Bảo hiểm xã hội Việt Nam:
Đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ mới
Bằng tinh thần quyết tâm cao độ, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang cuộc thực hiện nhiệm vụ năm 2022 đảm bảo hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Năm 2021, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn lớn, trong đó, đại dịch COVID-19 lần thứ tư đã tác động tiêu cực tới tất cả các mặt KT-XH, việc làm, thu nhập của người lao động. Bối cảnh đó đã đặt ra rất nhiều thách thức với ngành Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, bằng tinh thần quyết tâm cao độ, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, tạo nền tảng vững vàng trong năm 2022 sẵn sàng cán đích các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Năm 2022, được dự báo, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường; nguy cơ lan rộng, bùng phát của đại dịch vẫn còn hiện hữu; hoạt động của các trung tâm kinh tế, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; đời sống người lao động, người dân gặp khó khăn, đặc biệt là nhóm lao động phi chính thức, do tạm dừng việc, nghỉ việc, thậm chí mất việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của ngành khi thực hiện các chính sách an sinh…
Trước những dự báo đó, đòi hỏi ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phải có kế hoạch thích ứng linh hoạt, phù hợp; Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, sử dụng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong tình hình mới, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia.
Trong năm 2022, BHXH Việt Nam xác định, tập trung cao độ, nỗ lực cao nhất, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao; thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch (đảm bảo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). BHXH Việt Nam sẽ thường xuyên rà soát, xây dựng, kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị sửa đổi những điểm bất cập, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hỗ trợ kịp thời, tốt nhất cho công tác phòng chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với người yếu thế, người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch; thống nhất quan điểm chỉ đạo xuyên suốt "lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ".
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; chống tiêu cực, tham nhũng. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an toàn, tạo thuận lợi cho người dân giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông theo hướng đa dạng, linh hoạt, thiết thực, để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHTN, BHYT. Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên môi trường Internet, mạng xã hội; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN…
Trong năm 2022, BHXHVN cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT; rà soát các vướng mắc pháp luật liên quan đến quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và sớm đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các Nghị quyết của Trung ương, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của BHXH Việt Nam.
Tiếp tục mở rộng độ bao phủ, đẩy mạnh phát triển số người tham gia BHXH, BHTN, BHYT; giải quyết chế độ bảo hiểm chính xác, kịp thời, thuận tiện; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ người dân, khuyến khích giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và chi trả không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung, đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả chế độ, chính sách cho các đối tượng được thụ hưởng chế độ bảo hiểm, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT. Tập trung thu hồi các khoản chi sai mục đích, sai quy định, các khoản nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm.