Đồng yên lên giá, kinh tế Nhật đi xuống
Trừ khi đồng tiền hạ giá, các nhà kinh tế cho rằng Nhật Bản đang phải đương đầu với suy thoái. Dự đoán dành cho những nhà xuất khẩu lớn như Toyota và Sony cũng khá ảm đạm.
Thu hẹp tín dụng toàn cầu và tình trạng bất ổn trên thị trường tài chính rõ ràng đang khiến các quan chức Nhật Bản hoảng sợ.
Vào ngày 27/10, Tokyo đã có động thái bất thường, kêu gọi những quốc gia giàu nhất thế giới cảnh báo nhà đầu tư rằng đồng yên Nhật lên giá là mối đe dọa đối với kinh tế toàn cầu.
Trong thông báo, các nước G7 đã đồng ý rằng sự bất ổn hiện nay của đồng yên là một nhân tố có thể ảnh hưởng đến ổn định kinh tế và tài chính. Sự thống nhất của G7 có được chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật, ông Shoichi Nakagawa đưa ra những lời chỉ trích nặng nề về sự tăng giá mạnh mẽ của đồng yên.
Trong tuần trước, đồng yên đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 năm so với đồng USD và tăng cao nhất trong 6 năm so với đồng euro. Giới giao dịch cho rằng nhận xét này như một dấu hiệu cho thấy các quan chức tài chính Nhật sẵn sàng can thiệp vào đồng tiền lần đầu tiên kể từ đầu năm 2004.
Theo quan điểm của giới quan sát, động thái này đến muộn. “Việc đồng yên ngày càng tăng giá một cách mạnh mẽ đang diễn ra rất không đúng thời điểm,” chuyên gia phân tích tiền tệ của Ngân hàng Standard Chartered nhận định.
Chỉ số Nikkei trượt dài
Sự hỗ trợ có thể sẽ tới những không phải ngay lập tức. Các nhà phê bình phàn nàn rằng những bình luận từ Nakagawa và G7 có rất ít ảnh hưởng, đồng yên vẫn tăng mạnh so với USD, và đang được giao dịch ở mức mỗi USD tương đương hơn 90 yên và mỗi euro đổi được 116 yên.
Sự tăng giá của đồng yên cùng với những lo lắng cho rằng những kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng Nhật có thể giảm giá trị các cổ phiếu, đưa chỉ số Nikkei 225 giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm.
Vào ngày 27/8, chỉ số Nikkei đã giảm 6,4% xuống đóng cửa ở mức 7.162,90 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10/1982. Riêng trong tháng này, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 36% và tính từ tháng 1 giảm 53%.
Lo ngại hiện nay là đồng yên mạnh lên và suy thoái toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, điểm sáng của kinh tế trong nước Nhật. Trong ba tháng qua, đồng yên Nhật đã tăng 19% so với đồng USD, 32% so với đồng euro, 33% so với đồng bảng Anh và 37% so với đồng real Brazillian. Ngược lại, đồng won Hàn Quốc đã giảm hơn 45% so với USD, hỗ trợ xuất khẩu Hàn Quốc cạnh tranh với Nhật.
Trừ khi đồng Yên bất ngờ hạ, các nhà kinh tế cho rằng kinh tế cho rằng Nhật đang phải đương đầu với suy thoái. “Hơn 12 tháng tới, chúng tôi đang hy vọng GDP của Nhật co lại khoảng 0,4%,” nhà kinh tế học Hideki Matsumura của Viện nghiên cứu Nhật Bản cho hay.
Trong nhiều tháng, dường như các ngân hàng lớn nhất Nhật Bản đã tránh được phần lớn những khoản lỗ liên quan đến khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn tại Mỹ, đặc biệt là các tổ chức tài chính Nhật đang mua lại những đối thủ đang yếu thế hơn. Sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers, Nomura đã mua lại các hoạt động ở châu Á và châu Âu của ngân hàng đầu tư này, trong khi Mitsubishi bỏ ra 9 tỷ USD mua lại 21% cổ phần của Morgan Stanley.
Lợi nhuận ảm đạm
Tuần trước, lợi nhuận của Sony là cảnh báo về những vấn đề nổi cộm nhất của các công ty Nhật, đặc biệt là các vấn đề mà các nhà xuất khẩu đối mặt. Hãng này đã giảm dự báo lợi nhuận hoạt động hàng năm khoảng 57%, và cho rằng có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn do vấn đề tiền tệ nếu đồng yen vẫn giữ ổn định. ¾ doanh thu Sony thu được đến từ nước ngoài, vì thế có thể nhận thấy điều gì xảy ra khi đồng yên biến động đột ngột theo chiều hướng ngược lại.
Tuần này, tình hình cũng không khả quan hơn với những nhà xuất khẩu lớn khác của Nhật. Hiện nay, nhà sản xuất camera và máy photocopy Canon, một trong những doanh nghiệp tăng trưởng hàng đầu của Nhật trong những năm gần đây cho biết, lần đầu tiên trong 9 năm lợi nhuận của hãng bị sụt giảm. Hiện công ty hy vọng lợi nhuận hoạt động tính đến tháng 3/2009 ở mức 6,2 tỷ USD, giảm so với mức 7,6 tỷ USD năm ngoái.
JP Morgan cũng cho rằng hãng điện tử Panasonic - sẽ công bố lợi nhuận vào 28/10, sẽ gặp khó khăn từ nay cho đến cuối năm tài chính kết thúc vào 3/2009 do nhu cầu đối với TV màn hình phẳng và các thiết bị kỹ thuật số suy yếu.
Thậm chí ngành ô tô Nhật Bản cũng đang bị ảnh hưởng, bất chấp những năm nhà máy được xây dựng lâu năm ở nước ngoài sẽ bù lại sự biến động của đồng tiền trong nước. Chuyên gia phân tích Noriyuki Matsushima của Nikko Citigroup dự đoán lợi nhuận của Toyota sẽ giảm đột ngột và giảm đáng kể.
Ông dự đoán Toyota sẽ thông báo lợi nhuận hoạt động ở mức 11 tỷ USD, giảm 50% so với thời điểm tính đến cuối năm ngoái, ít hơn 5 tỷ USD so với dự định của công ty.
Vào 27/10, Toyota thông báo cắt giảm sản lượng do đối mặt với nhu cầu giảm. Trong 9 tháng năm nay, công ty đã sản xuất 7,2 triệu xe trên toàn cầu, giảm 3,2% so với năm ngoái, trong khi doanh thu giảm 4% trong quý cuối cùng.
Trong lúc suy thoái toàn cầu có khả năng dẫn tới mức giảm sâu hơn về doanh thu, đồng yên tăng trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận. UBS ước tính cứ mỗi đồng yên tăng giá so với USD, lợi nhuận hoạt động của Toyota giảm 500 triệu USD. Mỗi đồng yên tăng so với euro, lấy khoảng 85 triệu USD của Toyota.