Đón cơ hội đầu tư tài chính tiêu dùng
Kinh tế Việt Nam trong 5-10 năm tới dự kiến sẽ có sự tăng trưởng. “Định chế tài chính nào chớp được thời cơ này sẽ thắng!”, PGS. TS, Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&DT) nhấn mạnh.
Tín dụng đen và hệ lụy của nó đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, mỗi năm không dưới 1.500 vụ vỡ tín dụng đen, tức là một ngày sẽ có trên 4 vụ vỡ nợ do tín dụng đen xảy ra.
Điều đáng nói ở đây, tín dụng đen không chỉ xảy ra với những người dân ở thôn quê, vùng sâu, vùng xa... thiếu thông tin, thiếu hiểu biết mà còn gây hậu quả ngay cả với những người dân ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn... Biết rõ hậu quả nhưng nhiều người vẫn lao vào “mê hồn trận” này, để rồi vỡ nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo PGS.TS Đào Văn Hùng, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chínhTiền tệ Quốc gia, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), phương thức cho vay tín dụng đen đã xuất hiện từ lâu, không chỉ ở Việt Nam, mà ở cả các nước đang phát triển và các nước phát triển cũng rất phổ biến. Bởi vì nhu cầu của hộ gia đình và cá nhân trong thời kinh tế thị trường là rất đa dạng, trong khi đó, các tổ chức tài chính lại không có đủ mạng lưới cũng như sản phẩm, dịch vụ để cung cấp, đáp ứng cho hầu hết các nhu cầu này.
Nguyên nhân nữa khiến “tín dụng đen” vẫn còn “đất sống”, chính là hiểu biết của người dân về tín dụng tiêu dùng vẫn còn hạn chế, không thông hiểu và nắm rõ nguồn vốn tài chính tiêu dùng. Nghĩa là, không hiểu biết về các sản phẩm tín dụng tiêu dùng và dịch vụ cung cấp tài chính tiêu dùng. Điều này xảy ra không chỉ đối với người dân ở nông thôn mà ngay cả với những người có thu nhập, có trình độ cao.
Những người biết đôi khi có tâm lý e ngại, nghĩ rằng việc vay nợ ngân hàng và của các tổ chức tín dụng là xấu. Thậm chí, có người biết nhưng do bị xếp vào phân khúc người “dưới chuẩn” được cấp tín dụng tiêu dùng của ngân hàng, cho nên họ vẫn giữ thói quen đi vay bạn bè, người thân… khi không vay được của bạn bè, người thân, họ đành phải tìm đến “tín dụng đen” với thủ tục vay đơn giản, dễ dàng mà không biết sẽ phải chịu mức lãi suất lớn hơn lãi suất của công ty tài chính hay ngân hàng thương mại rất nhiều lần.
Đối tượng của “tín dụng đen” không chừa một ai! Bất cứ ai có nhu cầu về vốn từ nhỏ đến lớn đều rất dễ dính vào guồng quay này. Nhỏ như những chị buôn bán rau ngoài chợ, khi cần chút vốn “còm” thì cũng sẽ được thỏa mãn ngay với điều kiện lãi suất từ 6-9% tháng, trường hợp vay “nóng”, mức lãi vay có thể lên tới 12-25%/tháng. Và lớn hơn là các doanh nghiệp có nhu cầu vốn để đầu tư, đảo nợ, đầu tư bất động sản, chơi chứng khoán…
Việc cho vay với lãi suất cao không nằm trong khuôn khổ của pháp luật đã dẫn đến hệ lụy khôn lường, điển hình như các băng nhóm tự ý giải quyết, xiết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật.... Trong đó, con nợ bị bắt giữ, xét xử và lĩnh án tù, còn chủ nợ cũng khốn đốn không kém do bị thiệt hại lớn về tài sản. Không ít vụ việc không dừng lại ở câu chuyện mất mát tài sản, mà còn liên quan đến án mạng và có thể có nhiều tội danh xuất phát từ một vụ vỡ nợ như: Giết người, cưỡng đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…
Có thể thấy, cả người cho vay, trung gian, người đi vay trong thị trường tín dụng đen đều có “lỗi”, khi tham gia giao dịch vượt rào pháp luật và hậu quả là những vụ vỡ nợ, kẻ lĩnh án tù, người tán gia bại sản!
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực, trên thị trường tài chính của Việt Nam hiện nay có rất nhiều nguồn vốn tài chính khác nhau để người dân có thể tiếp cận. Cụ thể, hiện thị trường đã có khoảng 6 công ty tài chính và một số ngân hàng đang triển khai hoạt động cho vay tiêu dùng, mật độ phủ sóng dày đặc, sâu rộng đến hàng nghìn siêu thị, cửa hàng với đa dạng các mặt hàng tiêu dùng như: Ô tô, xe máy… Đặc biệt, tại các siêu thị điện máy đang rất phổ biến hình thức bán hàng trả góp - một dạng của cho vay tiêu dùng, với những ưu điểm vượt trội, thủ tục đơn giản hơn ở ngân hàng, mức lãi suất được đánh giá là chấp nhận được và thấp hơn vay tín dụng đen.
Tuy nhiên, để người dân chủ động tìm đến các nguồn vốn tài chính tiêu dùng khi có nhu cầu, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, các công ty tài chính, ngân hàng thương mại có sản phẩm tài chính tiêu dùng cần mở rộng địa bàn và quảng bá mạnh mẽ hơn nữa. Không chỉ dừng lại ở khu vực đô thị, ven đô mà cần “phủ sóng” tới cả những vùng nông thôn - nơi phần lớn người dân thuộc diện “dưới chuẩn cấp vốn của ngân hàng” vẫn chưa được biết đến.
“Với thị trường hơn 90 triệu dân, đặc điểm dân số trẻ, tiềm năng về tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam còn rất lớn”, nhấn mạnh điều này, PGS.TS Đào Văn Hùng cho rằng: Dự báo nền kinh tế nước ta trong 5-10 năm tới sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ, định chế tài chính nào chớp được thời cơ, tôi tin rằng cơ hội để họ là rất lớn”, .