Động lực mới cho đầu tàu kinh tế phía Nam
(Tài chính) Diện mạo và năng lực hạ tầng giao thông của vùng đầu tàu kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ được cải thiện đáng kể khi tuyến đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, quy mô 4 làn xe được đưa vào khai thác.
Thỏi nam châm hút đầu tư mới
Sau tròn 5 năm lội sình, bắc cầu vượt sông lớn để mở đường, ngày 8/2/2015, tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ tổ chức thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, có tổng mức đầu tư lên tới 997,67 triệu USD, bằng nguồn vốn vay OCR của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Là một trong những công trình hạ tầng kỹ thuật lớn và hiện đại nhất từng được xây dựng ở khu vực phía Nam, tuyến cao tốc dài 55 km, đạt tiêu chuẩn quốc tế này có điểm đầu tại nút giao An Phú (quận 9, TP.HCM) và kết thúc tại Ngã ba Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai), sau khi kết nối một loạt tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 51, Quốc lộ 1 và Cảng hàng không quốc tế Long Thành sắp được xây dựng.
“Dự án là sự cụ thể hóa nỗ lực và quyết tâm của ngành giao thông - vận tải nhằm từng bước hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông; đồng thời mở ra cơ hội phát triển nhanh hơn, bền vững hơn cho toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ mà hạt nhân là cạnh huyền của tam giác phát triển TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu”, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC đánh giá.
Cần phải nói thêm rằng, ngoại trừ 4 km đầu tuyến, đoạn An Phú - vành đai II, TP. Hồ Chí Minh quy mô 4 làn xe, rộng 26,5 m có tốc độ thiết kế 80 km/giờ; 51 km còn lại xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với hệ thống kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và được vận hành bởi hệ thống điều hành, kiểm soát giao thông thông minh (ITS), có thể cho phép các phương tiện giao thông lưu thông với vận tốc lên tới 120 km/giờ.
“Đây là tốc độ chạy xe tiêu chuẩn trên đường cao tốc tại các quốc gia phát triển”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam nhận xét.
Được lãnh đạo các địa phương trong vùng và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư mới, Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một trong số rất ít công trình hạ tầng hiếm hoi tại Việt Nam mang lại những lợi ích tức thì kể từ khi phân đoạn đầu tiên dài 20 km từ vành đai II, TP.HCM đến Quốc lộ 51 thông xe vào tháng 1/2014.
Xét về mặt vận doanh, kể từ ngày 8/2, hành trình TP.HCM đi Vũng Tàu trước đây dài khoảng 120 km, với thời gian lưu thông mất hơn 2 giờ 30 phút, được rút ngắn còn khoảng 95 km, với thời gian chạy xe chỉ còn hơn 1 giờ, nhờ do rút ngắn được quãng đường và chất lượng lưu thông được bảo đảm. Đối với cung đường từ TP.HCM - Dầu Giây (giao Quốc lộ 1 và hướng đi Liên Khương) cũng được rút ngắn từ 70 km xuống còn 50 km, với thời gian lưu thông giảm từ 3 giờ còn 1 giờ.
Thống kê của Hiệp hội Vận tải TP.HCM cho thấy, nếu tính cả chi phí nhiên liệu, cước phí đường bộ và hao mòn, sửa xe, bảo hiểm, thì lưu thông trên lộ trình Xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 51, doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 1,7 triệu đồng, trong khi lưu thông trên tuyến cao tốc chỉ là 1,1 triệu đồng, tức là doanh nghiệp tiết kiệm được 30% chi phí cho hoạt động kinh doanh - một con số mà các bác tài sẽ phải xoa tay hài lòng khi rút ví thanh toán.
Không chỉ các doanh nghiệp vận tải, mà cả các nhà đầu tư các khu đô thị, khu chế xuất đang triển khai dọc tuyến đường cao tốc cũng là những người cảm nhận rõ nhất tiện ích mà tuyến đường mang lại. Ngay cả siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư giai đoạn I lên tới 8 tỷ USD cũng trở nên có tính khả thi cao hơn, khi tuyến cao tốc chạy sát khu vực sân bay được hoàn thành.
Theo chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Hoàng Quân, tuyến cao tốc sẽ có tác dụng kích thích phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với khu vực quận 1 và quận 9.
“Tuyến cao tốc sẽ thay đổi khu vực chạy dọc hành lang tuyến đường, sẽ kích hoạt các trung tâm thương mại dọc hành lang Đông - Tây và làm thay đổi diện mạo của cả vùng phèn chua nước mặn hàng trăm năm thành khu đô thị mới của TP.HCM”, ông Lê Hoàng Quân đánh giá.
Chuyện chưa kể về dự án
Cho đến thời điểm này, khi những dòng xe xuôi ngược tấp nập trên tuyến đường cao tốc - nơi nhiều đoạn tuyến vẫn còn nồng mùi dầu nhựa mới thảm, thì ít người biết rằng, suýt chút nữa, dự án trọng điểm này đã rơi vào tình trạng “khởi động, tái khởi động” kéo dài cả chục năm giống như tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nếu như nó được trao cho một ngân hàng thương mại đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT).
Số phận của tuyến cao tốc được rẽ sang một hướng tích cực hơn khi vào cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trao công trình cho VEC sau khi nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đường cao tốc này cam kết sẽ huy động đủ vốn với chi phí hợp lý nhất.
Thực tế đã chứng minh, đây là quyết định đúng và trúng của Chính phủ bởi chỉ đúng một năm sau (2009), cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu lan rộng đã khiến việc huy động vốn thương mại cho một dự án hạ tầng với khối lượng hàng chục ngàn tỷ đồng trở nên bất khả thi.
“Khi tiếp nhận Dự án, chúng tôi luôn tâm niệm là sẽ phải xây dựng công trình với tiến độ nhanh nhất, giá thành hợp lý nhất”, ông Mai Tuấn Anh cho biết.
Được biết, không chỉ lo đủ vốn cho phần chính tuyến, khi đoạn từ An Phú đến vành đai II từng do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn, VEC đã nhanh chóng làm việc với các nhà tài trợ lo đủ vốn để có thể thông xe toàn bộ đoạn tuyến, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Trên thực tế, nếu lấy mốc từ khi công trình mới chỉ là những nét phác thảo ở bước Báo cáo nghiên cứu khả thi, các hiệp định vay vốn được ký, cho đến khi tuyến đường đã nên dáng nên hình, thì tổng thời gian chuẩn bị và triển khai chỉ vỏn vẹn 6 năm - một trong những kỷ lục của ngành xây dựng cầu đường Việt Nam.
Cần phải nói thêm rằng, mặc dù phải thi công trong điều kiện địa chất yếu, phức tạp, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, nhưng Dự án có ít nhất 4 gói thầu xây lắp thi công vượt tiến độ 6 tháng, trong đó, kỷ lục về tiến độ thuộc về Gói thầu xây lắp số 5A. Gói thầu này dù khởi công muộn (tháng 12/2013), nhưng đã xuất sắc hoàn thành vượt tiến độ tới 10 tháng.
Nếu như “điểm nhấn” tiến độ thuộc về Gói thầu 5A, thì điểm nhấn kỹ thuật tại công trình thuộc về cầu Long Thành vượt sông Đồng Nai, dài 2,35 km, có kết cấu dầm hộp đúc hẫng cân bằng, tĩnh không thông thuyền cao 30,5 m, thuộc loại lớn nhất tại Việt Nam. Với kiến trúc hiện đại, thanh mảnh, cầu Long Thành thực sự là công trình kiến trúc có tính thẩm mỹ rất cao tại vùng hạ lưu sông Đồng Nai.
Bên cạnh đó, việc VEC chủ động yêu cầu tư vấn điều chỉnh kết cấu cầu Long Thành từ kết cấu cầu dây văng sang sử dụng kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đã làm giảm chi phí xây dựng so với phương án dự kiến ban đầu khoảng 2 ngàn tỷ đồng, góp phần tăng thêm tính khả thi tài chính cho Dự án.
Với việc kiểm soát tốt chi phí đầu tư, duy trì suất đầu tư ở mức hợp lý, VEC sẽ gặp nhiều thuận lợi khi tiến hành cổ phần hóa tuyến cao tốc này, để có thể có thêm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng được tối thiểu 2.000 km đường cao tốc mà Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng giao phó.
Bên cạnh đó, sau 3 năm đưa vào khai thác tuyến cao tốc đầu tiên là cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 km, đến nay, việc hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào khai thác lên con số 350 km, với hơn 27,8 triệu lượt phương tiện lưu thông an toàn.
Tạo dựng nét văn hóa giao thông
Mặc dù không phải là tuyến đường bộ đầu tiên thu phí, nhưng chỉ ít ngày sau khi vận hành, Công ty Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) thuộc VEC đã tạo nên một nét văn hóa giao thông mới tại tuyến cao tốc có mật độ phương tiện qua lại rất lớn này.
Ngay từ khi đưa vào khai thác 20 km đầu tiên vào tháng 1/2014, VECE đã triển khai thực hiện Chương trình Xây dựng văn hóa giao thông trên đường cao tốc theo chương trình của Bộ Giao thông - Vận tải phát động, gồm “bốn xin”: “xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và “bốn luôn”: “luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ”.
Ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc VECE cho biết, ngay từ khi tuyển dụng nhân viên vào làm việc, Công ty đã tổ chức đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ trong thời gian ít nhất một tháng trước khi nhận việc chính thức. Ngoài ra, định kỳ 3 tháng/lần, đơn vị tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các nhân viên vận hành, bảo trì và thu phí để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý khai thác.
Ngoài ra, Công ty còn xây dựng và phát hành “Cẩm nang nhân viên vận hành - bảo trì”, “Cẩm nang nhân viên thu phí” để hướng nhân viên luôn có ý thức trách nhiệm cao, không ngừng học hỏi nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của mình. Đây là lý do, VEC nhận được rất nhiều nụ cười hài lòng của lái xe vận hành hơn 5 triệu lượt xe từng qua lại các trạm thu phí trên tuyến đường.
“Không chỉ nở nụ cười với khách, đơn vị còn mời các chuyên gia tới hướng dẫn nhân viên thu phí về nghệ thuật giao tiếp và trang điểm. Đó được xem như một nét nghệ thuật riêng nhằm tô điểm thêm cho nụ cười của các nhân viên vì sự hài lòng của chủ phương tiện trong công việc hàng ngày”, ông Tân cho biết.