Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế: Từ đâu và như thế nào?

PGS., TS. Phạm Thị Túy, PGS., TS. Phạm Quốc Trung

(Tài chính) Đã có nhiều nghiên cứu về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, cũng như không ít luận bàn về tái cấu trúc nền kinh tế cả ở phạm vi quốc gia lẫn khu vực và quốc tế, thế nhưng chưa có nghiên cứu nào đề cập tới việc phân định rõ sự khác biệt giữa đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế với tái cấu trúc nền kinh tế.

Quan niệm về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế theo nghĩa chung nhất có thể được hiểu là việc tạo ra nhiều của cải hơn nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng cần xác lập “Mô hình tăng trưởng”. Mô hình tăng trưởng kinh tế là phương tiện hay cách thức để đạt được các mục tiêu tăng trưởng. Tùy thuộc vào đặc điểm mỗi thời kỳ, các quốc gia có thể có mục tiêu tăng trưởng khác nhau, tuy nhiên, đều một mục đích là đem lại sự phồn thịnh cho xã hội.

Thuật ngữ chuyển đổi, hay đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo nghĩa phổ biến là việc thay đổi cách thức vận hành nền kinh tế theo chiều hướng tiến bộ. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là việc xác lập khung khổ chung, hay mô thức chung định hướng vận hành nền kinh tế trên cơ sở tối ưu hóa các nguồn lực của quốc gia với một cơ cấu nền kinh tế hợp lý, hiệu quả, hiện đại, nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng phát triển bền vững.

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế có quan hệ hữu cơ với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, bởi để thực hiện việc đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải cơ cấu lại nền kinh tế, nhằm một mặt, khắc phục những khuyết tật, những hạn chế nảy sinh trong quá trình tăng trưởng; mặt khác, xây dựng một cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu của mô hình tăng trưởng.

Việc tái cấu trúc hay cơ cấu lại nền kinh tế phải được xác định gắn với việc cơ cấu lại các ngành kinh tế, kỹ thuật, các lĩnh vực cho đến các bộ phận… của nền kinh tế quốc dân.

Như vậy, có thể nói, chuyển đổi hay đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là xác lập/định hướng cách thức vận hành nền kinh tế để đạt các mục tiêu tăng trưởng, phát triển, còn tái cấu trúc nền kinh tế là việc thực hiện hay hiện thực hóa cách thức vận hành nền kinh tế đã được lựa chọn.

Trong điều kiện hiện nay, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế phải là quá trình hiện thực hiệu quả 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường. Đây là những tư tưởng quan trọng nhất, cũng là những nét mới trong tư duy phát triển hiện đại. 

Trên cơ sở lý luận trên, nhóm nghiên cứu đưa ra những phác thảo ban đầu về đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế như Bảng sau.

Bảng: Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế - Những phác thảo ban đầu

Các tiêu chí

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Tái cơ cấu nền kinh tế

Quan niệm

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là việc xác lập khung khổ chung hay mô thức chung định hướng vận hành nền kinh tế trên cơ sở tối ưu hóa các nguồn lực của quốc gia với một cơ cấu nền kinh tế hợp lý, hiệu quả, hiện đại nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng phát triển bền vững.

Tái cấu trúc nền kinh tế là hoạt động củng cố, tổ chức lại cấu trúc từng bộ phận cấu thành nền kinh tế (ngành, lĩnh vực, chủ thể) và tổng thể nền kinh tế theo hướng hợp lý, hiệu quả. 

 

Bản chất

Thay đổi cách thức vận hành nền kinh tế.

Tổ chức, sắp xếp lại vận hành của từng bộ phận trong nền kinh tế hướng đến một tổng thể nền kinh tế hiệu quả theo mô hình tăng trưởng đã lựa chọn.

Mục tiêu

Đạt mục tiêu tăng trưởng, phát triển nền kinh tế đã xác định.

Tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của từng ngành, lĩnh vực kinh tế trên cơ cơ sở một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả và mang tính bền vững.

Chủ thể thực hiện

Nhà nước và các cơ quan chức năng đóng vai trò mở đường và hỗ trợ.

Từng chủ thể trong nền kinh tế là chủ thể, lực lượng chủ công của tiến trình này.

Cách thức thực hiện

Nhận diện chính xác các khâu đột phá và giải quyết tốt các đột phá.

Đẩy mạnh CNH, HĐH, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế gắn với áp dụng khoa học công nghệ và tổ chức lại hoạt động kinh tế-xã hội (sản xuất, lưu thông, phân phối) theo hướng tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất khu vực và chuỗi giá trị toàn cầu.

Các điều kiện, tiền đề cần thiết

Khoa học và công nghệ là động lực quyết định; nguồn nhân lực đóng vai trò trung tâm, là chủ thể sáng tạo và sử dụng khoa học, công nghệ, đồng thời là lực lượng thực hiện chức năng quản lý.

Sự hoàn thiện của thể chế nhà nước; trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước là tiền đề, điều kiện quyết định để các chủ thể kinh tế phát triển vững chắc trong hội nhập.

Kết quả kỳ vọng

Nền kinh tế tăng trưởng, phát triển bền vững trên cơ sở thực hiên hiệu quả 3 trụ cột:  kinh tế - xã hội - môi trường.

Mỗi ngành, lĩnh vực, bộ phận của nền kinh tế vận hành hiệu quả trong một cấu trúc nền kinh tế hiện đại, bền vững.

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

Điều kiện để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế

Để đổi mới mô hình tăng trưởng, cần nhìn nhận một cách khách quan về mô hình tăng trưởng đã có trên các phương diện: (1) Phát hiện những khuyết tật của mô hình cũ để có giải pháp loại bỏ; (2) Phát triển những thế mạnh, những ưu việt của mô hình đã có để hoàn thiện nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của mô hình mới. Việc phát triển này gắn với yêu cầu đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế để hình thành mô hình tăng trưởng mới.

Những yêu cầu nên trên có thể coi như những điều kiện bắt buộc để thực hiện nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Bởi lẽ, nếu không xác định được yêu cầu rà soát mô hình tăng trưởng cũ để có sự điều chỉnh, vừa loại bỏ cái lỗi thời, vừa bổ sung phát triển cái mới, thì không thể xác định được chính xác nội dung của mô hình mới.

Đồng thời, tăng trưởng có thể được thúc đẩy bởi nhiều nhân tố. Tùy từng giai đoạn phát triển khác nhau của nền kinh tế, mà một hay một số nhân tố này sẽ nổi lên trở thành nhân tố then chốt, hay còn gọi là động lực của tăng trưởng. Vì vậy, muốn thành công trong đổi mới mô hình tăng trưởng Nhà nước cần phải xác định được những động lực tăng trưởng phù hợp cho từng thời kỳ. Việc xác định động lực cho tăng trưởng, chẳng hạn việc xác định ưu tiên tập trung mọi nguồn lực (vốn, lao động, tài nguyên, cơ chế ưu đãi…) cho các động lực đã xác định, hoặc cho phép nền kinh tế phát triển có trọng tâm, có định hướng.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước, như: Nhật Bản, Hàn Quốc đều có chiến lược tăng trưởng có trọng tâm. Nhà nước đứng trước những lựa chọn về xác định động lực cho tăng trưởng kinh tế (dựa vào xuất khẩu hay tiêu dùng trong nước; phát triển nông nghiệp, công nghiệp lắp ráp hay dịch vụ, du lịch...). Việc xác định này cần được xem xét trên hai cơ sở: (i) đặc thù quốc gia (trình độ phát triển kinh tế - xã hội, năng lực cạnh tranh...) và (ii) đặc điểm, xu thế quốc tế (phân chia lao động quốc tế và khu vực, xu thế phát triển...).

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế không chỉ dừng lại ở việc xác định đâu là động lực tăng trưởng, mà còn phải định hình nên những định hướng chính sách chủ yếu nhằm phát triển tối ưu các động lực tăng trưởng này, tận dụng tối đa những lợi thế, cơ hội của giai đoạn đó. Một nền kinh tế có tăng trưởng chỉ khi những nhân tố đầu vào cơ bản (vốn, lao động, tài nguyên) được đảm bảo.

Dựa trên cơ sở trọng tâm động lực tăng trưởng đã được xác định ở trên, Nhà nước cần ban hành các chính sách nhằm phát triển toàn diện và có định hướng các nguồn lực này. Nội dung này có thể có sự tham gia của cả khu vực tư nhân lẫn Nhà nước, với vai trò của Nhà nước là chủ đạo do có khả năng tập trung nguồn lực cao hơn. Ở các quốc gia tư bản truyền thống, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia có vai trò không thua kém nhà nước trong phát triển nguồn lực cho tăng trưởng.

Ngoài việc xác định động lực, tối ưu hóa động lực thì một nhân tố đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng, phát triển kinh tế là thể chế và chính sách của Nhà nước.

Vì vậy, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế cần phải gắn liền với việc thiết kế và triển khai hệ thống thể chế và chính sách một cách có hệ thống, hướng đến mục tiêu phát triển, tạo động lực tăng trưởng và qua đó đạt được các mục tiêu tăng trưởng. Cần xác định được vai trò của Nhà nước (trong mối quan hệ với thị trường), vai trò của khu vực nhà nước (trong mối quan hệ với khu vực dân doanh và dân sự) và vai trò của hệ thống thể chế kinh tế…

Theo đó, Nhà nước cần thực hiện tốt các chức năng của mình, như: điều hành vĩ mô nền kinh tế, xây dựng hệ thống các chính sách kinh tế - xã hội hữu hiệu, cơ chế thủ tục hành chính gọn nhẹ, hiệu quả... Qua nghiên cứu học thuật và kiểm chứng thực tiễn, nhất là qua hiện thực phát triển của các quốc gia phương Tây, cho thấy rằng, nền tảng thể chế (institutions) đóng vai trò quan trọng nhất trong sự thành bại của một quốc gia, một dân tộc.

Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế có thể được thể hiện đặc biệt tại một số ngành, lĩnh vực then chốt, như: điện lực, giao thông, viễn thông... Nhà nước trực tiếp thực hiện khi khu vực tư nhân không đủ hoặc chưa đủ nguồn lực để hoạt động, trong khi đây lại là lĩnh vực không thể thiếu đối với nền kinh tế.

Đây là lĩnh vực thuộc “quyền tự quyết” của nhà nước khi khu vực tư nhân ít có khả năng tác động trực tiếp (ở các nước tư bản, khu vực tư nhân có thể tác động thông qua vận động hành lang - lobby). Tại nội dung này, cải thiện cần hướng tới hiệu quả của vai trò nhà nước chứ không chỉ là gia tăng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế.

Những gợi mở cho Việt Nam

Đối với một nền kinh tế đang chuyển đổi và hội nhập như nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế bao hàm nhiệm vụ tiếp tục thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, song hành với nhiệm vụ khắc phục những yếu kém sai sót đã chính thức được xác nhận từ những chặng đường đầu của công cuộc đổi mới (1986-2001), nhưng cho đến nay (sau gần 30 năm đổi mới) vẫn chưa khắc phục được, cùng với việc hoàn thiện hệ thống thể chế và có sự tham khảo mô hình tăng trưởng của các nước, các nền kinh tế đi trước.

Những yếu kém, sai sót sau hơn 25 năm đổi mới đất nước đã được nhận diện khá rõ nét, song vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XI là cần phải làm rõ những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài những sai sót, yếu kém thì mới có thể xác định được những giải pháp thực sự có hiệu lực và hiệu quả để khắc phục những tồn tại đó. Tổng Bí thư có chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân đó là tình trạng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đã được phê duyệt đều bị chi phối ở những mức độ nhất định, bởi "tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay "lợi ích nhóm”.

Do đó, việc rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách để khắc phục được những khuyết tật của mô hình tăng trưởng cũ là một quá trình chuyển đổi nhận thức, đấu tranh tư tưởng, đổi mới tư duy.

Điều này có nghĩa rằng, nhận thức được vấn đề là quan trọng, song quan trọng hơn là cần tạo ra quyết tâm hành động với một sự đồng thuận cao (trong toàn xã hội, mà trước hết là sự đồng thuận trong đội ngũ những nhà lãnh đạo, quản lý đất nước và toàn thể hệ thống chính trị của đất nước) để khắc phục, giải quyết vấn đề. Đây có thể được coi là một trong những điều kiện tiên quyết để nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam có được nền tảng vững chắc ban đầu.

Để thực hiện việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trước hết cần phải tiến hành rà soát lại quy trình và phương pháp xây dựng mô hình tăng trưởng đồng thời với việc điều chỉnh nội dung và các giải pháp thực hiện mô hình tăng trưởng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 Khóa XI.

Cũng cần nhận thức thêm là quá trình này cũng là quá trình gay go và gian khổ, nhất là đấu tranh với các nhóm lợi ích - một thực thể xã hội đã có tiềm lực lớn, có chỗ đứng vững chắc, đã được thiết lập và củng cố qua hàng chục năm phát triển của đất nước. Cuộc đấu tranh này cần được tổ chức triển khai với tinh thần quyết liệt vì nó quyết định khả năng phát triển của nền kinh tế đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu không làm được điều này thì mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng khó đạt kết quả như mong đợi.

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là một quá trình, không thể hành động theo ý muốn chủ quan, mà phải tạo ra các tiền đề và điều kiện cho quá trình chuyển đổi, nhất là phải nắm bắt để hành động đúng quy luật phát triển. Chính vì vậy, trong những năm đầu của thời kỳ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011- 2020, cần có sự kết hợp giữa tăng trưởng theo chiều rộng với tăng trưởng theo chiều sâu theo hướng chuyển mạnh sang chiều sâu./.

Tài liệu tham khảo

1. William Eastely (2014). Truy tìm căn nguyên tăng trưởng, sách dịch, Nxb Lao động và Xã hội

2. Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2011).  Kỷ yếu Hội thảo khoa học Tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong một số năm trước mắt, ngày 28/9/2011

5. Nguyễn Đức Thành (2010). Lựa chọn để tăng trưởng bền vững, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2010, Nxb Tri thức