Đôn đốc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp


Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ có công văn chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chậm

Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, kết thúc giai đoạn 2016-2020, còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Dự kiến, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch. 

Trong 04 tháng đầu năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 02 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với tổng giá trị doanh nghiệp là 202 tỷ đồng, trong đó phần vốn của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc là 119 tỷ đồng. Đồng thời, trong 04 tháng đầu năm các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai công tác để thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa theo quy định. 

Về tình hình thoái vốn, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, lũy kế 04 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đã thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 03 đơn vị thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng; thoái vốn tại 09 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị là 234,1 tỷ đồng, thu về 2.081,3 tỷ đồng.

Đối với công tác bàn giao vốn về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), lũy kế 4 tháng đầu năm, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu của 3 doanh nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Công ty cổ phần Du lịch và xúc tiến đầu tư, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vật tư thiết bị ngành in và Công ty cổ phần Phim Giải phóng) với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 218 tỷ đồng.

Trong 04 tháng đầu năm 2021, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 193 tỷ đồng. Số dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước năm 2021 là 40.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, về cơ chế chính sách, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách liên quan để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động này. Hiện nay, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn.

Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có công văn chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu.

Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc rà soát những vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại để có phương án xử lý; thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về SCIC theo quy định.

Người đứng đầu doanh nghiệp cần nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.