Ghi nhận nhiều lợi ích

Được triển khai thí điểm từ năm 2011, chương trình “doanh nghiệp (DN) ưu tiên” do Tổng cục Hải quan thực hiện đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng DN. Bên cạnh việc được tạo thuận lợi tối đa khi làm thủ tục thông quan hàng hóa, giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí, việc được công nhận là “DN ưu tiên” còn giúp DN khẳng định uy tín và nâng cao vị thế trên thương trường. Đến nay, sau hơn một năm áp dụng chế độ “DN ưu tiên”, Tổng cục Hải quan đã tổ chức 2 đợt cấp chứng nhận cho 12 DN. Trong đó, có 4 DN nước ngoài, 7 DN trong nước, 1 DN liên doanh. Hầu hết các DN được áp dụng chế độ “DN ưu tiên” đều nhận thấy rõ lợi ích thiết thực và thuận lợi to lớn.

Tỷ trọng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) của 12 DN là 20 tỷ USD/202 tỷ USD tổng kim ngạch (tương đương với 9,9 % kim ngạch XNK toàn quốc). Hầu hết các DN được áp dụng chế độ “DN ưu tiên” đều nhận thấy rõ lợi ích thiết thực, cụ thể: Giảm thời gian thông quan từ khoảng 2 giờ xuống còn khoảng 10 phút (tính từ khi hải quan cấp số tờ khai đến khi lô hàng được thông quan). Điều này đặc biệt quan trọng đối với các DN quy mô lớn, yêu cầu cao về tiến độ và những lô hàng cần gấp để hoàn thành theo tiến độ nghiệm thu; Được áp dụng cơ chế làm việc 24 giờ/7 ngày; Giảm đáng kể chi phí về nhân sự, chi phí tài chính, các chi phí kho bãi, phí lưu công… ví dụ, có công ty chỉ tính riêng đối với các lô hàng về bằng đường hàng không thì chi phí lưu kho giảm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng; đối tác nước ngoài cũng được hưởng lợi; Tạo được uy tín cho các cơ quan và đối tác liên quan; cung cấp vật tư nhập khẩu kịp thời và đúng kế hoạch; tạo uy tín lớn đối với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại…

Với những DN hoạt động XNK, việc thực hiện thủ tục hải quan nhanh, gọn, kịp thời là một trong những yếu tố quan trọng giúp DN nâng cao hiệu quả kinh doanh. Sau một thời gian ngắn được Tổng cục Hải quan công nhận là “DN ưu tiên” và được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt khi hoạt động thương mại XNK, nhiều DN đã giảm được đáng kể thời gian và chi phí khi làm thủ tục hải quan. Tại Công ty TNHH XNK MTV 2-9 Đắk Lắk (Tổng Công ty Lương thực miền Nam), sau khi trở thành “DN ưu tiên”, thủ tục thông quan mỗi lô hàng của DN chỉ mất 5-7 phút.

Theo tính toán của Công ty Brother (Nhật Bản), thời gian thông quan hàng hóa của DN đã giảm 180 giờ/ tháng. Đại diện của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng cho biết, thay vì mất khoảng 12 giờ mới hoàn thành thủ tục thông quan cho mỗi lô hàng, sau khi được hưởng chế độ ưu tiên, DN chỉ mất 1- 2 giờ... Đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, việc tham gia chương trình “DN ưu tiên” đã tạo ra những thuận lợi lớn cho DN, giúp hàng hóa nhanh chóng đến với khách hàng. Chế độ “DN ưu tiên” không chỉ mang lại lợi ích lớn về kinh tế, mà còn giúp DN nâng cao uy tín cho hàng hóa XNK.

Cần tiếp tục mở rộng

Bên cạnh những lợi ích mang lại cho DN cũng như cơ quan hải quan, trong quá trình thực hiện chương trình “DN ưu tiên” vừa qua cũng bộc lộ một số bất cập cần được khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế như: quy định về điều kiện kế toán minh bạch; các ưu tiên trong giai đoạn thông quan; điều kiện về kim ngạch của DN xuất khẩu; vấn đề sửa chữa tờ khai, bổ sung hồ sơ hải quan…

Đại diện một số DN cũng cho rằng, những tiêu chí và điều kiện do Tổng cục Hải quan đặt ra cơ bản phù hợp, vừa bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học, vừa mang tính thí điểm để có thể áp dụng rộng rãi trong tương lai. Tuy nhiên, cũng nên sớm nghiên cứu để mở rộng diện DN được ưu tiên, hạ bớt điều kiện về kim ngạch XNK. Điều này sẽ giúp tạo sự chuyển biến từ quan điểm hải quan kiểm soát chặt chẽ DN sang chế độ hải quan tin tưởng DN, giao quyền tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật cho DN để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Nắm được nguyện vọng của DN, song đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, bên cạnh việc cải cách thủ tục hải quan, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại XNK, ngành Hải quan còn đóng vai trò người “gác cửa” cho nền kinh tế. Vì vậy, việc rà soát, công nhận “DN ưu tiên” thời gian tới sẽ tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, minh bạch, với sự giám sát của các ngành chức năng. Điều này sẽ giúp tìm ra những DN tuân thủ tốt pháp luật, xứng đáng được hưởng ưu đãi và giảm thiểu rủi ro cho cơ quan quản lý.

Ghi nhận những tồn tại và kiến nghị của các DN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái đã thống nhất quan điểm: Trước mắt, căn cứ quy định hiện hành xử lý ngay (cả ở cấp độ văn bản và cấp độ thực hiện) các vướng mắc phát sinh trong khâu thực hiện. Mặt khác, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu cơ bản chế độ này để hoàn chỉnh khi ban hành văn bản chính thức và đưa vào xây dựng Luật Hải quan; Xử lý các vấn đề về công nghệ thông tin (kết nối giữa DN ưu tiên và hải quan, đường truyền, nhận dạng DN ưu tiên để xử lý tự động…); Nghiên cứu xây dựng tổ chức bộ máy triển khai, quản lý chế độ này. Đây là công việc lâu dài, cần có bộ phận chuyên trách để quản lý sao cho phù hợp với số lượng và quy mô hoạt động của các DN ưu tiên; Nghiên cứu vấn đề đảm bảo an ninh an toàn của khung tiêu chuẩn SAFE của WCO để áp dụng phù hợp với bối cảnh của hải quan Việt Nam; Tăng cường công tác phổ biến chủ trương phát triển DN ưu tiên, những lợi ích mà chế độ ưu tiên mang lại cho DN để thu hút sự quan tâm của DN; Tổ chức tốt công tác tư vấn và đào tạo cơ bản về chế độ ưu tiên cho DN quan tâm.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 8/2012

Doanh nghiệp ưu tiên: Lợi ích thiết thực

BÙI THỊNH

(Tài chính) “Giảm thời gian thông quan từ 2 giờ xuống còn 10 phút; số tiền tiết kiệm được từ việc giảm các chi phí, đặc biệt là chi phí lưu kho, lưu bãi lên đến hàng trăm triệu đồng/doanh nghiệp/ năm… Là một trong những lợi ích vô cùng to lớn đối với cơ quan Hải quan và doanh nghiệp ưu tiên nhận từ chương trình “Doanh nghiệp ưu tiên” - ông Nguyễn Dương Thái - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khái quát sau 1 năm thực hiện Chương trình này.

Xem thêm

Video nổi bật