Doanh nghiệp Việt Nam đối diện nhiều vụ kiện mới

Theo SGTT

Theo nguồn tin từ bộ Công thương ngày 11.3, trong thời gian tới, các nhà xuất khẩu Việt Nam có khả năng phải đối mặt với nhiều vụ kiện mới ở nhiều nhóm mặt hàng và thị trường mới có thể ở Ai Cập, Peru, Argentina...

Vấn đề chính của các doanh nghiệp Việt Nam là còn thiếu kinh nghiệm trong việc đấu tranh với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Hơn nữa, Việt Nam chưa biết chủ động sử dụng các công cụ chính sách hợp lệ được WTO cho phép để bảo vệ ngành sản xuất non trẻ trong nước phát triển.

Theo một quan chức của bộ Công thương, có một hiện tượng là hiện nay, các nhà sản xuất nước ngoài thường lợi dụng Việt Nam chưa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp) nên đã chuyển tải trái phép hoặc dịch chuyển địa điểm đầu tư để sử dụng C/O của Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường khác.

Một khó khăn khác là khối doanh nghiệp EU và Hoa Kỳ thường phối hợp gây sức ép, buộc các nền kinh tế mới nổi phải chấp nhận nhượng bộ, mở cửa thị trường, đặc biệt là đối với mặt hàng hoá chất. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam thiếu thông tin và chưa thực sự hiểu biết về hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại. Không ít doanh nghiệp còn thiếu quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, chưa thành thạo thủ tục khi tiến hành các biện pháp phòng vệ thương mại và chưa chủ động liên kết nhau đủ để đại diện cho ngành sản xuất.

Năm 2010, Việt Nam đã vướng phải 34 vụ kiện chống bán phá giá, một vụ kiện chống trợ cấp và bảy vụ việc tự vệ. Theo đánh giá của một cơ quan thuộc bộ Công thương, các vụ kiện này là rào cản lớn đối với hàng xuất khẩu và là chính sách của các nước nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh từ Việt Nam. Hàng hoá Việt Nam bị lung lay vị thế trên một số thị trường truyền thống hoặc gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập các thị trường mới.