Thay đổi chính sách thu hút đầu tư
Việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2006 đánh dấu bước ngoặt lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Các dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng đột biến, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2007, lượng vốn FDI đăng ký đạt 21,348 tỷ USD, tăng gần 80% so với năm 2006 (năm 2006 đạt 12,044 tỷ USD), và đạt mức kỷ lục gần 72 tỷ USD vào năm 2008. Tuy nhiên, sau đó lượng FDI lại liên tục giảm: năm 2009 đạt 23,107 tỷ USD; 2010 đạt 19,764 tỷ USD; 2011 đạt 14,696 tỷ USD; năm 2012 đạt 16,3 tỷ USD; năm 2013 đạt 21,6 tỷ USD.
Những kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định môi trường kinh doanh Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên, trước bối cảnh sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thu hút đầu tư giữa các quốc gia, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã có những tác động tiêu cực, khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị sụt giảm đáng kể. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục như: Chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế, đầu tư vào khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn thấp; phần lớn các doanh nghiệp (DN) hoạt động về sản xuất và gia công, có giá trị gia tăng thấp; thiếu sự liên kết giữa các DN FDI với nhau cũng như với khu vực kinh tế tư nhân trong nước, hạn chế cơ hội DN trong nước tận dụng lợi thế về công nghệ và cải thiện năng suất; Thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng, các nhà đầu tư lớn nhất là các tập đoàn tài chính lớn chưa nhiều. Tỷ lệ đầu tư gián tiếp của tư nhân nước ngoài ở Việt Nam còn chiếm tỷ lệ nhỏ, trong tổng đầu tư nước ngoài. Chủ yếu mới phát triển các khu công nghiệp đa ngành, các khu công nghiệp đa ngành không có tác dụng hỗ trợ nhau cùng phát triển, làm tăng chi phí giá thành sản phẩm do phí vận chuyển lớn…
Trong hoàn cảnh này, Việt Nam cần có những thay đổi cần thiết về cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực từ đầu tư nước ngoài. Chính sách này có thể được chia làm 3 loại: (i) Chính sách thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài; (ii) Chính sách nâng cấp chất lượng, hiệu quả các dự án FDI; (iii) Chính sách khuyến khích các mối quan hệ, liên kết giữa các công ty xuyên quốc gia (TNCs) với DN trong nước, giữa các DN đầu tư nước ngoài với nhau.
Do nền kinh tế nước ta vẫn trong tình trạng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài nên bị ảnh hưởng mạnh bởi sự suy giảm đầu tư nước ngoài trên toàn cầu. Theo số liệu của cơ quan giám sát dòng vốn (EPFR) cho thấy, trong quý I/2014, các nhà đầu tư toàn cầu đã rút khỏi các thị trường mới nổi, đang phát triển cao hơn nhiều so với mức 26,7 tỷ USD cả năm 2013. Trước xu thế hạn chế dòng vốn của nhiều nước, chúng ta cần có sự thay đổi về chính sách thu hút: Không cần thu hút quá nhiều, nhất là đối với dòng vốn FDI mà phải thu hút đúng nơi, đúng lĩnh vực cần thiết. Trong gần 30 năm đổi mới, nước ta đã thay đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế, bảo đảm các nguyên tắc đối xử quốc gia (NT), tối huệ quốc (MFN).
Việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư và Luật DN năm 2005 là một bước tiến lớn về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Vấn đề đặt ra là, việc thực hiện chính sách phải thống nhất trong cả nước, không được để xảy ra tình trạng “phép vua thua lệ làng”, một số tỉnh, thành phố tự ban hành các quy định trái luật, ưu đãi quá mức cần thiết cho nhà đầu tư chỉ vì muốn có được dự án FDI mà không tính đến lợi ích của địa phương và của cả nước. Các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu để có được chính sách nâng cấp FDI theo những định hướng ưu tiên ngành, lĩnh vực và đối tác đầu tư. Đối với các dự án công nghệ cao, cần có chính sách đủ hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trong điều kiện cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước rất gay gắt.
Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 theo giá hiện hành dự kiến khoảng 6.340 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 300 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 70%, nguồn vốn nước ngoài chiếm khoảng 30% (giai đoạn 2006-2010 nguồn vốn trong nước chiếm 67% so với mục tiêu là 65%, nguồn vốn nước ngoài chiếm 33% so với mục tiêu là 35%).
Trong khi xu hướng hạn chế đầu tư của các TNCs ngày càng tăng thì chính sách khuyến khích các mối liên kết giữa TNCs với các DN trong nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi để chính các nhà đầu tư nước ngoài liên kết với nhau cùng phát triển tại Việt Nam lại chưa được chú ý đúng mức, khi mà các DN Việt Nam đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều.
Đã đến lúc cần có những chỉ dẫn gắn với các quy định của Chính phủ về lĩnh vực, ngành nghề, dự án cần được liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với DN Việt Nam, giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau trên cơ sơ bảo đảm rằng, việc khuyến khích đầu tư nước ngoài không gây trở ngại đối với chủ trương hình thành DN dân tộc ngày càng lớn mạnh, đủ sức làm chủ thị trường trong nước và từng bước có chỗ đứng vững chắc trên thị trường khu vực và thế giới. Cũng cần có chính sách mua lại, sáp nhập đối với các TNCs quốc tế, đồng thời khuyến khích các DN Việt Nam mua lại và sáp nhập các DN đầu tư nước ngoài. Mặt khác, cũng cần có các van an toàn để đề phòng sự lũng đoạn thị trường, như đã từng xảy ra ở một số nước, khi một vài TNCs lợi dụng tình hình khó khăn về tài chính, tiền tệ và sự lỏng lẻo của hoạt động quản lý nhà nước đối với đầu tư nước ngoài.
Giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút nguồn ngoại lực
Trong giai đoạn 2011-2015, nhu cầu vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam là rất lớn. Để đảm bảo thực hiện khâu đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, trong đó tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị lớn... đòi hỏi phải huy động nhiều nguồn vốn, bảo đảm tỷ lệ đầu tư so với GDP trong giai đoạn 5 năm 2011-2015 phải đạt tối thiểu 41,5% (2001-2005 đạt 37,5%; 2006-2010 đạt 42,8%), tăng bình quân khoảng 16,1%/năm. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 theo giá hiện hành dự kiến khoảng 6.340 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 300 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 70%, nguồn vốn nước ngoài chiếm khoảng 30% (giai đoạn 2006-2010 nguồn vốn trong nước chiếm 67% so với mục tiêu là 65%, nguồn vốn nước ngoài chiếm 33% so với mục tiêu là 35%). Để đạt được mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Một là, nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài cần được coi là định hướng quan trọng nhất, để hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Theo đó, các dự án được ưu tiên là công nghệ điện tử, tin học, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe hiện đại, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Có định hướng rõ ràng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các DN trong nước nhằm nâng cao chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài gắn với việc xử lý mối quan hệ giữa thị trường trong nước với xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng cao, duy trì cạnh tranh trên thị trường; Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để giảm bớt việc nhập khẩu nguyên liệu ở nước ngoài, tạo điều kiện cho các ngành công nghệ chế tạo, chế biến phát triển, hạn chế đầu tư nước ngoài vào các ngành gia công, các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, các ngành sử dụng nhiều năng lượng và tài nguyên là vấn đề rất quan trọng trong thời gian tới; Cần tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa DN đầu tư nước ngoài và DN trong nước để hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Hai là, FDI với kinh tế vùng và địa phương cần được điều chỉnh về quan điểm, nhận thức để có giải pháp đúng. Việc phân bố nguồn lực bao gồm FDI cần được điều chỉnh theo hướng vừa tạo ra một số đầu tàu kinh tế ở những địa phương có sức lôi kéo kinh tế vùng và cả nước như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng lại phải điều phối hợp lý để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở những địa phương chậm phát triển, chưa có môi trường thuận lợi hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Những địa phương này cần được Chính phủ ưu tiên trong việc phân bố nguồn vốn từ NSNN, có chính sách khuyến khích mạnh mẽ DN tại địa phương và DN trong nước. Các tập đoàn kinh tế nhà nước có trách nhiệm phân bố nguồn lực cho các địa phương này để giải quyết một số vấn đề kinh tế - xã hội bức thiết, nhất là xóa đói, giảm nghèo, không làm giãn thêm khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế so với các địa phương có điều kiện thuận lợi hơn.
Ba là, tiếp tục rà soát pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán, bổ sung nội dung còn thiếu; sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh. Sửa đổi Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Đất đai, Luật Môi trường và các Luật khác liên quan theo hướng nhất quán, tránh chồng chéo, theo đó sửa các nghị định, thông tư liên quan của các Luật trên. Rà soát các quy định pháp luật hiện hành quy định về hoạt động mua lại và sát nhập có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý về mua lại và sát nhập hiện đang được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Bốn là, tích cực triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) và DN bảo hiểm đã được phê duyệt. Đẩy nhanh việc tái cấu trúc các Sở giao dịch chứng khoán, đa dạng hóa các công cụ cho nhà đầu tư giao dịch, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam với các thị trường bộ phận được hình thành và chuyên biệt bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh sẽ giúp cấu trúc TTCK Việt Nam được hoàn chỉnh, trên cơ sở đó, các sản phẩm, hàng hóa mới dễ dàng được phát triển. Đặc biệt, việc tập trung thị trường cổ phiếu về một mối cần được thực hiện nhanh để gia tăng quy mô và hình ảnh về TTCK Việt Nam.
Năm là, song song với việc tái cấu trúc TTCK, cần xem xét rà soát bổ sung, sửa đổi Luật Chứng khoán hiện hành theo hướng tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các giao dịch diễn ra trên TTCK. Hoàn thiện cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động của các định chế trên thị trường như các quỹ đầu tư; các nhà đầu tư cá nhân và các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp cả trong nước và nước ngoài, nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường… Xây dựng thị trường tài chính hiện đại và hiệu quả là hết sức cần thiết để giúp DN có tín hiệu đúng về thị trường và tìm kiếm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của mình
Sáu là, thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân, không cấp phép các dự án công nghệ lạc hậu, có tác động xấu tới môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án; cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất, kể cả đất khu công nghiệp. Tiến hành rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn cả nước để có hướng xử lý đối với từng loại dự án, đặc biệt với các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều đất đai bao gồm cả việc rút giấy phép nếu cần thiết.
Bảy là, xem xét việc ban hành một số giải pháp mở cửa sớm hơn mức độ cam kết của Việt Nam với WTO đối với một số lĩnh vực dịch vụ mà nước ta có nhu cầu về văn hóa - y tế - giáo dục, bưu chính - viễn thông, hàng hải, hàng không.
Tám là, nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn và đối tác trọng điểm như các quốc gia thành viên EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… chú trọng và đẩy nhanh tiến độ đàm phán các Hiệp định đầu tư song phương giữa Việt Nam và các đối tác lớn. Thực hiện chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho đối tác chiến lược với sự cam kết cao nhất của Nhà nước cũng như dỡ bỏ các ưu đãi dành cho các nhà đầu tư thông thường. Luật Đầu tư cần thiết kế những ưu đãi cụ thể riêng biệt để thu hút các nhà đầu tư chiến lược từ các đối tác lớn, đặc biệt là từ các công ty đa quốc gia top 500 của thế giới.
Chín là, cần có chính sách ưu tiên, đặc thù cho một số địa phương phù hợp thực tế để dần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền trong thu hút FDI phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.
Mười là, xây dựng danh mục đầu tư quốc gia và kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài cho giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo, kèm theo xây dựng mạng thông tin chi tiết về dự án. Xây dựng văn bản pháp quy về công tác xúc tiến đầu tư nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất trong công tác quản lý nhà nước, cơ chế phối hợp và tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh;
2. Báo cáo số 388/BC-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về tình hình triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng;
3. Kỷ yếu hội thảo khoa học về “Chủ trương, chính sách mới thu hút mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài”; Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức, tháng 12/2013...
Đổi mới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế
(Tài chính) Việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế cùng với các xu hướng mới của dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới đang đặt ra yêu cầu Việt Nam phải đổi mới cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Vấn đề đổi mới phải đảm bảo được yêu cầu hàng đầu là cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng hơn và gia tăng kiểm soát an toàn vĩ mô của Nhà nước…
Xem thêm