“Dễ thở” hơn với tín dụng tiêu dùng
Mười năm về trước, việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ cho vay tiêu dùng là điều không thể đối với nhóm khách hàng dưới chuẩn – phân khúc người thu nhập thấp. Thế nhưng, với sự trợ giúp của các công ty tài chính trong thời gian vừa qua, thì việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng là hoàn toàn nằm trong tầm tay của nhóm đối tượng này.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP hiện đạt 6,4%, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Mức này vẫn thấp hơn nhiều nước trên thế giới, nên dư địa để phát triển mảng cho vay tiêu dùng vẫn còn rất lớn. Ước tính, hiện có khoảng 15,8 triệu người ở Việt Nam là khách hàng tiềm năng với sự thỏa mãn các điều kiện cơ bản về độ tuổi và thu nhập.
Để cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần và đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, một số công ty tài chính đã kích hoạt chương trình giảm lãi suất lớn đối với các khoản vay hỗ trợ mua sắm như: Trả góp mua xe máy, hàng điện tử, điện gia dụng, điện thoại di động… Điển hình như Home Credit đã đưa lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức từ 1,66%/tháng. Không chỉ vậy, công ty này còn đưa ra nhiều ưu đãi đi kèm cho khách hàng sử dụng dịch vụ của Home Credit như: Chương trình sản phẩm “Quà tặng thanh toán” được miễn phí cả gốc và lãi từ 1 đến 2 kỳ thanh toán cuối, nếu khách hàng trả đúng hạn…
Khách hàng mua sắm trả góp tại thegioididong.com cũng đang được hưởng mức lãi suất khá mềm từ 3 công ty tài chính gồm ACS, Home Credit và FE Credit (VPBank) với thời gian duyệt hồ sơ chỉ từ 15 phút đến 4 giờ. Cụ thể như: Mua laptop giá từ 2-16,6 triệu đồng, nếu khách hàng sử dụng hình thức trả góp sẽ được FE Credit hỗ trợ lãi suất 2,2%. Theo đó, khi khách hàng mua laptop trị giá 5 triệu đồng, trả góp trong 12 tháng, thì mỗi tháng chỉ phải trả 470.000 đồng… Với những khoản vay mua hàng điện máy, điện gia dụng hoặc khoản vay hàng trăm triệu đồng mua trả góp ô tô, nội thất… HD Saison cũng đang triển khai dịch vụ cho vay tiêu dùng trả góp với lãi suất chỉ 1,49%... Như vậy, so với mức lãi suất tiêu dùng của các ngân hàng thương mại (phổ biến ở mức 10-18%/năm) thì mức lãi suất nói trên của các công ty tài chính đã không còn là cá biệt.
Đại diện Home Credit cho biết, nếu so với năm 2013, lãi suất vay trung bình tại Home Credit hiện nay đã giảm từ 16%-20%/năm tùy sản phẩm vay, thậm chí một số sản phẩm đang được Home Credit triển khai cho vay với mức lãi suất 0% trong suốt thời hạn vay. “Con số khách hàng vay với lãi suất 70 - 80%/năm chiếm không nhiều. Phần lớn khách hàng đang vay ở mức lãi suất 40%/năm (cả mặt hàng xe máy và kim khí điện máy)”, Đại diện này thông tin thêm.
Không kém cạnh, các ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi, trong đó lãi suất tiêu dùng cho vay phát hành qua thẻ hiện đang có xu hướng giảm. Dẫn đầu là Ngân hàng Vietcombank, nhà băng này vừa giảm bình quân 3-6%/năm lãi suất ở hầu hết các loại thẻ tín dụng. Theo đó, mức lãi suất đối với những khoản vay đối với thẻ chuẩn chỉ còn 17%/năm, thẻ vàng còn 15%/năm, thẻ bạch kim cũng chỉ còn 10%/năm.
Khảo sát thị trường cho thấy, tham gia cùng hệ thống ngân hàng thương mại phát triển dịch vụ tín dụng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam (với gần 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng thỏa mãn các điều kiện về độ tuổi và thu nhập) hiện nay, có khoảng 6 công ty tài chính tiêu dùng. Trong đó, hệ thống ngân hàng thương mại cung cấp trên 87% tổng dư nợ cho vay tín dụng; các công ty tài chính chỉ chiếm 3,5% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Tuy nhiên, sự chênh lệch về lãi suất cho vay tiêu dùng giữa các ngân hàng thương mại và công ty tài chính lại không đáng kể.
Theo TS. Nguyễn Hữu Hòe, mức lãi suất mà các công ty tài chính đưa ra chỉ nhỉnh hơn so với ngân hàng thương mại khoảng 5-10% năm nhưng cá biệt có nơi lãi suất vẫn cao hơn tới hơn 40%. Số liệu của cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đưa ra mới đây cũng cho biết, trong khi lãi suất của các ngân hàng thương mại chỉ khoảng 18%/năm thì mức lãi suất tiêu dùng cao nhất của các công ty tài chính có thể lên tới 84%/năm. Nguyên nhân khiến mức lãi suất bởi do đối tượng khách hàng của các công ty tài chính đều là ở phân khúc khách hàng dưới chuẩn (nhóm người thu nhập thấp, khó có khả năng tiếp cận tới nguồn vốn ngân hàng), khoản vay lại nhỏ, ngắn hạn, thủ tục đơn giản, không có tài sản đảm bảo, cho nên tỷ lệ rủi ro là rất cao; chưa kể, các mặt hàng mà công ty tài chính hỗ trợ vay vốn lại là các sản phẩm xuống giá rất nhanh. Hơn nữa, các công ty tài chính lại không được huy động vốn trực tiếp từ dân cư, cho nên chi phí giá vốn đầu vào đội lên nhiều so với các ngân hàng…
Trước thực tế này, giới chuyên gia khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành những văn bản pháp lý riêng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng. Có như vậy mới có thể tạo nền tảng cơ sở vững chắc cho dịch vụ tín dụng tiêu dùng phát triển đúng hướng và đáp ứng với xu hướng tiêu dùng thông minh hiện nay. Siết chặt quản lý lãi suất cho vay tiêu dùng là việc làm cần thiết, tuy nhiên chúng ta cũng không nên khô cứng, ấn định lãi trần lãi suất cho vay tối đa; thay vào đó, cần tạo điều kiện cho nhiều tổ chức tín dụng cùng tham gia vào thị trường này, tạo nên sự canh tranh về phí, lãi suất theo đúng quy luật thị trường.