Gần 60 năm giới doanh nhân Việt tìm tên cho chính mình là quãng thời gian quá dài. 10 năm được vinh danh là khoảng thời gian ngắn nhưng không thể phủ nhận những đóng góp nổi bật của đội ngũ doanh nhân Việt nam cho xã hội trong giai đoạn hiện nay Tài chính và Đầu tư kỳ vọng sẽ giúp độc giả có cái nhìn bao quát hơn về hành trình phía trước của lực lượng quan trọng này.

Một thập kỷ thăng trầm của doanh nhân

“10 năm qua là một chặng đường đầy gian nan của doanh nhân Việt”, khẳng định điều này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Sau giai đoạn 2004 - 2006 đầy hứng khởi, phát triển bùng nổ, có phần dễ dãi, thiếu căn cơ, dựa trên nguồn tín dụng giá rẻ, đầu tư quá mức vào khu vực tài chính và bất động sản, ít chú ý tới các yếu tố nền tảng về chiến lược và quản trị đã đẩy doanh nghiệp (DN) Việt vào tình trạng khó khăn khi phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những bất ổn về kinh tế vĩ mô trong nước vào những năm sau đó. Hàng trăm ngàn DN đã phải rút khỏi thị trường. Các DN còn lại cũng vật lộn với không ít khó khăn, có thời điểm 60-70% DN kinh doanh không có lãi…

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nhân Việt vẫn vững “tay chèo”. “Họ thực sự là những “người lính” trong thời bình. Qua sóng gió, các doanh nhân Việt đã trầm tĩnh hơn, cẩn trọng và trưởng thành hơn. Sự sàng lọc và thử thách của cuộc khủng hoảng đã giúp họ định vị lại mình, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, chăm lo quản trị (đặc biệt là quản trị rủi ro) củng cố những nền tảng của phát triển…”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Chia sẻ về 10 năm “vật lộn” trên thương trường, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam, cho biết: DN do bà làm chủ thành lập trước khi có Luật DN ra đời nên đã gặp không ít khó khăn. Công ty đã phải loay hoay hơn 1 năm mới xin được giấy phép xuất khẩu. “Gần 60 năm giới doanh nhân Việt tìm tên cho chính mình là thời gian quá dài. 10 năm được vinh danh là khoảng thời gian ngắn nhưng doanh nhân Việt lại chứng kiến trầm nhiều hơn thăng”, bà Hường nhìn nhận.

Cũng quan điểm này, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.Hồ Chí Minh nhận định, thực tế chưa bao giờ giới DN lại gặp nhiều khó khăn như giai đoạn vừa qua. “Năm 2012 - 2013, gần 100.000 DN đã phải rời bỏ thị trường. Trong thời gian ngắn mà con số lớn như vậy là chuyện không bình thường”, ông Minh băn khoăn.

Chia sẻ về sự khác biệt của doanh nhân ngày nay, Nhà sử học Dương Trung Quốc, cho biết: Cách đây 10 năm, sau khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) rất nhiều bạn sinh viên trẻ hỏi rằng, chúng tôi có thể kế thừa truyền thống gì của doanh nhân Việt Nam? Tôi trả lời chỉ có điều duy nhất là: Lòng yêu nước. Nhiều người nói phải thay đổi tư duy, thể chế nhưng theo tôi, quan trọng vẫn là cần tìm nút thắt để tháo gỡ. Rào cản lớn nhất hiện nay là “cỗ máy” con người chứ không phải máy móc. Tại sao thời gian làm thủ tục hành chính lại dài như vậy hay chúng ta vẫn giữ lại chế độ quan liêu trong lịch sử?

Hành trình phía trước

“Hành trình dài còn chờ phía trước” là điều bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam muốn gửi tới cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Theo bà Victoria Kwakwa, Việt Nam là nền kinh tế mới nổi triển vọng nhất trong 10 năm tới với điều kiện cần đẩy nhanh thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu DN, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy DN tư nhân phát triển… “Việt Nam hiện đang có rất nhiều lợi thế về xuất khẩu, tiềm năng du lịch. Nếu biết cách khai khác và quản lý tốt, Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến vô cùng hấp dẫn cho các nhà đầu tư”, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

Mục tiêu trong 5-10 năm tới, Việt Nam phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trong đó, một số doanh nhân, doanh nghiệp, sản phẩm khẳng định được vị thế và thương hiệu tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á.
“Đội ngũ DN, doanh nhân hiện nay, hơn lúc nào hết, cần tranh thủ thời cơ, nắm bắt các quan hệ thị trường, cung - cầu, hợp tác, cạnh tranh để phát triển. Muốn vận dụng đúng, sáng tạo các quy luật kinh tế trong kinh doanh, phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ quản lý, mức độ tinh thông nghề nghiệp để có thể ứng phó với mọi tình huống”, nêu ra quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: VCCI và các Hiệp hội DN đã đề ra mục tiêu trong 5-10 năm tới sẽ có được 1 triệu DN Việt hoạt động có hiệu quả và một số doanh nhân, DN, sản phẩm có thương hiệu tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Theo đó, VCCI và các Hiệp hội DN sẽ phối hợp thực hiện 4 nhóm hành động quan trọng: Một là, chung tay cùng các cơ quan Chính phủ góp phần đột phá thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế; Hai là, xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và hộin hập của DN; Ba là, tăng cường liên kết, xây dựng hệ thống hiệp hội DN vững mạnh; Bốn là, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh và xây dựng văn hóa kinh doanh đậm đà bản sắc dân tộc của doanh nhân Việt.

Đánh giá cai trò và sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân vào sự phát triển đất nước thời gian qua, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng khẳng định: Bài học thực tiễn của gần 30 năm đổi mới với nhiều thành tựu to lớn cho thấy, muốn thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì đòi hỏi phải có một đội ngũ doanh nhân đủ mạnh, trở thành lực lượng xung kích trong xây dựng và phát triển đất nước. Giới doanh nhân cần tranh thủ thời cơ, nắm bắt các quan hệ thị trường, cung - cầu, hợp tác, cạnh tranh để phát triển. Muốn vận dụng đúng, sáng tạo các quy luật kinh tế trong kinh doanh thì phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ quản lý, mức độ tinh thông nghề nghiệp để có thể ứng phó với mọi tình huống. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến, thể hiện bản lĩnh doanh nhân vừa mở rộng quan hệ quốc tế, vừa giữ vững độc lập, tự chủ. Không chỉ tính toán lỗ lãi đơn thuần mà còn nên tính đến các mối quan hệ hợp tác bình đẳng cùng phát triển”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

                                                                                       Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 9-2014

Doanh nhân Việt và hành trình phía trước

PV.

(Tài chính) Tròn 10 năm, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam, một thập kỷ doanh nhân Việt được ghi nhận và tôn vinh cũng là một thập kỷ chứng kiến nhiều thăng trầm, thử thách bản lĩnh của những “người lính thời bình”…

Xem thêm

Video nổi bật