Dòng vốn đang thay đổi tích cực

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, dòng vốn đã tập trung cho sản xuất thực, đó là lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị gia tăng “thực” cho xã hội chứ những giá trị “ảo” được hình thành bởi những vòng quay trên thị trường tài chính hoặc môi trường đầu cơ đã không còn chiếm tỷ lệ lớn như những năm trước đây.

Dòng vốn đang thay đổi tích cực - Ảnh 1
Ông Tô Duy Lâm
Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ với phóng viên cách nhìn mới hơn về tăng trưởng tín dụng.

Phóng viên: Nhiều ý kiến nhận định rằng tăng trưởng tín dụng thời gian qua thấp hơn so với giai đoạn 2008-2010, quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Tô Duy Lâm: Đúng là tín dụng cho vay mặc dù có tăng trưởng nhưng tốc độ không bằng giai đoạn thời kỳ tăng trưởng “nóng”, nhưng nền kinh tế vẫn đạt được mức tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nếu đánh giá vấn đề bằng cách chỉ nhìn vào con số một cách “cơ học” thì không thể nói là tiêu cực.

Có thể phân tích thêm thế này: Tăng trưởng GDP năm 2012 của cả nước đạt 5,03% so với năm 2011, nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm nay đã đạt mức tăng trưởng 5,14% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, sự phục hồi kinh tế đã có dấu hiệu rõ nét dần như TP. Hồ Chí Minh tăng đều qua các tháng: quý I tăng 7,6%, quý II tăng 8,1%, quý III tăng 10,3%, thể hiện nền kinh tế đang sử dụng nguồn vốn đi vào mục tiêu hiệu quả.

Nói như vậy không có nghĩa tăng trưởng kinh tế không cần đến sự tăng trưởng về vốn mà quan trọng nhất là, qua các con số thống kê cho thấy, nền kinh tế đang có những chuyển biến đáng kể trong quá trình khai thác và sử dụng vốn. Dòng vốn đã tập trung cho sản xuất thực, đó là lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị gia tăng “thực” cho xã hội chứ những giá trị “ảo” được hình thành bởi những vòng quay trên thị trường tài chính hoặc môi trường đầu cơ đã không còn chiếm tỷ lệ lớn như những năm trước đây.

Từ những tín hiệu về hiệu quả sử dụng vốn đang xuất hiện, nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp (DN) nói riêng đang tận dụng “khoảng lặng” khó khăn nhưng cũng là thời cơ để thực hiện quá trình tái cấu trúc, cải tổ một cách sâu sắc, căn bản trong quản trị và định hướng kinh doanh. Điều này thể hiện rõ nét trong hai năm gần đây, DN đã hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính rất nhiều so với thời kỳ tăng trưởng tín dụng “nóng” năm 2008. Hiện nay, tỷ lệ nợ trên vốn đã có sự thay đổi tại nhiều DN, tập đoàn và ngày càng mang tính phổ biến.

Khi DN sử dụng vốn tự có hiệu quả vào sản xuất kinh doanh và tập trung cho lĩnh vực cốt lõi nên tự điều tiết giảm nhu cầu vay vốn ngân hàng cho những mục đích đầu tư tài chính, đầu cơ bất động sản, chứng khoán…, vì vậy, thị trường cảm giác tín dụng cho vay ra không nhiều.

Thế nhưng, trong các chỉ số chúng tôi thống kê trên tổng phương tiện thanh toán trong 9 tháng đầu năm 2013 có các tính toán về dòng tiền luân chuyển trên hệ thống và ngoài xã hội cho thấy nguồn vốn tín dụng đưa vào sản xuất từ đầu năm đến nay cao hơn rất nhiều giai đoạn trước.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ước tăng 5,2% so với cuối năm 2012, đã góp thêm lượng vốn ngoài xã hội hơn 40.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng khối DN tư nhân chiếm 50% lượng vốn bổ sung thêm cho thấy tín dụng đang đi vào chất lượng sử dụng và phát huy hiệu quả.

Cũng phải nhấn mạnh đến vai trò của chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước điều tiết qua các công cụ lãi suất, định hướng ưu tiên cho các lĩnh vực ngành nghề có nguồn lực tại chỗ, tiềm năng nội lực sẵn có đã hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, trong 2 năm qua, đã tạo ra sự luân chuyển vòng quay vốn tăng thêm cho nền kinh tế.

Chuyển biến này cũng phản ánh đúng với bản chất tín dụng ngân hàng chỉ giữ vai trò cung ứng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, các hoạt động đầu tư dài hạn có thể tìm vốn trên thị trường vốn như cổ phiếu; trái phiếu. Theo đó, làm tăng thêm nguồn vốn dài hạn, tạo ra nền tảng tài chính ổn định và vững chắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà không quá phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng trong phương án tài chính của từng DN.

Theo ông làm cách nào để giữ được mức độ tăng trưởng tín dụng bền vững, nhưng vẫn đảm bảo kích thích tăng trưởng kinh tế?

Về mặt lý luận, tăng trưởng kinh tế kéo theo nhu cầu vốn tăng sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng. Với những nền kinh tế mới nổi, đều gặp phải vấn đề khi kinh tế tăng trưởng cao sẽ hút vốn làm tăng trưởng tín dụng nóng và hệ quả gây ra là phát sinh chỉ số lạm phát cao cùng những bất ổn vĩ mô. Rất khó để giãn hoặc làm lệch pha giữa chu kỳ tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng tín dụng ra hai thời điểm khác nhau để không tạo ra lạm phát cao.

Kinh tế kinh điển đã chỉ ra rằng tất cả xã hội đang hăng hái làm ăn, ngân hàng rất dễ bị cuốn theo bằng cách cho vay nhiều, lợi nhuận cao và đến khi chu kỳ xuống dốc, hệ quả đối với hệ thống tài chính là nợ xấu và nhiều rủi ro khác.

Thực tế vốn tín dụng luôn giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay cơ chế chính sách tiền tệ đã định hướng tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, trong đó Chính phủ xác định và dành ưu tiên hàng đầu cho nông nghiệp nông thôn - một ngành kinh tế lớn và chủ lực tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế những năm qua.

Thực hiện chủ trương đó, Ngân hàng Nhà nước đã khuyến khích dồn vốn về nông thôn bằng việc giảm dự trữ bắt buộc đối với những ngân hàng có tỷ trọng cao cho vay nông nghiệp nông thôn, đồng thời khuyến khích khối DN tư nhân bằng cơ chế lãi suất thấp để các DN nhỏ lớn dần lên và đầu tư mạnh cho công nghiệp phụ trợ vốn là mảng còn yếu trong tổng thể nền kinh tế…

Theo tôi, để tín dụng tăng trưởng bền vững, kích thích tăng trưởng kinh tế, tiếp tục theo đuổi mục tiêu dồn vốn vào sản xuất kinh doanh và đáp ứng nhu cầu vốn an sinh xã hội, cần tiếp tục tăng trưởng tín dụng cho các hoạt động sản xuất-kinh doanh như: thu mua chế biến lúa gạo, thủy sản, phát triển nhà ở xã hội… để củng cố vững chắc nền tài chính cho những DN thuộc nhóm ngành, những phân khúc thị trường bất động sản phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, đặc biệt đẩy nhanh việc tăng cung nhà giá rẻ để giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giải quyết nhanh gọn các thủ tục để triển khai các dự án đầu tư công, tạo tiền đề tháo gỡ khó khăn tiêu thụ sản phẩm cho những ngành nghề sản xuất kinh doanh khác giải phóng vốn, tồn kho hàng hóa…

Ông có thể phân tích thêm về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản?

Đưa ra những nhóm ưu tiên để cấp tín dụng lãi suất ưu đãi không có nghĩa phân biệt đối xử với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác. Tôi cho rằng, cho vay bất động sản cũng cần phải được nhìn nhận đầy đủ hơn, không nên dị ứng với những khách hàng này và coi đây là nhóm đầu cơ.

Thực tế vay vốn Ngân hàng mua nhà để ở là một nhu cầu có thật trên thị trường, nhất là việc nhà ở các đô thị lớn càng cần phải phát triển và đáp ứng cho mọi thành phần xã hội. Hoạt động cho vay mua nhà để ở sẽ tạo ra một khả năng tăng trưởng tín dụng bền vững cho các tổ chức tín dụng và giải quyết an sinh xã hội. Khác với mấy năm trước đây, nhiều Ngân hàng rơi vào tình trạng cho vay bất động sản đầu cơ rủi ro rất lớn do giá căn hộ tăng “ảo” nhưng tín dụng tăng thật.

Hiện nay, tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản đã tìm được những sản phẩm, khách hàng và nhu cầu “thực”. Điển hình như hoạt động tín dụng cho vay đầu tư phát triển dự án hiện nay hướng đến mục tiêu tăng cung nhà ở thương mại giá thấp, nhà xã hội phục vụ cho nhu cầu mua nhà lãi suất 6%/năm trong gói 30.000 tỷ đồng đang thực hiện cũng tạo ra bền vững cho tín dụng.

Cần vững tin rằng, cho vay mua nhà để ở không quá lo nợ xấu vì các ngân hàng thương mại rất chặt chẽ trong mở rộng loại tín dụng này. Nếu người dân có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ hoặc thuê mua nhà để ở sẽ rất lớn. Riêng nhu cầu vay vốn để kinh doanh bất động sản thuần túy, cần có riêng một cơ chế chính sách, đi kèm với công cụ thuế để thúc đẩy thị trường bất động sản hàng hóa.

Ông dự báo tín dụng quý IV/2013 sẽ diễn biến như thế nào?

Kinh tế cả nước và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã có dấu hiệu phục hồi. Đây là nền tảng quan trọng cho dự báo hoạt động tín dụng 3 tháng cuối năm 2013 sẽ có tốc độ khá hơn thời gian đầu năm.

Do tính thời vụ sản xuất kinh doanh cuối năm là nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa Tết Nguyên đán nên, theo tôi biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã chủ động nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu tín dụng đột biến cuối năm. Trên cơ sở đó, nguồn tín dụng đã có đủ để triển khai cho vay chương trình bình ổn giá từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng, dành nguồn vốn cho các gói tín dụng ưu đãi như: kích cầu đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Mặt khác, dòng vốn trong nền kinh tế đang xuất hiện những dấu hiệu tích cực: trong 3 tháng gần đây, lượng tiền gửi trên địa bàn đã tăng trưởng liên tục, sau khi giảm và tăng chậm trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013. Tiền gửi của tổ chức kinh tế 9 tháng đầu năm 2013 tăng 9,75%, trong khi cùng thời gian này năm 2012 tăng 1,6%. Diễn biến này phản ánh nguồn vốn trong nền kinh tế tăng, có thể do đầu tư công vào các dự án trọng điểm tăng, một phần dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng cường triển khai và vốn DN tăng…

Trên cơ sở đó tôi cho rằng, tín dụng năm 2013 ở TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng quanh mức 10%. Tuy nhiên cũng cần cẩn trọng vì, đến nay, lượng lúa gạo, thủy sản hàng hóa ở các tỉnh Đồng bằng ­sông Cửu Long không còn tích trữ lớn, trong khi đó, sức mua ở các đô thị chưa tạo ra động lực mạnh.

Xin cảm ơn ông!