Dòng vốn ngoại bám trụ thị trường

Theo anninhthudo.vn

(Tài chính) Theo đánh giá của ông Ong SengYeow - Giám đốc Nghiên cứu Phân tích toàn cầu Tập đoàn Maybank Kim Eng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở nên ngày càng hấp dẫn dưới góc nhìn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

 Dòng vốn ngoại bám trụ thị trường
Tín hiệu tích cực từ dòng vốn ngoại cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường. Nguồn: internet
Tăng trưởng dương

Nhìn nhận về sự chuyển dịch dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2013, ông Ong SengYeow chỉ ra rằng: “Khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra thông tin thu hẹp các gói hỗ trợ đã làm dấy lên những lo ngại về việc rút lui của các quỹ đầu tư tại các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, dòng vốn có xu hướng bán ròng vào khoảng giữa năm nhưng sau đó ổn định và có xu hướng mua ròng trong những tháng cuối năm. Dòng vốn vào Việt Nam năm 2013 vẫn tăng trưởng dương khoảng 54% so với năm 2012. Lượng tài sản đầu tư vào các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng 25% thông qua các quỹ ETF”.

Lý giải nguyên nhân dòng vốn ngoại tiếp tục bám trụ thị trường Việt Nam, ông SengYeow nói: “Trong năm 2013 Vn-Index đã có được mức tăng trưởng tới 22%, HNX-Index tăng trên 13% so với cuối năm 2012. Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là 1 trong những nước có mức độ phục hồi mạnh nhất trên thế giới.

Mức vốn hóa vào khoảng 964.000 tỷ đồng tăng 199.000 tỷ đồng so với cuối năm 2012. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 2.578 tỷ đồng. Giá trị danh mục đầu tư nước ngoài đạt 12 tỷ USD, tăng 3,3 tỷ USD so với năm trước”.

Chuyên gia phân tích của Maybank Kim Eng cũng chỉ rõ, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh là do 2 năm trước Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp như ổn định tỷ giá, kiểm soát được lạm phát tạo ra bức tranh vĩ mô sáng sủa hơn, việc này đã gây được ấn tượng khá tốt. Mặt khác, cán cân thanh toán đã cải thiện rõ rệt tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.

“Thời gian tới, các yếu tố nền như giảm mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định, hỗ trợ cho thị trường bất động sản và các yếu tố khác như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20% cho doanh nghiệp, tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài... sẽ giúp thị trường chứng khoán sôi động hơn”, ông Ong SengYeow nhận định.

Tin tưởng vào sự khởi sắc

Chuyên gia phân tích thị trường của Maybank Kim Eng cho biết, mặc dù thị trường tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài chưa chốt lời, bởi họ nhìn nhận rằng cổ phiếu tại thị trường Việt Nam đang được định giá thấp hơn giá trị thực và vẫn còn khả năng tăng giá.

Trong 2 tháng đầu năm 2014, Chính phủ đưa ra thông điệp mạnh mẽ cũng như nhiều giải pháp nhằm xử lý vấn đề nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. “Tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư về việc 2 vấn đề lớn của nền kinh tế đang được giải quyết và tiếp tục giải quyết trong thời gian tới, giúp thị trường đi theo chiều hướng tích cực.

Việc tái cơ cấu các danh nghiệp nhà nước sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế cao hơn. Việc xử lý nợ xấu cũng sẽ tiến triển hơn trong thời gian tới, tăng trưởng tín dụng với định hướng 12%... sẽ tạo đà cho một số lĩnh vực như dầu khí, dệt may và tiêu dùng”, ông Ong SengYeow chia sẻ.

Khuyến nghị về các cổ phiếu nhóm ngành dầu khí, dệt may và tiêu dùng cũng được chuyên gia nghiên cứu phân tích hàng đầu của Maybank Kim Eng đưa ra khá cụ thể. Theo đó, cổ phiếu tiêu điểm trong ngành dầu khí được đề cập đến là mã PVD, do PVD là doanh nghiệp kinh doanh ổn định với kết quả kinh doanh được dự báo tốt trong năm 2014.

Ngành dệt may cũng có cơ hội tăng trưởng đến từ việc kỳ vọng hiệp định TPP sẽ được ký kết trong năm nay... Mã chứng khoán được khuyến nghị với nhóm ngành này là TCM bởi đây là doanh nghiệp được hưởng lợi rất lớn từ hiệp định TPP.

Trong khi đó, ngành tiêu dùng thuận lợi do thị trường sữa tăng trưởng khả quan, tiêu thụ sữa dự báo tăng tốt. Cổ phiếu VNM được đưa vào danh sách khuyến nghị do đây là cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tài chính mạnh, tiềm năng tăng trưởng tốt... Nhóm ngành ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản phân khúc cao cấp được khuyến nghị bán ra và không nên mua.