Động thái CPI những tháng đầu năm

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Giá cả luôn biến động lên - xuống. Hiện tượng giảm giá hàng trên thị trường luôn có nguyên nhân từ phía cung và phía cầu, phản ánh tính hai mặt tích cực và tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội.

Động thái CPI những tháng đầu năm
Những tháng đầu năm, chỉ số CPI của cả nước có đặc điểm nổi bật chung là mức tăng không cao như một số năm trước. Nguồn: internet
Ý nghĩa bất thường và tiêu cực của hiện tượng giảm giá đậm nét hơn khi có nguyên nhân chủ yếu từ sự suy giảm sức mua và hiện tượng bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh; cũng như do bị thị trường từ chối vì hàng kém chất lượng hoặc không phù hợp nhu cầu người tiêu dùng.

Việc giảm giá, nhất là làm tăng chênh lệch giá bán buôn và bán lẻ hàng nông sản do bị bắt chẹt, không có phương tiện vận chuyển, do các hoạt động chế biến, xúc tiến thương mại và phân phối, bán lẻ yếu kém không có lợi cho người sản xuất và nền kinh tế nói chung. Giảm giá hàng chỉ có ý nghĩa tích cực do tăng nguồn cung bền vững, chi phí kinh doanh giảm nhờ tăng năng suất, cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, tăng sản lượng, kho dự trữ và sức ép cạnh tranh lành mạnh; do phát triển hệ thống phân phối với nhiều tiện ích và sự mở rộng các đợt khuyến mại mục tiêu có lợi cho người tiêu dùng.

Những tháng đầu năm, chỉ số CPI của cả nước có đặc điểm nổi bật chung là mức tăng không cao như một số năm trước và có xu hướng giảm dần, đặc biệt, không hề xảy ra hiện tượng thiếu hàng, gây sốt giá. Thậm chí tại các đô thị lớn đều có xu hướng giảm giá, nhất là nhóm hàng rau xanh và một số hàng tiêu dùng thiết yếu mang tính thời vụ cao; giá gas trong nước đã giảm hai lần, khoảng 56.000 đồng/bình 12kg, so với đợt tăng giá trước tới 79.000 đồng/kg. Những động thái tăng và giảm giá gas này cùng chiều với mức giảm giá trên thị trường thế giới và là bình thường theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý nhà nước.

Sang tháng 2, giá cả một số mặt hàng thực phẩm có xu hướng tăng nhẹ trở lại, dù chỉ số CPI tăng 0,49% so tháng trước (mức tăng thấp nhất của tháng 2 so với tháng trước trong chuỗi 10 năm trở lại đây) và tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng có 10 nhóm hàng tăng, chỉ có nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm nhẹ (giảm 0,5%). Trong 10 nhóm hàng tăng, thì tăng cao nhất và cũng là nhóm hàng duy nhất tăng trên 1% là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 1,06%) do thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng.

Việc giảm giá sau Tết năm nay dù bất thường về xu hướng so với các tết trước, nhưng là bình thường về nguyên nhân, cả về phía cung và cầu, vì: việc giảm giá hiện nay ít nhiều phản ánh tổng cầu ít thay đổi trong dịp Tết, khiến sức mua thị trường còn yếu gắn với thực tế kinh tế còn khó khăn, thu nhập hạn chế, người dân vẫn còn giữ tâm lý chờ đợi và chi tiêu thận trọng. Hơn nữa, tâm lý mua sắm tích trữ đồ ăn ngày Tết đang giảm dần trong dân, nên không có nhiều sự đột biến cầu ngày Tết, kiểu no dồn đói góp như trước đây. Ngoài ra, việc tranh thủ tăng giá kiểu té nước theo mưa trước Tết cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc giảm giá hàng sau Tết, theo quy luật cung - cầu.

Mặt khác, việc giảm giá chủ yếu do lượng cung, công tác dự trữ và lưu thông phân phối hàng hóa thị trường thời gian Tết được cải thiện do sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền và các cấp, ngành, cũng như do sự năng động của doanh nghiệp. Đặc biệt, thời tiết nắng ấm, thuận lợi cho sản xuất và lưu thông rau xanh, cùng với việc hệ thống siêu thị, chợ dân sinh ngày càng phát triển về lượng, mở rộng quy mô và chi nhánh, chuỗi điểm bán hàng, mở cửa hoạt động sớm, cạnh tranh và khuyến mại cao hơn, góp phần bảo đảm nguồn cung dồi dào, thuận lợi, có và cơ hội mặc cả, giảm giá nhiều hơn cho người mua.

Ngoài ra, việc giảm giá nêu trên năm nay còn có nguyên nhân một phần từ sự sụt giảm sản xuất công nghiệp. Theo quy luật hàng năm, sản xuất công nghiệp vào tháng có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đều giảm so tháng trước. Năm 2014, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng hai bằng 80,8% so tháng trước và tăng 7,6% so cùng kỳ năm trước. Đồng thời, sức mua tháng 2 giảm so với tháng 1 cũng là nguyên nhân làm CPI tăng thấp. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tháng hai dự kiến đạt 138.940 tỷ đồng, bằng 96,4% so tháng trước và tăng 11,4% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 32.370 tỷ đồng, bằng 96,9% so tháng trước và tăng 10,4% so cùng kỳ. Ước tính 2 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 283.018 tỷ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ tăng 9,4%.

Vì vậy, những tháng đầu năm, chỉ số CPI dù động thái có dấu hiệu bất thường, song không đáng ngại quá mức, mà còn là bằng chứng về thành công trong kiềm chế CPI theo mục tiêu Chính phủ đặt ra. Song, áp lực CPI cả năm sẽ còn khá cao, nhất là những tháng cuối năm.