Đồng tiền số của Trung Quốc sẽ được phát hành như thế nào?
Sau hai tháng kể từ khi Facebook công bố kế hoạch phát hành tiền mật mã Libra, mới đây Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) cho biết sắp sửa phát hành đồng tiền số riêng.
Cũng cần biết rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã chứng kiến cuộc cách mạng thanh toán không dùng tiền mặt trong 5 năm trở lại đây, do đó đồng tiền số nếu ra đời sẽ dễ dàng được chấp nhận tại quốc gia này.
Việc Facebook thúc đẩy kế hoạch ra mắt đồng Libra đã gây lo ngại cho các ngân hàng trung ương toàn cầu, PBoC cũng không ngoại lệ khi cơ quan này cho rằng tài sản kỹ thuật số phải được đặt dưới sự quản lý của ngân hàng trung ương để ngăn ngừa rủi ro ngoại hối và bảo vệ chính sách tiền tệ của chính quyền. Trung Quốc hiện vẫn cấm các công ty huy động vốn thông qua phát hành tiền mật mã và cấm các sàn giao dịch tiền số hoạt động.
Tiền số của PBoC nếu được phát hành, sẽ cho phép Bắc Kinh thêm quyền kiểm soát hệ thống tài chính. Theo các ứng dụng được đăng ký, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ tải một ví điện tử và đổi nhân dân tệ lấy tiền số. Tuy nhiên, các bản đánh giá cũng cho thấy thiết kế loại tiền kỹ thuật số của PBoC sẽ không hoàn toàn giống với các loại tiền mật mã phổ biến hiện nay.
Mu Changchun - Phó giám đốc bộ phận thanh toán của PBoC chia sẻ, nỗ lực phát hành tiền số của PBoC sẽ rất hữu ích trong việc kiềm chế nhu cầu của cộng đồng đối với tiền điện tử và củng cố đồng tiền có chủ quyền.
Do đó, khác xa với việc mô phỏng phi tập trung của đồng Ether và Bitcoin, ông nhấn mạnh việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số của PBoC sẽ tuân theo mô hình quản lý tập trung. Hay nói cách khác, nó chỉ đơn thuần mang danh nghĩa là tiền số, còn bản chất nội tại là khác hẳn so với các đồng tiền mật mã hiện nay.
Đồng tiền số của PBoC có thể phát hành thông qua hệ thống hai cấp: cấp 1 là ngân hàng trung ương chỉ phát hành đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cho các ngân hàng thương mại, sau đó các ngân hàng này sẽ phát hành thêm cho công chúng.
Tuy nhiên, PBoC không nói chi tiết về cách người dùng sẽ tương tác với cơ chế được đề xuất này như thế nào, hoặc đồng tiền số của PBoC có sử dụng công nghệ sổ cái phân tán (blockchain) hay không. Chưa rõ khi nào PBoC có kế hoạch tung ra bản thử nghiệm hoặc khi ra mắt, liệu nó sẽ là tùy chọn hay bắt buộc đối với người dân Trung Quốc.
Đối với việc ứng dụng các tính năng của blockchain để xác minh giao dịch, ông Mu cho biết, lúc đầu phòng nghiên cứu xây dựng một nguyên mẫu trên cơ sở hạ tầng blockchain, nhưng sau đó gặp phải vấn đề về khả năng mở rộng. Ông nói: “Vì chúng tôi sẽ sử dụng tiền tệ kỹ thuật số để thay thế tiền mặt, do đó để đạt được sự chấp nhận ở cấp độ bán lẻ, vấn đề đầu tiên không thể bỏ qua là nhu cầu đối với các giao dịch khối lượng lớn”.
Ông Mu đã đưa ra ví dụ về việc mua sắm phổ biến trong giới trẻ ở Trung Quốc để chỉ ra rằng blockchain không phù hợp để áp dụng đại trà.
Ông nói: “Mạng lưới thanh toán của chúng tôi ghi nhận doanh số bán hàng trong ngày lễ độc thân (Single Day) lúc cao điểm đã xử lý 92.771 giao dịch mỗi giây, lớn hơn nhiều khi so sánh với Bitcoin và Ethereum xử lý lần lượt 7 và 10 đến 20 giao dịch mỗi giây. Đồng Libra của Facebook cũng chỉ có thể xử lý 1.000 giao dịch mỗi giây. Đối với một đất nước lớn như Trung Quốc, không thể đạt được khả năng mở rộng xử lý giao dịch bằng cách hoàn toàn dựa vào blockchain. Do đó, chúng tôi đã quyết định duy trì công nghệ trung lập và không nhất thiết phải dựa vào một công nghệ cố định”.
Điều này đồng nghĩa với đồng tiền số của PBoC cũng sẽ tuân theo mô hình quản lý tập trung, trái ngược với các đồng tiền mật mã hiện nay, mà theo ông Mu là nhằm ngăn chặn việc phát hành quá mức, và để đảm bảo vị trí quản lý của PBoC.