Doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu?

Theo Thiên Bảo/nhandan.com.vn

Thị trường bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng, từng được đánh giá hấp dẫn nhất thế giới đang chứng kiến sự áp đảo của các đại gia phân phối nước ngoài. Họ từng bước chiếm lĩnh thị phần, “xóa sổ” nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước và nguy cơ thị trường bán lẻ bị thâu tóm dẫn tới nhiều hệ lụy cho nền kinh tế đang hiện hữu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ồ ạt đổ bộ, thâu tóm, sáp nhập

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ năm 2017 đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tương đương 130 tỷ đô-la Mỹ, tăng 10,6% so với năm 2016 - con số cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Dự báo đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 180 tỷ USD vào năm 2018. Doanh thu bán lẻ Việt Nam chưa có năm nào sụt giảm, từ 1990 đến nay, mặc dù tốc độ tăng trưởng có xu hướng ổn định hơn từ 2010 trở lại đây.

Trong đó, ngành bán lẻ ở khu vực thành thị năm vừa qua vẫn đang là động lực cho sự thay đổi này. Mức sống tăng cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và lối sống thành thị được cho là nguyên nhân chính khiến bán lẻ trở thành một lĩnh vực hấp dẫn. Theo báo cáo về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2017 được hãng tư vấn A.T. Kearney công bố hồi tháng 6-2017, Việt Nam đã đứng ở vị trí cao nhất trong 16 năm xếp hạng GRDI, giữ vị trí thứ 6, cải thiện 5 bậc (từ hạng 11) so với xếp hạng năm 2016.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, ngành bán lẻ sẽ là ngành kinh doanh ổn định trong nhiều năm tới trước bối cảnh dân số đông, tình hình kinh tế khởi sắc, sức chi tiêu tốt. Chi tiêu của người tiêu dùng đang tăng lên do dân số trẻ, đô thị hóa nhanh và nền kinh tế ngày càng mở cửa với cơ hội việc làm, kinh doanh và thu nhập ngày càng tăng.

The Boston Consulting Group (BCG) nhận định tầng lớp trung lưu Việt Nam có mức thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên, sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2014 - 2020 và chiếm khoảng một phần ba dân số. Trong một cuộc khảo sát năm 2012 - 2013 cũng của BCG, người tiêu dùng Việt Nam chỉ đứng sau Myanmar về sự lạc quan. 92% người Việt cho rằng cuộc sống đang ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ đó ở Mỹ chỉ đạt 54%.

Tuy nhiên, mạng lưới bán lẻ hiện đại trong nước vẫn đang chiếm tỷ lệ thấp so với chợ truyền thống, trong khi theo quy hoạch đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200 -
1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Nhưng bức tranh của thị trường bán lẻ đã thay đổi rất nhanh, đặc biệt từ năm 2015, Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài với nhiều chính sách ưu đãi. Thị trường bán lẻ Việt Nam trở thành miếng bánh béo bở thu hút hàng loạt đại gia từ Nhật, Hàn Quốc, Thái-lan, Pháp, Mỹ, Trung Quốc... đổ bộ vào.

Nhật Bản là một trong số các quốc gia đầu tư mạnh tay vào Việt Nam với hàng loạt hệ thống cửa hàng, siêu thị lớn, quy mô rộng khắp như Aeon Mall, Family mart, Ministop, Takashimaya, 7-Eleven và mới đây nhất là trạm xăng 100% vốn nước ngoài Idemitsu Kosan. Đây là các thương hiệu lớn đã làm mưa làm gió trên thị trường bán lẻ Việt trong thời gian qua và đang có tham vọng mở rộng kế hoạch đầu tư, mở rộng thị trường. Cuối năm 2017, Aeon Mall đã thông báo mở trung tâm thương mại thứ năm của mình tại Hà Đông với quy mô 200 triệu USD dự kiến đi vào hoạt động năm 2019. Mục tiêu của tập đoàn này là sở hữu 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2020. Ra mắt hồi tháng 6-2017, đến nay thương hiệu 7-Eleven đã mở 11 cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh. Chiến lược của thương hiệu này là mở thêm 100 cửa hàng trong ba năm và 1.000 cửa hàng sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại gia ngoại cũng tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua các vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Cụ thể, Aeon đã đẩy mạnh hợp tác, mua lại các hệ thống siêu thị có sẵn trong nước, với mục tiêu hướng đến là 100 điểm thương mại. Hiện Aeon đã sở hữu 49% cổ phần hệ thống siêu thị Citimart, đổi tên thành AEON Citimart và 30% cổ phần tại hệ thống siêu thị Fivimart. Tập đoàn TCC Holdings của Thái-lan đã mua lại Metro Cash và Carry Việt Nam với giá 655 triệu EUR; Tập đoàn Central Group của Thái-lan mua lại Big C với giá 1,4 tỷ USD.

Ra mắt thêm ba cửa hàng Simply Mart tại TP Hồ Chí Minh, AuchanSuper - thương hiệu bán lẻ đến từ Pháp cũng có kế hoạch tung thêm 17 chuỗi siêu thị đến cuối năm sau tại TP Hồ Chí Minh và 20 cửa hàng đến năm 2020 ở các tỉnh khu vực phía bắc.

Nhiều đại gia ngành thời trang nước ngoài cũng nhảy vào để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam trong lĩnh vực này. Zara - hãng thời trang hàng đầu thế giới đã có cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, tạo nên một sức hút lớn đối với giới trẻ. Hennes & Mauritz AB (H&M) - tập đoàn đa quốc gia của Thụy Điển, nổi tiếng trong lĩnh vực bán lẻ sản phẩm thời trang cũng vừa xác nhận sẽ mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam tại tòa nhà Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Sau gần 70 năm thành lập, H&M đã có mặt tại 58 quốc gia với 94 nghìn nhân viên, 800 nhà máy, 3.500 cửa hàng và là công ty thời trang lớn thứ hai trên toàn thế giới, chỉ đứng sau công ty Inditex của Tây Ban Nha (công ty mẹ của Zara) và Gap Inc. của Hoa Kỳ.

Với sự có mặt của các đại gia ngoại, hiện nay thị phần của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 50% kênh bán lẻ hiện đại và trong xu hướng ngày càng tăng.

Thị trường bán lẻ Việt Nam mới đây lại một phen rúng động với sự đổ bộ của "cơn bão" mang tên Amazon - gã khổng lồ về bán lẻ online hàng đầu thế giới. Sau nhiều đồn đoán, Amazon đã chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam khiến cho cuộc chơi của thị trường bán lẻ trực tuyến trong nước thêm hấp dẫn nhưng không kém phần khốc liệt. Các đối thủ của Amazon đã nhanh chân bước vào thị trường này, trong đó Alibaba -mạng lưới bán lẻ trực tuyến khổng lồ đã thâu tóm Lazada - trang thương mại điện tử ở Đông Nam Á, để từ đó thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Mới đây, tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ đã có bài: "Thương mại điện tử Việt Nam đang ở "bình minh rực rỡ" và dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 30-50%/năm khi mà gần 60% người sử dụng internet ở đất nước gần 100 triệu dân bắt đầu có thói quen mua hàng trực tuyến.

Cạnh tranh trong khó khăn, nguy cơ

Tại hội thảo về thị trường bán lẻ mới đây do tạp chí Forbes tổ chức, bà Trịnh Lan Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Bibo Mart - đã chia sẻ câu chuyện xây dựng hệ thống cửa hàng bán đồ trẻ em của mình. Bắt đầu với số vốn chỉ 130 triệu đồng, bà Phương mở cửa hàng Bibo Mart đầu tiên. Trải qua nhiều gian nan, thử thách, cho đến nay, sau 10 năm thành lập, Bibo Mart có 150 cửa hàng trên toàn quốc, doanh thu 100 triệu USD và được định giá 142 triệu USD. Bibo Mart là một thành công rất hiếm hoi của doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước trong bối cảnh thiếu rất nhiều điều kiện như con người, nền tảng công nghệ, năng lực quản trị.

Bà Phương tâm sự: "Về con người, Việt Nam chưa có các trường đào tạo bán lẻ sẵn sàng cung ứng ngành nhân lực bán lẻ có chất lượng. Tuyển dụng nhân sự có chất lượng, đào tạo bài bản về ngành, có thể bắt nhịp công việc được ngay thật sự là một thách thức lớn. Về nền tảng công nghệ, các DN bán lẻ truyền thống chưa có hệ thống công nghệ nền tảng... Rõ ràng, chúng ta đi lên từ các phương tiện thô sơ. Bán lẻ truyền thống đang nỗ lực rất lớn để hiện đại hóa, bắt được các chuẩn mực quốc tế - đi lên một chiếc xe ô-tô, và tiếp tục đi lên thương mại điện tử là lên máy bay, đương nhiên là rất thách thức với DN Việt".

Nếu theo cách nói của CEO Bibo Mart thì có thể thấy nhiều DN bán lẻ Việt Nam đang ở phương tiện thô sơ, một số đã lên ô-tô và số ít đang ở máy bay, nhưng nhìn chung để ngành bán lẻ nội địa có thể bắt kịp xu thế hội nhập và cạnh tranh sòng phẳng với các DN khu vực và quốc tế vẫn là một thách thức lớn.

Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam từng nhận định, trong khi các quốc gia trong khu vực đang tiến như vũ bão về thị trường bán lẻ thì ngành bán lẻ của Việt Nam chỉ đang cố gắng để đi nhanh một chút chứ thậm chí chưa khởi động để chạy.

Xuất phát điểm thấp, manh mún, bộc lộ nhiều điểm cố hữu về tài chính, nguồn nhân lực và quản trị lại chỉ mới "cố đi nhanh một chút" trong khi đối thủ "chạy" với tốc độ chóng mặt, các DN bán lẻ trong nước đang dần bị thôn tính theo quy luật "cá lớn nuốt cá bé".

Thời gian qua, có tới năm hệ thống siêu thị bán lẻ điện máy của người Việt phá sản trong cuộc chiến cạnh tranh. Siêu thị điện máy Việt Long của Công ty Cổ phần Thương mại Điện máy Việt Long từng nổi lên như một nhà phân phối bậc nhất ở Hà Nội đã lâm vào tình trạng kiệt quệ, dần phải đóng cửa các điểm bán và bị ngân hàng siết nợ.

Theo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết năm 2017, toàn thành phố có 207 siêu thị hoạt động, gồm 96 siêu thị chuyên ngành và 111 siêu thị tổng hợp. Tuy nhiên, tỷ trọng siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 21% toàn hệ thống và khoảng 40% siêu thị tổng hợp. Các tập đoàn bản lẻ nước ngoài lần lượt thâu tóm nhiều hệ thống phân phối hiện đại, chỉ còn hai nhà bán lẻ lớn của Việt Nam là Saigon Co.op và Vingroup.

Một số DN phân phối trực tuyến nội địa như Adayroi, Sendo, Tiki đã tìm cách đón "bình minh rực rỡ" của thương mại điện tử ở Việt Nam nhưng trong cuộc cạnh tranh giành thị phần bán lẻ, họ đang gặp không ít khó khăn, thậm chí thua lỗ triền miên. Tiki - kênh bán hàng trực tuyến đã lỗ hàng trăm tỷ đồng trong hai năm 2016 - 2017.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang lên như bình minh, nhưng DN bán lẻ trong nước có đón được bình minh ấy hay vội phải đối mặt với "hoàng hôn" là cả một "hành lộ nan".