, đẩy nguồn hàng trong nước tăng cao. Trong khi đó, không ít DN sản xuất phân bón trong nước neo giá bán sản phẩm ở mức cao đã tạo cơ hội cho hàng ngoại thâm nhập vào thị trường.

Đại diện Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao thừa nhận, mặc dù thương hiệu của DN đã có, một số sản phẩm đặc thù được bà con nông dân tin dùng, nhưng trong một vài năm trở lại đây, công ty cũng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm ngoại nhập, dẫn đến kinh doanh kém thuận lợi.

Thậm chí, khi đề cập đến hệ quả từ sự xâm lấn của phân bón nhập khẩu, đại diện một số DN cho rằng, cái khó là DN không biết điều tiết năng lực sản xuất, nắm bắt diễn biến, nhu cầu thị trường mà sản xuất ra đủ nhu cầu.

Mặc dù theo ý kiến của một số chuyên gia, việc nhập khẩu phân bón từ nước ngoài làm tăng tính cạnh tranh đối với thị trường phân bón trong nước và người nông dân sẽ được hưởng lợi khi mua sản phẩm cùng loại với giá rẻ hơn. Nhưng nhiều DN trong nước lại cho rằng, với cơ chế phân phối sản phẩm đặc thù như hiện nay, thực tế sản phẩm phân bón ngoại nhập đến tay người nông dân cũng không rẻ, thậm chí còn đắt hơn vì phải qua nhiều tầng lớp, phân cấp nên đến khâu cuối cùng đã đội giá bán lên rất nhiều.

Chỉ trừ một số sản phẩm nhập khẩu theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc có mức giá khá rẻ nhưng chất lượng khó đảm bảo.

Trước tình hình sức cầu trong nước giảm, lượng hàng hóa sản xuất ra thị trường dư thừa, nhiều DN đã tính đến bài xuất khẩu phân bón sang thị trường một số nước lân cận trong khu vực. Tính đến tháng 8/2013, các DN trong nước đã xuất khẩu được 710 ngàn tấn, đạt kim ngạch 289,7 triệu USD.

Tuy nhiên, kế sách lâu dài của các DN sản xuất phân bón vẫn là đánh vào niềm tin người tiêu dùng trong nước để tăng sức mua. Hơn nữa, các DN cũng nhận định tình hình khó khăn chỉ là trước mắt, còn về lâu dài, lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón tại thị trường nội địa vẫn còn nhiều đất sống.