Doanh nghiệp Việt tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã và đang trở thành xu hướng phổ biến mà nhiều nước đang áp dụng, nhất là trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay. Nhiều chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm hiểu, kịp thời nắm bắt thông tin, kiến thức về tự chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để chủ động khi đàm phán, tận dụng cơ hội từ việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do.

Doanh nghiệp Việt tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trong phần lớn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang tham gia đàm phán, điều khoản được nhiều doanh nghiệp quan tâm là yêu cầu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc của hàng hóa sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách sang các doanh nghiệp hay các nhà nhập khẩu, xuất khẩu khi tiến hành áp dụng theo cơ chế này. Theo đó, doanh nghiệp hoặc nhà nhập khẩu, xuất khẩu sẽ tự thực hiện các thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa và đáp ứng các điều kiện để có thể chứng nhận, tuyên bố một loại hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ; doanh nghiệp sẽ phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác thông tin trong tuyên bố đó.
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong nước lo ngại, hệ thống tự chứng nhận xuất xứ có khả năng tạo ra nhiều trường hợp gian lận thương mại hơn so với hệ thống cấp phép truyền thống thông qua cơ quan có thẩm quyền. Thậm chí, có thể xảy ra tình trạng cấp chứng nhận tràn lan, khó kiểm soát nguồn gốc. Thêm vào đó, các đơn vị trong nước thực hiện việc cấp phép còn thiếu thông tin, thiếu kiến thức cần thiết liên quan đến xuất xứ hàng hóa, C/O. Chuyên gia của Bộ Công thương cho biết, với cơ chế hiện tại, đối tượng cấp C/O là hàng hóa còn cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối tượng là doanh nghiệp. Do vậy, một trong những tiêu chí cơ bản để có thể được phép tự chứng nhận xuất xứ là doanh nghiệp, nhà nhập khẩu phải nắm rất vững kiến thức về C/O. Thêm vào đó, việc doanh nghiệp được chủ động về số lượng và thời gian phát hành C/O cũng chính là yếu tố thuận lợi lớn nảy sinh các hành vi gian lận trong cấp phép C/O; nhất là khi chế tài xử phạt hiện rất hạn chế và thông tin còn mù mờ.

Cố vấn thương mại cao cấp của Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) Marius Bordalba cho rằng, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đã và đang trở thành xu hướng phổ biến mà các quốc gia trên thế giới theo đuổi, nhất là trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay. Do vậy, các doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm hiểu, kịp thời nắm bắt thông tin, kiến thức về tự chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để theo kịp xu hướng và có sự chuẩn bị cần thiết, chủ động khi đàm phán, tận dụng cơ hội từ việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thời gian tới. Bên cạnh đó, nguồn lực để thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ là trở ngại không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện cơ chế này. Hơn nữa, khi áp dụng hệ thống mới, cần sớm ban hành các cơ chế quản lý, chế tài xử phạt nghiêm; chỉ đạo cơ quan hải quan thường xuyên giám sát và tiến hành kiểm tra trực tiếp nhà xuất khẩu ngay khi nghi ngờ có sai phạm nhằm hạn chế các hành vi gian lận trong cấp chứng nhận xuất xứ. Bộ Công thương cần tổ chức đào tạo, cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Trước mắt, có thể thực hiện đồng thời hai cơ chế cấp C/O cho đến khi doanh nghiệp trong nước có thể đủ năng lực, đáp ứng điều kiện để tự cấp C/O.

Xuất xứ rất quan trọng đối với các doanh nghiệp thương mại. Hiểu và làm chủ được vấn đề xuất xứ, các doanh nghiệp Việt mới có thể thực sự tận dụng được các FTA hiện có hay chuẩn bị ký kết; mới có thể tăng khả năng tiếp cận các chính sách ưu đãi và mở rộng hoạt động xuất khẩu trong tương lai.