Lc đy mi

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, 5 tháng đầu năm 2013, cảnước chỉ sắp xếp được 16 DN, trong đó cổ phần hóa 10 DN, còn lại là sáp nhập, hợp nhất và thành lập mới. Tiến độ CPH DNNN vẫn diễn ra chậm chạp, chưa đạt kế hoạch. Một trong những nguyên nhân của sự chậm chạp này là không ít DN sau khi xử lý tài chính và xác định lại giá trị DN theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP thì giá trị thực tế của DN thấp hơn các khoản nợ phải trả.

Qua hơn 6 năm hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN, DATC đã sử dụng hiệu quả, quay vòng nhanh số vốn được cấp ban đầu là 2.000 tỷ đồng để xử lý hơn 8.000 tỷ đồng nợ xấu cho nền kinh tế và hiện đang thực hiện đàm phán xử lý khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu…

Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư hướng dẫn tái cơ cấu DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Đây cũng chính là thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là cần ưu tiên xây dựng, ban hành cơ chế nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện phương án tái cơ cấu DNNN.

Nhận xét về những điểm mới được quy định tại dự thảo Thông tư hướng dẫn, ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp và phát triển DN, Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho rằng: Đây sẽ là lực đẩy mới cho tiến trình CPH, tái cơ cấu DNNN diễn ra nhanh hơn khi những khó khăn, vướng mắc được giải quyết.

Cũng theo ông Long, thực ra với những trường hợp DN sau khi xử lý tài chính và xác định lại giá trị DN theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP, mà giá trị thực tế của DN thấp hơn các khoản nợ phải trả của DN, đã được ban chỉ đạo CPH, cũng như các đơn vị liên quan xử lý. Tuy nhiên, cách giải quyết ở mỗi bộ, tập đoàn, tổng công ty không giống nhau, nên Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Thông tư, nhằm thống nhất quy trình, thủ tục trong quá trình thực hiện.

…T DATC

Thực tế, trong những năm qua, khi xác định giá trị DN để thực hiện CPH công ty 100% vốn nhà nước thì xuất hiện nhiều DN có giá trị thực tế thấp hơn các khoản nợ phải trả. Nguyên nhân do các DN này đều đang trong tình trạng hoạt động yếu kém trong nhiều năm, kinh doanh thua lỗ dẫn đến mất hoặc và làm âm vốn nhà nước tại DN dẫn đến không thể thực hiện CPH được. Do vậy, giải pháp cho thực trạng này được đưa ra là thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu, DN tái cơ cấu với DATC hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu. Trong đó, “tăng lực” cho DATC bằng việc được quyền chủ động đàm phán mua nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu DN.

Theo ông Phạm Thanh Quang – Tổng giám đốc DATC: Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu các DN loại này, DATC gặp không ít khó khăn do phải đạt được sự đồng thuận của tất cả chủ nợ đối với phương án tái cơ cấu DN. Điều này khiến DATC mất nhiều thời gian làm thủ tục phê duyệt đề án trước khi tiến hành tái cơ cấu. Ngoài ra, thành phần ban chỉ đạo CPH không có cán bộ của DATC nên không thể bám sát được tiến độ thực hiện phương án. Với dự thảo Thông tư hướng dẫn đã mở hơn cho DATC được quyền chủ động đàm phán mua nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu DN phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, DATC được cử cán bộ tham gia vào ban chỉ đạo CPH và tổ giúp việc để triển khai phương án tái cơ cấu. Việc quy định như này sẽ đẩy nhanh được tiến độ thực hiện tái cơ cấu các DN có giá trị thực tế thấp hơn các khoản nợ phải trả.

Năm 2013, DATC phấn đấu đạt khoảng 500 – 550 tỷ đồng doanh thu, trong đó, doanh thu từ hoạt động mua bán nợ phấn đấu đạt khoảng 270 tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động tài chính và doanh thu khác phấn đấu đạt khoảng 220 - 230 tỷ đồng.

Cũng theo ông Phạm Thanh Quang, một điểm tăng thêm lực cho DATC là được chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo tỷ lệ 1:1, đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của DNNN được tái cơ cấu, DATC, các chủ nợ cũng như cơ  quan có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Sau khi xác định giá trị DN thì thường âm vốn chủ sở hữu, vốn nhà nước không còn, giá trị DN nhỏ hơn không, nên dự thảo quy định tỷ lệ chuyển nợ thành vốn góp của DATC là 1:1 đã khẳng định giá trị, uy tín, sự thành công của Phương án tái cơ cấu DN khi DATC tham gia tái cơ cấu, góp vốn vào DN.

Bên cạnh đó, với số cổ phần không bán hết, Bộ Tài chính đưa ra hướng xử lý là, ban chỉ đạo CPH báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu/CPH xem xét, quyết định bán cổ phần cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá và các nhà đầu tư khác theo thỏa thuận, với mức giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất. Trường hợp vẫn không bán hết, thì ban chỉ đạo CPH xem xét, quyết định chào bán cho DATC và các chủ nợ theo nguyên tắc chuyển nợ thành vốn góp. Nếu DATC và các chủ nợ không mua hết số cổ phần chào bán, thì ban chỉ đạo CPH báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu thực hiện điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ, để chuyển DN thành công ty cổ phần trước khi tổ chức đại hội cổ đông lần đầu.

Với giải pháp xử lý nợ gắn với tái cơ cấu các DN loại này sẽ giúp các DN có cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, thoát khỏi tình trạng phá sản hoặc đình trệ trong hoạt động kinh doanh. Mặt khác, tránh được việc hàng chục ngàn lao động mất việc làm, ngân sách nhà nước không phải mất kinh phí xử lý lao động dôi dư và trợ cấp mất việc làm, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và góp phần ổn định tình hình kinh tế - chính trị tại các địa phương. Đồng thời, góp phần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN do còn vướng các DN loại này.

Dự thảo còn quy định chi tiết trách nhiệm của DN tái cơ cấu, DATC, các chủ nợ cũng như cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, nên khi quy định mới có hiệu lực, sẽ thúc đẩy quá trình CPH diễn ra hiệu quả và nhanh hơn.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 8 - 2013

Động lực mới từ DATC

PV.

(Tài chính) Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước chuyển thành công ty cổ phần. Theo đó, sẽ “tăng lực” cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) trong việc đàm phán mua nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu những DN có giá trị thực tế thấp hơn các khoản nợ phải trả. Đây là giải pháp mới đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa (CPH).

Xem thêm

Video nổi bật