Đôi bên cùng có lợi
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã ký phê chuẩn thỏa thuận xây đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Dự án này đi vào triển khai không chỉ thúc đẩy quan hệ Moscow - Ankara, mà còn giúp Nga tăng cường tiếp cận thị trường năng lượng châu Âu và gia tăng vị thế trong khu vực.
Trước đó, Duma Quốc gia (Hạ viện) đã thông qua thỏa thuận trên ngày 20/1 và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) cũng bật đèn xanh hồi đầu tháng. Thực tế, Moscow và Ankara ký kết thỏa thuận liên Chính phủ về việc xây dựng dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10/2016.
Dự án gồm hai tuyến đường ống dẫn khí đốt chạy qua Biển Đen, trong đó, 660km đường ống sẽ được đặt dưới đáy biển, trong hành lang của Dòng chảy Phương Nam; 250km đường ống được triển khai về khu vực giáp châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuyến đường ống này sẽ cho phép Nga bỏ qua “cửa ngõ” Ukraine, mở những đường ống mới giúp đưa khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó vận chuyển tới các quốc gia phương Tây. Ước tính, tuyến ống dẫn dầu có khả năng vận chuyển tới 15,75 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ được dự kiến khởi công trong năm nay và kết thúc vào cuối năm 2019.
Việc ông Putin ký phê chuẩn thỏa thuận trên sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là hợp tác giữa hai nước trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Trước đó, dự án bị đình trệ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga hồi tháng 11.2015 gần biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.
Tháng 6.2016, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đưa dự án này trở lại chương trình nghị sự khi hai nước nhất trí khôi phục quan hệ song phương. Theo thỏa thuận, Nga - Thổ sẽ hợp tác trong ít nhất 30 năm tới, bao gồm xây dựng đường ống dẫn khí đốt dài gần 1.100km.
Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ hứa hẹn mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ - khách hàng tiêu thụ khí đốt quan trọng nhất của Nga, đây không chỉ là cơ hội có được nguồn khí đốt giá rẻ mà còn giúp nước này trở thành điểm trung chuyển khí đốt vào châu Âu. Trong khi đó, Nga sẽ không còn phụ thuộc vào Ukraine để vận chuyển khí đốt sang Lục địa già.
Những lợi ích kinh tế kể trên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Moscow và Ankara đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Theo các nhà phân tích, “nền kinh tế nguyên liệu” của Nga đang phải oằn mình chống chọi sự bao vây, cô lập từ phương Tây, trong khi giá dầu mỏ lao dốc. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vốn bị ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp trừng phạt của Moscow lại bị bồi thêm âm mưu đảo chính bất thành tháng 7 năm ngoái, với tổng thiệt hại ước tính lên tới 100 tỷ USD.
Trong thỏa thuận, Nga được xem là hưởng lợi nhiều hơn từ dự án này, khi xứ sở bạch dương có cơ hội tăng cường vị thế trong thị trường khí đốt châu Âu và cắt giảm sự phụ thuộc vào Ukraine. Ban đầu, tuyến vận chuyển khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ được thúc đẩy nhằm thay thế tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Nam đi qua Bulgaria, sau khi Nga hủy bỏ kế hoạch xây dựng dự án trên do vấp phải sự phản đối từ Liên minh châu Âu (EU) liên quan tới việc Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea.
Giờ đây, phương Tây lo ngại, dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nắn lại bản đồ năng lượng châu Âu. Một số thành viên EU trong đó có Hy Lạp, Hungary và Slovakia cũng đã ngỏ ý muốn tham gia dự án. Trong khi đó, phương Tây vẫn là đối tác lớn tiêu thụ khí đốt lớn của Nga, với 75% lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu. Việc gia tăng vị thế trong thị trường khí đốt khu vực cũng sẽ giúp Nga giành được nhiều ưu thế hơn trong các vấn đề liên quan tới Ukraine và châu Âu.