Doanh nghiệp vận tải biển có tín hiệu tích cực

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Từ năm 2007 đến nay, các cổ phiếu vận tải biển đã giảm sâu và ít được nhà đầu tư quan tâm. Nhưng khi kinh tế dần phục hồi, kết quả kinh doanh của nhiều công ty vận tải biển niêm yết trên thị trường chứng khoán đã khả quan hơn. Vì thế, nhiều mã cổ phiếu ngành này được dự báo sẽ bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Doanh nghiệp vận tải biển có tín hiệu tích cực
Kết quả kinh doanh của nhiều công ty vận tải biển niêm yết trên thị trường chứng khoán đã khả quan hơn. Nguồn: internet

Cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển có sự bứt phá là do kết quả kinh doanh của nhiều đơn vị khả quan hơn. Thực tế, do chính sách tái cơ cấu nợ và giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã giúp nhiều doanh nghiệp tháo được gánh nặng nợ xấu, tiếp tục vay vốn đầu tư kinh doanh. Các chủ nợ trong và ngoài nước của một số doanh nghiệp vận tải biển cũng đồng loạt gia hạn thời gian trả nợ, cung cấp khoản vay đảo nợ với lãi suất thấp. Bởi các chủ nợ (chủ yếu là ngân hàng) nhìn thấy, vận tải biển có cơ hội phục hồi khi thị trường hàng hải quốc tế đang dần thoát khỏi khủng hoảng.

Theo báo cáo tài chính của các doanh nghiệp vận tải biển niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhiều đơn vị từ lợi nhuận âm đã chuyển sang lợi nhuận dương trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship (VNA) đạt lợi nhuận  gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ 17,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đã lỗ 8,2 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam đã đạt lợi nhuận 85,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 196 tỷ đồng. Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển (VST) cũng có lợi nhuận 63,6 tỷ đồng, còn lỗ 147,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là phần lợi nhuận đã trừ chi phí hoạt động, đáng kể nhất là trả lãi vay ngân hàng.

Ngoài ra, các đơn vị vận tải biển hiện đã thoát khỏi tình trạng bán tàu để sống, vì những tàu cần bán đã bán xong, những khoản nợ gay cấn đã được trả ngân hàng. Doanh nghiệp đang giữ lại những con tàu có chất lượng và một phần trong số tàu này đã có thu đủ bù chi. Điều này cộng với việc tỷ giá ổn định đã giúp nhiều doanh nghiệp dần phục hồi, thậm chí là có lãi sau một thời gian thua lỗ. Đại diện Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOS) cho biết, do tỷ giá hiện thấp hơn so với mức quy đổi được sử dụng tại các hợp đồng (21.295 đồng/USD) nên doanh nghiệp đã có lãi trong 6 tháng đầu năm. 

Một nhân tố hỗ trợ khác cho các cổ phiếu vận tải biển là áp lực nợ ngắn hạn đang ở mức tối thiểu do đã được đảo nợ sang dài hạn. Nợ ngắn hạn của VNA còn 168 tỷ đồng trên tổng nợ 794 tỷ đồng; của VOS còn 143 tỷ đồng/2.974 tỷ đồng; của VST 196,6 tỷ đồng/2.084,6 tỷ đồng. Ngoài ra, giá trị tài sản cố định trên thực tế của vận tải biển đang cao hơn đáng kể so với tổng nợ (dù đã khấu hao nhanh). Mặt bằng giá tàu quốc tế hiện đang ở đáy. Khi giá tàu phục hồi, giá trị tài sản là các đội tàu của các công ty sẽ biến động theo chiều hướng tích cực.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải biển, Bộ Giao thông - Vận tải đang tiến hành rà soát lại chiến lược, quy hoạch phát triển cảng biển để quy hoạch phát triển đội tàu biển phù hợp hơn với thực tế; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối giữa các cảng biển với nhau, giữa cảng biển với đường sắt, đường bộ, hàng không. Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ, ngành cũng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện nhất cho các doanh nghiệp. Những giải pháp này đã giúp nhiều chuyên gia đưa ra dự báo lạc quan về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vận tải biển, nhất là khi nhiều đơn vị đã cân đối được dòng tiền để trả lãi ngân hàng.

Trong các phiên tăng cao của thị trường chứng khoán vừa qua đã thấy nhiều mã cổ phiếu giao dịch trầm lắng trong một thời gian dài có sự bứt phá mạnh mẽ. Điều này cộng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn được Bộ Giao thông - Vận tải triển khai, nhiều chuyên gia tin tưởng, các mã cổ phiếu của doanh nghiệp vận tải biển sẽ có sự bứt phá mạnh trong thời gian tới.