Dự báo 2014: Thị trường ít biến động

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Theo đánh giá của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), năm 2013, diễn biến của giá cả thị trường nói chung vẫn theo quy luật chung hàng năm: Tăng vào 2 tháng đầu năm và ổn định từ tháng 3 đến tháng 9, xu hướng tăng nhẹ vào các tháng cuối năm.

Dự báo 2014: Thị trường ít biến động
Dự báo năm 2014, giá cả ít biến động. Nguồn: internet
2013: Thắt chặt chi tiêu

Nhìn lại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm qua, có thể thấy đây là một năm chỉ số này được giữ ở mức thấp hơn cả so với 10 năm trở lại đây. Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số CPI tháng 12/2013 tăng 6,04% so với tháng 12/2012 và chỉ số CPI bình quân năm 2013 tăng 6,60% so với năm 2012. Kết quả này có được là nhờ việc duy trì các giải pháp điều hành của Chính phủ trong việc nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, công tác điều hành giá trong năm 2013 thực sự có chuyển biến lớn, đã góp phần vào những thành công trong việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Riêng đối với các mặt hàng thiết yếu thường có sự ảnh hưởng lớn đến thị trường giá cả (điện, xăng dầu), được lãnh đạo Cục Quản lý giá nhận định, việc điều hành giá những mặt hàng quan trọng này tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường có sự can thiệp của Nhà nước nên góp phần giảm áp lực đối với chỉ số giá tiêu dùng, giữ được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 6,04%, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, con số lạm phát cả năm 2013 ở mức 6,04% - thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây – chưa hẳn là con số đáng mừng, bởi đằng sau con số giảm này, ẩn chứa nhiều "cái giảm” khác, trong đó phải kể đến sức mua. Trong cả năm 2013, do khó khăn chung của nền kinh tế nên người dân thắt chặt chi tiêu, do đó sức mua giảm mạnh khiến tổng cầu cũng giảm. Nói như chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh "Diễn biến của thị trường giá cả năm 2013 vẫn chưa thực sự vững chắc do chủ yếu chịu sự chi phối của tổng cầu tăng thấp, thấp cả cầu đầu tư và cầu tiêu dùng”.

Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, xu hướng điều hành giá cả thị trường năm 2014 tiếp tục cần được kiên định theo cơ chế thị trường song vẫn phải đảm bảo nguyên tắc hài hòa các lợi ích, đảm bảo an sinh xã hội, tạo được sự đồng thuận của dư luận đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu…
 
2014: Giá cả ít biến động

Có thể thấy, đã thành quy luật, xu hướng diễn biến giá cả thị trường sẽ tăng trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng từ giá cả của tháng Tết Nguyên đán. Bởi vậy, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc tăng cường công tác bình ổn giá cả trong những tháng giáp Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 là điều rất cần thiết. Chính bởi vậy,  Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã có những phối hợp chặt chẽ trong công tác bình ổn giá những tháng giáp tết để giảm áp lực tăng giá những tháng sau Tết.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho hay, công tác bình ổn đã được các doanh nghiệp tham gia bình ổn chuẩn bị khá chu đáo, với nguồn hàng khá dồi dào, do đó những áp lực tăng giá dịp Tết này hầu như không đáng ngại. "Các doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá năm nay sẽ không chỉ thực hiện trước Tết mà còn duy trì các tháng sau Tết để giúp giữ giá cả ổn định” – Thứ trưởng Thoa khẳng định.

Với những nỗ lực trong công tác bình ổn giá, Thứ trưởng Bộ Công thương bày tỏ kỳ vọng rằng, thị trường giá cả sẽ không có nhiều biến động ngay cả những tháng sau tết như quy luật diễn ra hằng năm.

Dư luận kỳ vọng, đây sẽ là điều kiện để mặt bằng giá cả tiếp tục ổn định trong những tháng tiếp theo của năm 2014.

Tuy nhiên, đáng ngại nhất là việc các mặt hàng thiết yếu nói trên được điều chỉnh không đúng thời điểm, do đó, giới chuyên gia cũng lưu ý rằng, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều lượng và phân phối về không gian, thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống người dân.

Về điểm này, Cục Quản lý giá cam kết, sẽ tiếp tục điều hành giá điện, giá xăng dầu, giá bán than cho sản xuất điện, giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Đồng thời sẽ công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.