Doanh nghiệp Việt thực hành tốt ESG để hiện thực hoá chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới
Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới" do báo Dân trí tổ chức đã diễn ra chiều nay 23/4 tại Hà Nội.

Với chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới", Diễn đàn lần này tập trung vào việc phác họa bức tranh toàn cảnh về thực trạng quản trị doanh nghiệp theo định hướng phát triển bền vững tại Việt Nam, đồng thời làm rõ những vấn đề cụ thể mà các đơn vị gặp phải trong việc lựa chọn đúng mô hình ESG và giải pháp tháo gỡ. Mục tiêu là cải thiện hoạt động kinh doanh, gia tăng doanh thu, lợi nhuận và mở rộng thị phần cho doanh nghiệp.
3 vấn đề thực thi ESG
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đã trở thành một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, là thước đo quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia. Các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cộng đồng ngày càng quan tâm đến 3 yếu tố trên trong các quyết định của mình. “Doanh nghiệp nào thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG sẽ có lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và tạo dựng được uy tín bền vững", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện ESG, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao năng lực quản trị.
Từ chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới", lãnh đạo Bộ Nội vụ nêu lên 3 vấn đề mà Diễn đàn ESG Việt Nam tập trung thảo luận.
Thứ nhất là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tiếp cận và triển khai ESG một cách hiệu quả? Thực tiễn cho thấy, cần có những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện và năng lực đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp.
Thứ hai là bài toán về nguồn nhân lực. Làm thế nào để xây dựng một lực lượng lao động bền vững, có đủ kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn?.
Thứ ba là hướng đến tầm nhìn dài hạn, đặt khoa học công nghệ vào trung tâm của quản trị và phát triển bền vững. Theo bà Hà, khoa học công nghệ với sức mạnh kỳ diệu sẽ là chìa khóa để mở ra một tương lai - nơi mà các vấn đề môi trường được giải quyết hiệu quả, tài nguyên được sử dụng tối ưu, và chất lượng cuộc sống được nâng cao nhờ các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Tháo gỡ “nút thắt” tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chia sẻ tại Phiên thảo luận với chủ đề "Linh hoạt để thích ứng trong kỷ nguyên mới", các đại biểu đều cho rằng trong những năm gần đây, phát triển bền vững đã trở thành định hướng chiến lược ở cấp quốc gia, với nhiều chính sách và cam kết mạnh mẽ.
Tuy nhiên, khi đi vào thực tế doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp hiện nay - thì việc tiếp cận nguồn vốn xanh, đầu tư công nghệ xanh, và đáp ứng các tiêu chuẩn ESG ngày càng khắt khe từ các đối tác quốc tế vẫn là thách thức lớn.

Đánh giá về tác động thực tế của các chính sách phát triển bền vững hiện nay, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Các chính sách phát triển bền vững của Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào chiến lược quốc gia, thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng bao trùm. Nhiều chính sách liên quan đến giảm phát thải carbon, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và nông nghiệp bền vững đã được ban hành, tạo nền tảng cho doanh nghiệp định hướng phát triển theo ESG. Tuy nhiên, tác động thực tế vẫn còn ở mức khiêm tốn, đặc biệt đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Theo ông Huy, một trong những “nút thắt” lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải, nhất là khối SME vẫn là vấn đề tiếp cận vốn, cùng với công nghệ và chuẩn ESG. Mặc dù nhiều chương trình tín dụng xanh được công bố, nhưng điều kiện vay vẫn phức tạp, đòi hỏi minh bạch về tài chính và tiêu chuẩn ESG mà đa số SME chưa đủ năng lực đáp ứng.
"Thêm vào đó, SME cũng gặp khó trong tiếp cận công nghệ sạch và hiện đại do chi phí đầu tư cao và thiếu thông tin về các giải pháp phù hợp. Chuẩn ESG vẫn còn là khái niệm mới với nhiều doanh nghiệp, nhất là ở cấp độ quản trị, khiến việc áp dụng bị chậm trễ hoặc mang tính hình thức. Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành chưa nhất quán, chính sách thiếu tính kết nối và hỗ trợ cụ thể cho SME khiến tác động lan tỏa bị hạn chế”, ông Huy nêu vấn đề.
Do đó, theo ông Huy, để chính sách phát triển bền vững thực sự phát huy hiệu quả, Việt Nam cần tập trung tháo gỡ các rào cản thể chế, thúc đẩy khung pháp lý minh bạch, hỗ trợ đào tạo ESG và thiết lập cơ chế tài chính linh hoạt hơn cho SME, từ đó giúp họ tiếp cận được nguồn lực và bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu./.