Một trong những thành tựu nổi bật nhất trong gần 30 năm đổi mới vừa qua của Việt Nam mà khu vực và thế giới đã chứng kiến là sự trưởng thành nhanh chóng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp (DN) Việt. Từ con số vài chục nghìn DN ở những năm đầu đổi mới, đến nay cộng đồng DN Việt Nam đã có sự góp mặt của trên 500 nghìn thành viên và nhiều hơn số đó là đội ngũ hùng hậu doanh nhân “đứng mũi chịu sào”.

So với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam còn phải cố gắng rất nhiều để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng rõ ràng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội hiện nước ta có được đã nói lên sự trưởng thành đáng kể và đóng góp quyết định của DN, doanh nhân. Doanh nhân đã trở thành đội quân tiên phong trên “mặt trận” kinh tế, làm giàu cho đất nước, cho xã hội và là nguồn lực vô giá cần được khai thác.

Bất kỳ DN nào khi được thành lập và đi vào hoạt động luôn luôn mang theo bên mình trách nhiệm với xã hội. Trách nhiệm xã hội đầu tiên là kinh doanh phải nộp thuế đầy đủ. GDP không thể tăng lên nếu không có tăng trưởng kinh tế. Nhưng để tăng trưởng kinh tế thì không thể không có DN và doanh nhân thành đạt. Sự thành công của mỗi DN là một phần thành công của cả nền kinh tế, của cải vật chất do mỗi DN tạo ra cho xã hội là để tích lũy tăng trưởng GDP.

DN được thành lập ra chủ yếu để hoạt động và tìm kiếm lợi nhuận, phục vụ con người. Sự thành đạt của mỗi DN, mỗi doanh nhân không phải ngẫu nhiên mà là kết quả của việc nỗ lực phấn đấu, vượt khó và sáng tạo của người doanh nhân. Để tồn tại và phát triển DN phải vượt qua các cuộc cạnh tranh khốc liệt. Và để thắng trong các cuộc cạnh tranh đó DN bắt buộc phải luôn đổi mới, năng động và sáng tạo.

Mặc dù đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, một bộ phận không nhỏ đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam chưa mạnh, còn chứa đựng trong mình rất nhiều tồn tại, yếu kém. Đó là, ít được đào tạo bài bản, đúng nghĩa là một doanh nhân đủ tầm, có tâm và đủ kinh nghiệm, bản lĩnh trên thương trường. Hệ quả là, không ít doanh nhân Việt đã phải trả giá đắt trong đàm phán liên doanh với các đối tác nước ngoài. Đó là chưa nói đến không ít doanh nhân nắm giữ các vị trí quan trọng trong các DNNN, còn yếu kém về quản lý, thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu kiến thức dẫn đến đầu tư kém hiệu quả, làm mất lòng tin giữa doanh nhân với doanh nhân và với dư luận xã hội...

Để thành doanh nhân thành đạt không phải là điều dễ dàng và thật vinh dự để trở thành doanh nhân thành đạt. DN chỉ có thể tồn tại và phát triển bền vững mới tạo ra doanh nhân thành đạt. Đó chính là điều cốt lõi cho mỗi DN trên con đường phấn đấu của mình. Đứng trước vận hội mới, điều cần có ở mỗi doanh nhân chính là tinh thần cầu thị, cầu tiến, tỉnh táo đi đôi với tự tin, không tự mãn, chủ quan, tự ti mà cần phải học hỏi. Song quan trọng hơn cả và không thể thiếu đối với doanh nhân là phải biết chấp nhận rủi ro, chấp nhận chìm nổi.

                                                                                        Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 9-2014

Đội quân tiên phong trên “mặt trận” kinh tế

Thu Hằng

(Tài chính) Không có doanh nhân thành đạt thì không có xã hội phát triển, tạo ra nhiều của cải vật chất. Không có doanh nhân thành đạt đồng nghĩa với việc nền kinh tế không có tăng trưởng và phát triển, sẽ khó có tiến bộ xã hội… Đây là nhận định chung của nhiều lãnh đạo cao cấp cũng như chuyên gia kinh tế.

Xem thêm

Video nổi bật