Đầu tư và phân bổ ngân sách nhà nước cho khoa học xã hội
Ở Việt Nam, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ nói chung, khoa học xã hội (KHXH) nói riêng chủ yếu được đầu tư từ các nguồn: Nguồn ngân sách nhà nước (NSNN); nguồn vốn đầu tư của các DN; nguồn tài trợ từ nước ngoài và các nguồn khác.
Thực trạng đầu tư tài chính cho hoạt động KHXH của nước ta thời gian qua còn thấp do nguồn đầu tư còn hạn chế, hầu như 100% là từ NSNN. Tỷ trọng đầu tư tài chính cho hoạt động KHXH cũng thấp, ví dụ như các chương trình trọng điểm cấp nhà nước về KHXH chỉ chiếm từ 1% đến 6,7% tổng kinh phí đầu tư, so với mức từ 12,2% đến 38,9% của chương trình trọng điểm cấp nhà nước về khoa học và công nghệ (gấp 7,4 lần KHXH).
Thực trạng về cơ chế sử dụng và quản lý tài chính đối với hoạt động KHXH về cơ bản cũng giống như khoa học tự nhiên và khoa học - công nghệ đều áp dụng Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NSNN và Thông tư liên tịch số 25/2003/TTLT/BKH&CN-BTC ngày 25/8/2003 của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính về việc bổ sung một số quy định tại Thông tư liên tịch số 2341/2000/TTLT/ BKHCNMT-BTC ngày 28/11/2000 hướng dẫn thực hiện Nghị định 119/1999/NĐ-CP ngày 18/9/1999 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các DN đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ.
Việc sửa đổi, bổ sung cơ chế đầu tư, sử dụng và quản lý tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó có KHXH đang theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, giao quyền quyết định cho các bộ, ngành, địa phương và cơ sở. Hoạt động khoa học và công nghệ đã có sự đổi mới về phương thức đầu tư tài chính theo nhiệm vụ khoa học trọng điểm cấp nhà nước, cấp bộ, ngành thông qua tuyển chọn hay đấu thầu hoặc xét chọn giao trực tiếp, không đầu tư theo số lượng biên chế như trước nữa. Qua đó thể hiện từng bước đổi mới theo hướng xã hội hóa, gắn các tổ chức khoa học và công nghệ với sản xuất, thực tiễn đời sống và đặc biệt là khuyến khích các DN tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ và đã đạt kết quả nhất định.
Cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ đã được đổi mới theo hướng thông thoáng hơn, tự chủ hơn, gắn chế độ chi tiêu với sản phẩm nghiên cứu, chú trọng đến lao động “chất xám” trong nghiên cứu sáng tạo, mức chi đã được nâng lên phù hợp hơn với thực tế. Cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước đã được cải tiến theo hướng tập trung và tăng quyền chủ động cho các chương trình, quy định rõ hơn về trách nhiệm và quyền hạn của các chương trình, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, không rõ trách nhiệm. Cơ chế đầu tư hỗ trợ tài chính cho các DN nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất và đời sống đã góp phần nâng cao nhận thức của các DN trong việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới thay thế nhập khẩu với giá thành thấp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước và nền kinh tế.
Tuy nhiên, những đổi mới đó vẫn chưa làm thay đổi căn bản cơ chế đầu tư, sử dụng và quản lý tài chính đối với khoa học và công nghệ và còn nhiều tồn tại vướng mắc như:
- Cơ chế đầu tư và phân bổ NSNN cho hoạt động KHXH chưa rõ ràng, còn bất cập. Mặc dù Nghị quyết hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đã được thực hiện với việc dành 2% chi NSNN cho hoạt động khoa học và công nghệ, song chưa có cơ chế đầu tư và phân bổ hợp lý cho từng lĩnh vực khoa học, nhất là KHXH.
- Quy trình lập, xét duyệt và giao dự toán NSNN cho các lĩnh vực khoa học và công nghệ còn nặng tính hành chính, hình thức v à quá nhiều thủ tục rườm rà. Dự toán chi NSNN được xây dựng và sử dụng phải chi tiết theo mục lục NSNN, điều đó gây nhiều khó khăn cho các đơn vị sử dụng trong việc chủ động chi tiêu và thay đổi cơ cấu chi phù hợp với thực tiễn hoạt động khoa học và công nghệ theo cơ chế thị trường. Hơn nữa, dự toán ngân sách hàng năm đối với các đơn vị nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng yêu cầu các cơ sở xây dựng, tổng hợp và cân đối; quy trình phân bổ từ Chính phủ quyết định giao dự toán cho các bộ, ngành, địa phương và sau một thời gian khá dài các bộ, ngành, địa phương mới phân bổ và cũng phải mất một thời gian dài nữa các chương trình, đề tài, đề án mới nhận được kinh phí, vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học.
- Hệ thống các tiêu chuẩn, định mức chi cho KHXH còn những bất cập so với thực tiễn như thù lao thấp nên gây ra tình trạng “biến báo” chứng từ thanh quyết toán tài chính.
- Hệ thống mẫu biểu báo cáo và chứng từ thanh quyết toán tài chính quá chi tiết, tỉ mỉ, phức tạp đã gây nhiều khó khăn cho công tác tài chính, thanh quyết toán công trình. Công tác kiểm tra, giám sát chi NSNN của các đơn vị dự toán cấp trên và cơ quan quản lý tài chính các cấp kể cả kiểm toán nhà nước cũng không đủ thời gian và công sức để tiến hành đầy đủ, chính xác. Vì vậy, phương thức quản lý theo hệ thống chứng từ, sổ sách và báo cáo tài chính hiện nay trở thành lỏng lẻo, tạo nhiều kẽ hở cho tiêu cực phát sinh trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhất là trong khâu quyết toán.
- Chưa phân định rõ giữa trách nhiệm và quyền hạn của chủ nhiệm đề tài, đề án, dự án khoa học với cơ quan chủ trì thực hiện trong hoạt động khoa học, sử dụng và quản lý tài chính, gây nhiều khó khăn cho sử dụng và quản lý tài chính, làm nảy sinh mâu thuẫn giữa phát huy quyền độc lập tự chủ của chủ nhiệm công trình với vai trò quản lý, điều hành và chi tiêu tài chính của thủ trưởng cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ nói chung, khoa học xã hội nói riêng chủ yếu được đầu tư từ các nguồn: NSNN; vốn đầu tư của các DN; nguồn tài trợ từ nước ngoài và các nguồn khác. Đầu tư tài chính cho hoạt động khoa học xã hội của nước ta thời gian qua còn thấp, hầu như 100% là từ NSNN.
Giải pháp đổi mới
Để phát huy được nguồn lực tài chính nhà nước đầu tư vào KHXH cũng như huy động được các nguồn đầu tư từ bên ngoài vào lĩnh vực này cần quan tâm đến một số giải pháp sau:
- Xây dựng cơ chế khuyến khích các DN đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất đời sống và hoạch định chính sách
- Việc hỗ trợ tài chính để khuyến khích các DN nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cần được đẩy mạnh và thực chất hơn nữa theo Nghị định 119/1999/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách tài chính hỗ trợ DN nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ như: Hỗ trợ cho nhiều DN thuộc các thành phần kinh tế, nhất là DN nhỏ và vừa, tăng cả về số lượng và tỷ trọng so với tổng mức đầu tư; ưu tiên các chính sách khác.
- Khi áp dụng cơ chế tuyển chọn (đấu thầu), đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện các đề tài độc lập cấp Nhà nước, NSNN tăng cường đầu tư hỗ trợ cho các DN nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất để tạo sản phẩm thay thế nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Xây dựng định mức chi hợp lý cho KHXH:
- Cần xây dựng định mức chi đối với từng khâu của quy trình nghiên cứu như: Xây dựng đề cương (tổng quát, chi tiết); thu thập, xử lý tư liệu; tọa đàm; hội thảo khoa học; biên soạn các chuyên đề và báo cáo tổng quan nghiên cứu; nghiệm thu đánh giá và các khâu phụ trợ.
- Trên cơ sở định mức chi hợp lý, kết hợp với đầu tư tập trung, có trọng điểm không chia đều theo bình quân cho hoạt động KHXH. Tập trung đầu tư vào khâu cần thiết, những ngành, lĩnh vực là nền tảng cốt lõi nhằm tập trung nguồn lực và củng cố đầu tầu khỏe kéo theo các ngành khác cùng phát triển bền vững.
- Ưu tiên chi cho KHXH cao hơn hiện nay và cao hơn lĩnh vực hành chính sự nghiệp.
Thực hiện nghiêm phương thức tuyển chọn và nghiệm thu đánh giá:
Luật Khoa học và Công nghệ quy định rất rõ phương thức giao nhiệm vụ theo hai hình thức: Ðối với những nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nhiều nhà khoa học và cơ quan có khả năng thực hiện phải áp dụng cơ chế tuyển chọn (đấu thầu) để chọn lựa đúng nhà khoa học có năng lực làm chủ nhiệm, đúng cơ quan đủ năng lực chủ trì thực hiện. Đối với những nhiệm vụ khoa học ít nhà khoa học và cơ quan có khả năng thực hiện, có thể áp dụng cơ chế xét chọn giao nhiệm vụ nghiên cứu. Luật Khoa học và Công nghệ cũng yêu cầu đối với đánh giá, nghiệm thu phải thành lập Hội đồng một cách khách quan để đánh giá đúng chất lượng và khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu.
Để đạt được yêu cầu đó, đòi hỏi quy trình đánh giá kết quả nghiên cứu phải tiến hành qua nhiều vòng, nhiều thời điểm và thích hợp với mỗi thời điểm phải có phương pháp đánh giá khác nhau. Cần phải đổi mới phương thức đánh giá nghiệm thu trong KHXH theo hai phương thức: (1) kết hợp các phương thức đánh giá công khai và đánh giá kín, đánh giá độc lập dựa trên đề cương và hợp đồng nghiên cứu được duyệt; (2) sau một thời gian (3 - 5 năm và sau 10 - 15 năm) kể từ khi đề tài, dự án được nghiệm thu, cần tiếp tục đánh giá xác định hiệu quả kinh tế - xã hội và việc ứng dụng vào thực tiễn.
Đổi mới phân bổ dự toán kinh phí cho KHXH:
Rất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các khoản chi với những mức chi phù hợp theo quy trình nghiên cứu và quản lý trong hoạt động nghiên cứu KHXH gồm:
- Cơ cấu lại, bổ sung đầy đủ nội dung dự toán theo quy trình nghiên cứu và quản lý; xây dựng tỷ lệ cơ cấu chi theo loại hình đề tài, dự án khoa học.
- Rà soát lại định mức chi để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế, nhất là các khoản chi cho biên soạn chuyên đề nghiên cứu, biên soạn báo cáo tổng quan kết quả khoa học, nhận xét đánh giá kết quả nghiên cứu của chuyên gia phản biện, thù lao báo cáo điều tra, xử lý tài liệu điều tra, báo cáo khoa học có chất lượng…
- Đề xuất không phân biệt mức chi giữa đề tài, dự án khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, ngành, vì trong khoa học khó có thể xác định hàm lượng “chất xám” theo cấp độ đề tài, dự án; hơn nữa cũng khó phân biệt giá trị khoa học cao thấp theo cấp độ nhiệm vụ trong nghiên cứu KHXH.
- Sửa đổi định mức khoán chi thường xuyên đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ phù hợp với tính đặc thù, khác với khoán chi hành chính; khuyến khích nghiên cứu cơ bản kết hợp nghiên cứu ứng dụng có định hướng, kết hợp nghiên cứu với đào tạo cán bộ trong hoạt động KHXH.
- Phân định rõ nguồn đầu tư từ NSNN chỉ tập trung đầu tư cho những nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, tư vấn chính sách, nghiên cứu các lĩnh vực công ích; khuyến khích xã hội hóa, nhất là đối với các DN đầu tư tài chính cho hoạt động nghiên cứu KHXH.
Đổi mới quy trình lập, xét duyệt, giao dự toán theo sản phẩm khoa học “đầu ra”:
Quy trình lập, xét duyệt, giao dự toán cần được đổi mới, vừa đảm bảo cho người sử dụng ngân sách quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chủ động trong việc sử dụng tài chính, vừa tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý tài chính các cấp và vừa đảm bảo cho người làm về tài chính kế toán giảm khối lượng công việc, quản lý tài chính chặt chẽ, thiết thực và hiệu quả. Việc đổi mới khâu lập, xét duyệt dự toán kinh phí của đề tài, dự án cần chặt chẽ, tỉ mỉ theo sản phẩm khoa học “đầu ra”, nhưng với khâu thanh quyết toán, sổ sách, biểu mẫu, báo cáo tài chính cần được gọn nhẹ như các đề tài, dự án hợp tác nghiên cứu do nước ngoài đầu tư, tài trợ.
Xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng các nguồn tài chính hiệu quả:
Để thực hiện tốt nội dung đặc biệt quan trọng này, cần nghiên cứu thực hiện tốt các văn bản, quy định hiện hành của Nhà nước về tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ; cá nhân chủ nhiệm đề tài, đề án khoa học. Nghiên cứu bãi bỏ những văn bản, quy định không còn phù hợp, đồng thời đề xuất xây dựng các văn bản quản lý và sử dụng tài chính mới, đặc biệt là cơ chế mới trong việc sử dụng và quản lý NSNN nhằm khuyến khích lao động sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ nói chung, KHXH nói riêng.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13;
2. Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ;
3. Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN ngày 4/10/2006 của liên Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ;
4. Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 7/5/2007 của liên Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ;
5. TS. Phạm Văn Vang (2012): Đổi mới cơ chế phân bổ và sử dụng NSNN cho hoạt động KHXH, NXB KHXH.
Đổi mới đầu tư và phân bổ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học xã hội
(Tài chính) Hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội tạo ra sản phẩm mang giá trị định tính rất cao, khó xác định, đo lường chính xác về định lượng; đồng thời việc xác định thời gian lao động cần thiết, cường độ và hiệu suất lao động là rất khó khăn, phức tạp. Vì vậy, việc đầu tư phân bổ ngân sách nhà nước phù hợp và đạt được mục tiêu chung là vấn đề cấp thiết.
Xem thêm