Dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2014 và tác động đến kinh tế Việt Nam
Nỗ lực vượt qua khó khăn, kinh tế thế giới đã và đang có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn đặc biệt là sự khởi sắc của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu, tuy tăng trưởng chậm nhưng bền vững hơn.
Năm 2014, nhiều tổ chức cũng như các chuyên gia kinh tế tại các định chế tài chính hàng đầu thế giới đã nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi từ nửa cuối năm 2013, được đánh giá theo ba trụ cột chính, đó là: (i) sự tăng trưởng nhanh hơn của các nền kinh tế phát triển; (ii) sự ổn định của các nước mới nổi và (iii) tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương các nước. Kinh tế thế giới năm 2014 được nhận định là sẽ tăng trưởng 3,5%, tốt hơn năm 2013 (2,9%).
Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn còn phải đối mặt với những thách thức khi các nước mới nổi và đang phát triển vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, khu vực châu Âu, đặc biệt là khu vực Eurozone đang phải đối mặt với tình trạng đình trệ tương tự như Nhật Bản trong những năm 1980-1998 khi rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm và giảm phát.
Nhìn chung, triển vọng tích cực của kinh tế thế giới dự kiến sẽ mang lại những thuận lợi cho kinh tế Việt Nam trong năm 2014. Tuy kinh tế Việt nam năm 2013 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó có những tín hiệu phục hồi tích cực nhưng nội tại nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay vẫn phải đối mặt với những thách thức cơ bản: (i) Sức cầu nội địa suy yếu trong khi cân đối ngân sách và bài toán nợ công còn nhiều thách thức gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng; (ii) Lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn rất nhạy cảm với những biến động của giá cả đầu vào thế giới và các chính sách nội tại; (iii) Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao tác động tiêu cực đến lao động, việc làm; (iv) Tình trạng nợ xấu tồn đọng cao vẫn gây tắc nghẽn cho nền kinh tế.
Báo cáo số 47/2013 của Trung tâm nghiên cứu BIDV dự báo tình hình kinh tế thế giới 2014 với những ảnh hưởng đến Việt Nam.
Dự báo kinh tế thế giới 2014
Kinh tế thế giới năm 2014 được nhận định là sẽ tăng trưởng 3,5%, tốt hơn năm 2013 (2,9%) với các động lực tăng trưởng chủ yếu là kinh tế Mỹ sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2014, châu Âu thoát khỏi khủng hoảng và đang từng bước phục hồi và Nhật Bản sẽ phục hồi nhờ chính sách kích thích kinh tế quyết liệt của Chính phủ (chính sách kinh tế của ông Abe-Abenomics).
Quan điểm của bà Janet Yellen (người được cho là sẽ trở thành chủ tịch Fed, thay thế ông B. Bernanke từ 1/2/2014) là sẽ tiếp tục các gói kích thích kinh tế sẽ là một trong những nhân tố thúc đẩy ngân hàng trung ương các nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng và sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Về sự tăng trưởng giữa các nhóm, sẽ có sự khác biệt, trong đó các nước phát triển sẽ tăng trưởng và thoát khỏi vùng đáy và là đầu tầu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014, trong khi đó các nước mới nổi sẽ ổn định nhưng tăng trưởng ở mức thấp và vẫn còn nhiều rủi ro về cơ cấu và chu kỳ tăng trưởng.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với ba thách thức lớn, đó là (i) các nước mới nổi và đang phát triển vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất, trong đó rất nhiều nước đang loay hoay tìm mô hình tăng trưởng; kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong năm 2014, (ii) hiện nay, khu vực châu Âu, đặc biệt là khu vực Eurozone đang phải đối mặt với tình trạng đình trệ tương tự như Nhật Bản trong những năm 1980-1998 khi rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm và giảm phát (do đồng Euro lên giá và rủi ro giảm phát) và (iii) chính sách tiền tệ nới lỏng có thể gây ra lạm phát hoặc giảm phát tại một số nước và khu vực.
Khu vực châu Âu: Khu vực châu Âu vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng (dù các số liệu kinh tế cho thấy châu Âu đã chính thức ra khỏi khủng hoảng về mặt kỹ thuật), trong đó khủng hoảng trong ngành ngân hàng và khủng hoảng vỡ nợ quốc gia đòi hỏi chính sách tài khóa chung và nhất thể hoá ngành ngân hàng toàn khu vực, đồng thời ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) phải giữ được vai trò là người cho vay cuối cùng đối với các chính phủ. Hiện nay, khu vực châu Âu, đặc biệt là Eurozone đang phải đối mặt với tình trạng tương tự như Nhật Bản trong những năm 1980-1998 khi rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm và giảm phát (do Euro lên giá và rủi ro giảm phát).
Kinh tế Trung Quốc: Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã tăng kể từ tháng 7/2013 và kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ đạt được mục tiêu 7,5% trong năm 2013. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại và có thể chỉ đạt mức khoảng 7% trong hai năm 2014 và 2015. Hiện Trung Quốc đang đối mặt với ba thách thức lớn, đó là: (i) Trung Quốc khó có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao trong các năm tiếp theo trong bối cảnh các nước phát triển có thể thu hẹp chính sách kích thích kinh tế và sức cầu vẫn còn yếu; (ii) Kế hoạch giảm bớt phụ thuộc vào tín dụng (chính sách giảm dần nợ) có thể khiến Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn và (iii) Liệu Trung Quốc đã sẵn sàng và có đủ điều kiện để thực hiện cải cách triệt để, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư, các doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo sang mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào tiêu dùng, các doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn.
Kinh tế Nhật Bản: Trong năm 2014, dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng khoảng 1,3%, thấp hơn năm 2013 nhưng có chiều hướng bền vững hơn. Trong năm 2014, Nhật Bản phải đối mặt với những thách thức là: (i) Những rủi ro tăng trưởng chậm sẽ xuất hiện trong năm 2014 do tác động tiêu cực của chính sách tăng thuế tiêu dùng và tác động giảm dần của các chính sách kích thích kinh tế; (ii) Nếu chính sách của Thủ tướng Abe thất bại, rủi ro nước Nhật sẽ phải gánh chịu khối nợ công khổng lồ, có thể làm sụp đổ nền kinh tế Nhật Bản và hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, nếu Nhật Bản vượt qua được khó khăn trong năm 2014, nền kinh tế Nhật Bản sẽ phát triển bền vững do (i) Chính phủ Nhật Bản chú trọng vào tăng trưởng trong bối cảnh chính trị ổn định; (ii) Chính sách nới lỏng tiền tệ quyết liệt của Nhật Bản để thúc đẩy tăng trưởng và tăng lạm phát lên mức 2%; và (iii) Với việc đăng cai tổ chức Olympics 2020, kinh tế Nhật dự báo sẽ phát triển bền vững và có thể kéo dài nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới II (vượt cả giai đoạn phát triển thần kỳ của Nhật Bản 1945-1975).
Kinh tế tại các nước khu vực châu Á (trừ Nhật Bản): Hiện đang trong giai đoạn sức cầu rất yếu (cả cầu từ các nước phát triển và cầu nội địa). Vì vậy, dự báo khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) chỉ tăng trưởng khoảng 6% trong giai đoạn 2012-2015, thấp hơn nhiều so với mức 9% trong giai đoạn 2003-2007 do 3 thách thức lớn: (i) động lực sản xuất suy giảm mạnh, (ii) tăng trưởng chậm tại Trung Quốc và (iii) cơ cấu dân số đang già đi tại một số nước.
Tuy nhiên, cũng giống như các nước khu vực châu Á (trừ Nhật Bản), năm 2014 các nước khu vực ASEAN cũng phải đối mặt với một số thách thức sau: (i) Dòng tiền có thể rút khỏi các nước ASEAN khi Fed sẽ dần giảm bớt gói kích thích kinh tế QE3 trong năm 2014 và dự báo đồng USD cũng như lãi suất đồng USD sẽ tăng và (ii) Ảnh hưởng của sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc.
Với triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 như trên, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chịu một số tác động ảnh hưởng cụ thể như sau:
Về tăng trưởng kinh tế: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2014 được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2013, các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam những năm qua như xuất khẩu, FDI, ODA, kiều hối dự báo sẽ tăng. Vì vậy, kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ triển vọng phát triển tốt hơn của kinh tế thế giới.
Về lạm phát: Mặc dù giá cả lương thực, năng lượng được dự báo sẽ ổn định trong năm 2014, Việt Nam vẫn cần đề phòng các cú sốc từ bên ngoài có thể tác động tới giá cả trong nước, chẳng hạn những biến động hết sức khó lường do tình trạng căng thẳng tại khu vực Trung Đông, Đông Á.
Về xuất khẩu: Sẽ có hai tác động trái chiều. Về mặt tích cực đó là sự hồi phục ở mức độ vừa phải tại các nước phát triển, nhu cầu hàng hóa Việt Nam từ các thị trường này có thể tăng. Hơn nữa, việc Việt Nam tích cực tham gia đàm phán và gia nhập TPP sẽ tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước có tham gia Hiệp định này bởi hàng Việt Nam sẽ có lợi thế so với hàng các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan,… khi chịu mức thuế suất thấp hơn.
Tuy nhiên, TPP cũng tạo ra áp lực cho Việt Nam cần phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến do yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Về mặt tiêu cực đối với xuất khẩu có thể là sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và việc điều chỉnh chính sách, mô hình tăng trưởng của các nước mới nổi (hướng về thúc đẩy tiêu dùng nội địa) khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có thể giảm.
Về FDI, ODA: Trong năm 2014, dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng hơn so với 2013, hơn nữa, việc Fed vẫn chưa quyết định kế hoạch giảm dần gói kích thích kinh tế QE3 nên dự báo FDI vào Việt nam sẽ tăng. Cùng với việc Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh (năm 2013 tăng 5 bậc so với 2012, xếp thứ 70/148 quốc gia) cũng là một điều kiện thu hút FDI. Việt Nam tích cực tham gia TPP và AEC cũng là một trong những nhân tố khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng.
Thêm vào đó là việc Việt Nam có thể hưởng lợi và dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam dự báo sẽ tăng trong các năm tới do việc chuyển dịch hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản do Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp nước này chuyển hướng đầu tư vào Đông Nam Á, (thay vì Trung Quốc do tranh chấp giữa hai nước về vấn đề biển đảo Điếu Ngư/Senkaku). Các nước viện trợ ODA nhiều cho Việt Nam như Nhật Bản, Thụy Sỹ vẫn cam kết nâng cao mức ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2013-2016 và 2014-2020.
Về kiều hối: Với triển vọng kinh tế các nước sẽ phục hồi trong năm 2014, nhu cầu sử dụng lao động tăng và thu nhập của người dân (trong đó có Việt kiều) tăng, dự báo lượng kiều hối trong năm tới sẽ tăng.