Dự báo sớm diễn biến ngoại tệ năm 2019
Chính sách lãi suất có vai trò rất quan trọng để giúp tăng trưởng kinh tế, nhưng mọi việc đều có giới hạn.
Đánh giá về thị trường ngoại hối Việt Nam năm 2018 nhìn từ góc độ quốc tế, ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân tích, những năm trước Mỹ đã đưa lãi suất USD xuống 0%/năm, làm cho chi phí vốn trong nền kinh tế thấp và điều này đã kích hoạt các dòng vốn đầu tư, giúp tăng trưởng kinh tế Mỹ từ mức 1,2-1,3%/năm lên đến gần 3%/năm như hiện nay.
Cũng theo ông Phước, thực tế này cho thấy, chính sách lãi suất có vai trò rất quan trọng trong một nền kinh tế như Mỹ để giúp tăng trưởng kinh tế, nhưng mọi việc đều có giới hạn. Bởi lẽ, Mỹ tính toán, nếu lạm phát vượt 2% hoặc thất nghiệp giảm xuống dưới 4%, có thể nền kinh tế sẽ bắt đầu "nóng" lên.
Vậy nên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từng tuyên bố phải dùng các công cụ, chính sách để ngăn ngừa từ xa. Tuy nhiên, tăng lãi suất lên nhiều có thể sẽ gây tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ.
Còn ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, năm 2018, USD trở nên mạnh hơn, còn các đồng tiền chủ chốt khác đã yếu hơn so với "đồng bạc xanh" và VND không phải ngoại lệ.
Điểm khác biệt cơ bản đối với VND là trong khi các đồng tiền châu Á khác đã giảm giá trung bình 5-7% trong năm 2018, như won của Hàn Quốc giảm 5,07%, peso của Philippines giảm 4,99%, rupi của Indonesia giảm 6,62% và rupi của Ấn Độ giảm 9,58%, nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 6,43%..., thì VND chỉ giảm 2,7% (tỷ giá thị trường) và 1,48% (tỷ giá trung ương).
Điều này có nghĩa, đồng Việt Nam thực tế đã tăng giá so với một số đồng tiền khác, chẳng hạn tăng 4% do với nhân dân tệ hay 3% so với Euro.
Đồng quan điểm, báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, năm 2018, VND là một trong những đồng tiền có sức chống chọi tốt nhất trước các đợt tăng lãi suất của Fed. Việt Nam cũng là nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á chưa phải tăng lãi suất điều hành trong năm 2018 (xem biểu đồ).
Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN chưa phải nâng lãi suất điều hành kể từ đầu năm 2018.
Việc giữ cho VND không bị mất giá quá mạnh được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chủ yếu qua việc rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng, tạo sự khan hiếm VND, qua đó bảo vệ giá trị của đồng nội tệ.
Theo ông Hải, mặc dù có xu hướng giảm giá từ quý III/2018, VND tiếp tục ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực do các yếu tố nội tại của nền kinh tế vẫn tốt, với tăng trưởng GDP năm 2018 tăng 7,08% và mức lạm phát hợp lý (3,54%).
Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục có thặng dư thương mại đạt 7,2 tỷ USD. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong vùng nhận nguồn vốn đầu tư thuần đạt 1,9 tỷ USD tính tới tháng 10.
“Với tính chất mùa vụ vào cuối năm, khi cầu đồng USD để thanh toán thường tăng, có khả năng xu hướng giảm giá của đồng Việt Nam sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, NHNN đã chủ động sử dụng một số công cụ và chính sách để ổn định thị trường ngoại hối nhằm ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. Do đó, khó có khả năng sẽ có những biến động lớn về tiền đồng”, ông Hải nói.
Ông Phước thông tin, các dự báo trên thế giới cho rằng, trong thời gian tới, USD sẽ không còn tăng giá, thậm chí sẽ rớt giá. Nếu điều này xảy ra sẽ tác động tích cực tới các nền kinh tế hội nhập như Việt Nam. Khi đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để kìm chế lạm phát ở mức thấp hơn so với năm 2018.
Việc Fed tăng lãi suất trong năm 2018 và những chỉ báo cho tăng trưởng kinh tế của Mỹ gắn liền với chính sách tiền tệ tạo nhiều thuận lợi và giúp Việt Nam có nhiều dư địa trong hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô theo hướng lạm phát thấp và tăng trưởng cao hơn.
Dự báo năm 2019, tuy Fed sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất, nhưng về cơ bản, tần suất tăng sẽ ít dần. Trên cơ sở đó, BVSC cho rằng, áp lực đối với VND trong năm 2019 sẽ không nhiều như năm 2018. Tuy vậy, sự thận trọng là cần thiết nên NHNN nhiều khả năng vẫn sẽ điều hành thanh khoản theo hướng chặt chẽ, khó có khả năng tiền đồng được đẩy ra thị trường quá nhiều như nửa đầu năm 2018.
“Do Fed nhiều khả năng sẽ ngưng chu kỳ tăng lãi suất sau khi tăng 2 lần nữa trong năm 2019, nên USD sẽ khó duy trì được xu hướng tăng giá. Do đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng sẽ giảm và dự kiến VND sẽ quay trở về biên độ điều chỉnh tỷ giá hẹp trong năm 2019, trừ trường hợp nhân dân tệ mất giá mạnh”, ông Hải nhấn mạnh.