Đồng ruble mạnh lên có là điều đáng mừng với Nga?
(Tài chính) Nền kinh tế Nga đang tiệm cận tình trạng “chết lâm sàng”, nhất là khi đồng ruble đang tạo ra ảo giác về một sự phục hồi, khi nó trở thành đồng tiền mạnh lên nhanh nhất trên thế giới kể từ đầu năm đến nay.
Tờ Độc lập của Nga số ra mới đây cho rằng Nga khó lòng giữ được giá trị đồng ruble mạnh như hiện nay. Trong quý I.2015 vừa qua, đồng nội tệ Nga trụ vững và mạnh lên 15% so với đồng USD. Riêng trong thời gian một tuần qua, đồng ruble tăng 7% so với đồng USD. Tuy nhiên, dường như đồng ruble lại đang tạo ra ảo giác về sự ổn định.
Thực tế cho thấy hôm 10.4 vừa qua, đồng ruble đã lập tức rớt giá ngay sau khi Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất trong các cuộc đấu giá ngoại tệ. Tóm lại, theo danh từ chuyên môn của các nhà kinh tế, một nền kinh tế với các biểu hiện: đồng vốn đầu tư bị rút đi ồ ạt, thu nhập giảm và nhu cầu chuyển đổi sang tích trữ bằng ngoại tệ, chính là các biểu hiện của một nền kinh tế èo uột, “chết lâm sàng”.
Cuối tuần trước, đồng ruble mất giá 0,5% so với đồng USD và đây là lần mất giá đầu tiên sau ba tháng tạm thời ổn định. Tuy nhiên, theo ghi nhận của hãng tin Reuters, nếu tính cả ngày 10.4 vừa qua khi đồng ruble có suy giảm đôi chút, thì tốc độ mạnh lên của đồng tiền này so với đồng USD cũng đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 1998.
Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết: Căn cứ vào tất cả những kỳ vọng và dự báo, thì chúng tôi, cũng như các nhà phân tích hay giới chuyên gia đều thấy rằng vào cuối năm ngoái đồng ruble Nga đã chạm đáy, và lúc này đây, rõ ràng nếu nói về những rủi ro liên quan tới sự lên xuống của đồng ruble, thì có vẻ như chúng ta đang quá phóng đại thực trạng và khó khăn của nền kinh tế.
Theo ông Ulyukayev, suy thoái kinh tế trong năm nay sẽ không kéo dài quá ba quý, và sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga sẽ trở lại vào cuối năm 2015. Ông khẳng định: “Kể từ quý IV năm nay và quý đầu tiên của năm tiếp theo có thể dần dần đạt được sự tăng trưởng tích cực. Trong năm 2016, chúng tôi dự báo tăng trưởng đạt 2 - 3%, kể cả nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn được duy trì”.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng lạc quan tương tự ông Ulyukayev. Ông Medvedev khi trả lời phỏng vấn các phương triện truyền thông tại Thái Lan (trong khuôn khổ chuyến thăm nước này hồi tuần qua) đã cho rằng: “Tại thời điểm hiện nay, sự mất giá của đồng ruble đã chấm dứt, ngược lại - đồng tiền này đang dần ổn định”.
Tuy nhiên, dường như người ta đang cho rằng có sự giật dây đối với tỷ giá đồng ruble từ phía Ngân hàng Trung ương Nga, lợi dụng khi xuất hiện những dấu hiệu phục hồi kinh tế?
Quả thật, xu thế mạnh lên của đồng ruble có thể thay đổi chỉ trong chớp mắt. Ngân hàng Trung ương Nga giải thích khi quyết định ngày 13.4 tăng lãi suất tại các cuộc bán đấu giá ngoại tệ, họ đã tính đến những thay đổi cục diện thị trường tiền tệ.
Hiện, các mức lãi suất tối thiểu về đấu giá REPO bằng ngoại tệ là bằng với đấu giá LIBOR bằng tiền tương ứng và thời gian so sánh, tăng 1,5 điểm phần trăm trong thời gian 28 ngày và 1,75 điểm phần trăm trong thời hạn 12 tháng.
Trang Bloomberg cũng ghi nhận: “Đồng ruble ở thời điểm năm ngoái được cho là đồng tiền mất giá mạnh nhất thế giới, thì chỉ trong ba tháng đầu năm nay lại quay ngược, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất, và mặc dù nó có lợi trong việc tăng cường giá trị các trái phiếu Chính phủ và lãi suất, song nó cũng dẫn đến giảm nguồn thu từ xuất khẩu của Nga”.
Bloomberg cũng dẫn lời Giám đốc phân tích thị trường tài chính “Alfa Capital”, ông Vladimir Bragin, cho biết: “Tỷ giá hối đoái hiện nay không còn đem lại lợi nhuận cho ngân sách Nga, nếu tính đến nguồn thu bằng đồng ruble từ việc Nga xuất khẩu dầu thô. Để đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô, Nga là phải hạn chế thâm hụt ngân sách và duy trì một đồng ruble yếu, chứ không phải mạnh lên như hiện nay”.
Nhà phân tích Morgan Stanley cho rằng: với giá dầu ở mức 56USD/thùng, tỷ giá đồng ruble so với đồng USD nên được giữ trong khoảng 60ruble/1USD. Chính bởi vậy, việc đồng ruble mạnh lên chưa chắc đã là điều đáng mừng đối với nền kinh tế Nga.
Cuối cùng, các nhà kinh tế nhấn mạnh, việc đồng ruble mạnh lên chỉ là một yếu tố nhất định, các chỉ số chính, động cơ của nền kinh tế vẫn là nguồn vốn đầu tư, và nếu nguồn vốn đầu tư mất đi, cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ sụp đổ.
Nguồn vốn đầu tư đã bị ồ ạt rút khỏi Nga trong năm qua, và chưa thấy dấu hiệu khởi sắc mới chính là điều đáng bàn. Đừng tưởng rằng đồng nội tệ mạnh lên, nghĩa là kinh tế phát triển.