Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

PV.

Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 167-HD/BTGTW triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đổi mới toàn diện đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đổi mới toàn diện đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Hướng dẫn được ban hành nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong hành động của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi Chỉ thị của Ban Bí thư.

Với mục tiêu nêu trên, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt các nội dung trọng tâm, gồm:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Thứ hai, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tập trung chỉ đạo tăng cường đảm bảo chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh sai sót trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị.

Thứ ba, đổi mới toàn diện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ đủ nguồn lực, bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kịp thời khắc phục các tồn tại, yếu kém; chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với bối cảnh mới.

Thứ tư, định kỳ hằng năm tiến hành đánh giá và xây dựng báo cáo về quá trình kết quả triển khai thực hiện để rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị.

Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW phải bám sát nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Chỉ thị, gắn với đặc thù của địa phương, đơn vị, bảo đảm đồng bộ, liên thông, hiệu quả, khả thi.

Đặc biệt, trong tổ chức thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW cần phát huy trách nhiệm, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu; bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện; triển khai toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát; định kỳ sơ kết, tổng kết quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và các văn bản liên quan.

Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị; chỉ đạo kịp thời thể chế hóa, xây dựng cơ chế, chính sách; rà soát điều chỉnh, bổ sung các văn bản phục vụ đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Song song với đó, chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện các đề án, chương trình cụ thể hóa nội dung Chỉ thị số 37-CT/TW; bảo đảm nguồn lực cho đổi mới công tác này.