Đồng bộ các giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012 và những tháng đầu năm 2013.

Đồng bộ các giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế -  xã hội
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

11/15 chỉ tiêu năm 2012 đạt kế hoạch

Trình bày Báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, so với ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 có thêm 1 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Như vậy, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012 có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch. 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, trong đó: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) và tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP đạt thấp hơn, chỉ tiêu tạo việc làm đạt cao hơn còn tỷ lệ che phủ rừng không đổi so với dự báo đã báo cáo Quốc hội.

Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đồng thời trong nước phải thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là việc giảm mạnh tốc độ tăng tín dụng, thắt chặt chi tiêu NSNN, cắt giảm đầu tư công,… đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế. GDP năm 2012 tăng 5,03% so với năm 2011 (thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội là 5,2% và thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra là tăng 6-6,5%); trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, khu vực dịch vụ tăng 6,42%.

Tuy nhiên, nhờ thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp, chính sách kinh tế vĩ mô về tài chính, tiền tệ, cân đối cung - cầu hàng hóa, quản lý thị trường... nên giá cả thị trường trong năm 2012 cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2012 so với cùng kỳ năm trước tăng 6,81% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 8%), đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2012 là tăng dưới 10% và thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2010 và năm 2011

Chính phủ nhận định: Cân đối NSNN năm 2012 gặp nhiều khó khăn. Tổng thu cân đối NSNN năm 2012 đạt 743,19 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với dự toán (số đã báo cáo Quốc hội là đạt 741,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,14%) nhờ thu từ dầu thô tăng cao. Trong khi đó, thu nội địa chỉ đạt 94,5% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ đạt 83,1% dự toán. Tổng chi cân đối NSNN năm 2012 đạt 905,79 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% so với dự toán. Bội chi NSNN năm 2012 bằng 4,8% GDP, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Dư nợ công, dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài quốc gia tiếp tục nằm trong giới hạn an toàn cho phép.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, đó là: Nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô. Tình hình nợ xấu chậm được xử lý nên việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn; lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Cân đối NSNN gặp khó khăn do thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt thấp so với dự toán...

Điều hành linh hoạt chính sách tài khóa - tiền tệ

Chính phủ dự báo, những khó khăn, bất ổn định của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi và phát triển kinh tế của nước ta. Sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại trong một thời gian ngắn khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản nhiều, tồn kho vẫn ở mức cao.

Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế.

Về định hướng chính sách trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề; thách thức chính sách nổi lên là phải xử lý hài hòa và bảo đảm thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

Khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cần được tháo gỡ cùng với việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn vốn tín dụng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô để tăng niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào triển vọng đầu tư, kinh doanh.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo cần được tháo gỡ để từng bước phục hồi. Ngoài ra, khả năng hạn hán sắp tới rất lớn nên cần có các biện pháp hữu hiệu và kịp thời bảo đảm việc cung cấp nguồn điện trong mùa khô sắp tới. Nếu các khó khăn nêu trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn, Ủy ban Kinh tế  khuyến cáo.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp bổ sung cần tập trung thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2013 trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp dưới đây:

Thứ  nhất, thực hiện đồng bộ, thận trọng, linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, bảo đảm điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất và mở rộng thị trường; chú trọng công tác điều hành giá theo lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ công, tránh gây biến động mạnh chỉ số giá, góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng và tạo việc làm.

Thứ hai, rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, dừng thi công các dự án đầu tư xây dựng cơ bản để có điều chỉnh hợp lý, hạn chế gây ra sự mất cân đối trong việc thực hiện đồng bộ qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương. Ngoài những dự án buộc phải thực hiện cắt giảm theo chủ trương của Chính phủ, cần yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục chủ động rà soát để giảm việc đầu tư từ vốn nhà nước vào các dự án chưa thực sự cần thiết hoặc tính toán lại qui mô đầu tư để bảo đảm nguồn vốn nhà nước được sử dụng một cách hiệu quả.  

Thứ ba, thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách thu NSNN, tránh giảm thu quá lớn; đồng thời cần đánh giá lại cơ cấu thu NSNN. Triệt để tiết kiệm, không ban hành chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách. Cắt giảm mua sắm công, quyết tâm tinh giản biên chế, giảm gánh nặng cho NSNN. Xây dựng chế tài mạnh mẽ, gắn trách nhiệm của người quyết định đầu tư đối với chi đầu tư phát triển; bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn để phát huy hiệu quả của dự án đầu tư sau khi rà soát; đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế. Rà soát, xử lý các khoản nợ đọng, đặc biệt là nợ doanh nghiệp trong xây dựng cơ bản; hạn chế tối đa việc ứng vốn đầu tư, các công trình, dự án vốn không hoàn trả trong năm phải được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Kiểm soát chặt chẽ chi dự phòng và các khoản chuyển nguồn.

Thứ tư, tiếp tục cụ thể hóa và tập trung thực hiện những chủ trương, những mục tiêu đã được xác định trong đề án tổng thể về tái cơ cấu, hướng tới tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả, hợp lý và bền vững hơn.

Sớm ban hành Đề án tái cơ cấu đầu tư công gắn với cải cách thể chế, đổi mới phân cấp quản lý kinh tế, quản lý ngân sách nhằm thay đổi rõ rệt phương thức phân bổ nguồn lực công, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Hoàn thiện thể chế, quy định rõ trách nhiệm trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải công bố công khai, minh bạch thông tin như quy định đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Thứ năm, tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo một cách thực chất và bền vững...