Đông Nam Á sẽ vẫn là điểm sáng bất chấp bối cảnh toàn cầu xấu đi

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Triển vọng kinh tế Đông Nam Á được đánh giá cao bởi các nền kinh tế khu vực này có cấu trúc kinh tế đa dạng và tránh được nhiều cú sốc mà châu Âu hay Mỹ đang đương đầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Châu Á, đặc biệt Đông Nam Á, sẽ vẫn là điểm sáng ngay cả khi mà kinh tế toàn cầu dường như có thể suy thoái trong năm sau, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế.

Theo IMF công bố mới đây, sự phục hồi của các nền kinh tế châu Á vào đầu năm nay đã mất đà do ba yếu tố quan trọng: lãi suất leo thang, căng thẳng Nga – Ukraine và tác động từ chính sách không COVID-19 làm cho hoạt động kinh tế Trung Quốc suy giảm.

Tuy nhiên, IMF cũng khẳng định rằng bất chấp những yếu tố trên, châu Á sẽ vẫn là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày một ảm đạm.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ước tính 4% trong năm nay và 4,3% trong năm 2023, cả hai mức tăng trưởng này đều dưới ngưỡng trung bình 5,5% trong 2 thập kỷ vừa qua.

Dù vậy, mức tăng trưởng này vẫn cao hơn nhiều so với tại châu Âu và Mỹ. IMF dự báo kinh tế châu Âu tăng trưởng 3,1% trong năm 2022 và 0,5% trong năm 2023 còn với Mỹ, con số này lần lượt là 1,6% với năm 2022 và 1% cho năm 2023.

Nhìn chung, định hướng tăng trưởng của kinh tế châu Á sẽ khác biệt so với nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới như châu Âu bởi châu Á có khả năng tránh được những khó khăn mà bản thân châu Âu đang đương đầu.

“Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ vẫn còn dư địa cho các chính sách hướng đến tăng trưởng trong khu vực, chính sách này vốn khác biệt với nhiều khu vực khác trên thế giới nơi mà lạm phát cao đang buộc ngân hàng trung ương các nước buộc phải siết chặt các điều kiện tài chính”, ông Wang nói.

Việt Nam đang mở rộng hoạt động và trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng đa dạng hóa. Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giữ vững đà tăng trưởng mạnh. Cùng lúc đó, kinh tế Philippines, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ nhiều khả năng tăng trưởng từ 4% đến 6%.

 

Du lịch tại Campuchia và Thái Lan được dự báo sẽ tăng trưởng tốt, IMF nhấn mạnh.

Cho đến nay, xuất khẩu từ các nước ASEAn-6 bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã tăng trưởng cao vượt bậc so với Bắc Á và phần còn lại của khu vực, theo phân tích của ngân hàng DBS. Giá hàng hóa cao và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã gây khó cho nhiều nước ví như Indonesia.

Cũng theo chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng DBS, ông Chua Han Teng và bà Daisy Sharma, các chỉ số của ngành sản xuất tại Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều ở trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 9/2022.

Tuy nhiên, triển vọng của các thị trường mới nổi châu Á ví như Sri Lanka và Bangladesh vẫn khá u ám, theo IMF nhấn mạnh.

Sri Lanka hiện vẫn đang trải qua khủng hoảng kinh tế trong khi đó tại Bangladesh, căng thẳng Nga – Ukraine và giá hàng hóa cao đã gây tổn hại đến quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19.

Còn với Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ hồi phục trong năm nay và có thể tăng trưởng 3,2% trong năm 2022 sau đó tăng tốc lên mức 4,4% trong năm 2023 với điều kiện chính sách không COVID-19 được nới lỏng dần dần, IMF nhận định.

Tuy nhiên, quỹ Fidelity thận trọng cho rằng hiện đang có quá nhiều yếu tố bất ổn với Trung Quốc. Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 20 đã khởi động, sẽ có thêm thông điệp chính sách rõ ràng được đưa ra, cùng lúc đó, đồng nhân dân tệ có thể chật vật khi đồng USD mạnh lên.