Du lịch Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ
Với nhiều giải pháp đồng bộ, 5 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam. Mức tăng trưởng tích cực về lượng khách quốc tế, trong nước và doanh thu lữ hành, dịch vụ du lịch đã khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch sau khi khống chế được dịch COVID-19.
Bám sát thực tiễn diễn biến của dịch bệnh, từ ngày 27/4/2022, Việt Nam đã tạm dừng các quy định về khai báo y tế; từ ngày 15/5 tiếp tục tạm dừng xét nghiệm COVID-19 đối với người nhập cảnh. Điều này đã tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi nhằm thu hút đông đảo du khách đến nước ta. Bên cạnh đó, việc mở cửa các đường bay quốc tế cùng nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng được tổ chức, nhất là Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 lần thứ 31 (SEA Games 31) đã góp phần đưa số lượng khách du lịch quốc tế tăng mạnh.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 đạt 172,9 nghìn lượt người, tăng 70,6% so tháng trước và gấp 12,8 lần so cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 365,3 nghìn lượt người, gấp 4,5 lần so cùng kỳ năm 2021. Theo Tổng cục Du lịch, khách Hàn Quốc và Mỹ đến Việt Nam nhiều nhất. Tiếp đến là khách từ các thị trường như Campuchia, Lào, Singapore, Pháp, Anh, Đức,… Trong tổng số 365,3 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam, khách đến bằng đường hàng không đạt 320,7 nghìn lượt người, chiếm 87,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, gấp 6,3 lần so cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 44,5 nghìn lượt người, chiếm 12,2% và tăng 47%;… Anh Yoo Jin Woo, du khách Hàn Quốc cho biết, những kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã giúp anh và gia đình thực sự yên tâm khi lựa chọn Đà Nẵng làm điểm đến du lịch dài ngày. “Tôi rất ấn tượng với công tác phục vụ chu đáo, chất lượng dịch vụ tốt cùng nhiều sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn. Nhất định tôi và gia đình sẽ sớm trở lại Việt Nam”, anh Yoo Jin Woo chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, cùng với sự phục hồi của kinh tế - xã hội đất nước, lượng khách du lịch nội địa 5 tháng đầu năm 2022 cũng tăng 243% so với cùng kỳ năm 2021 với tổng lượng khách nội địa lên đến 48,6 triệu lượt.
Hoạt động du lịch phục hồi toàn diện, mạnh mẽ cũng đã thúc đẩy doanh thu du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng cao. Cụ thể, doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2022 tăng 34,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó Khánh Hòa ghi nhận mức tăng cao nhất với 347,6%, Thủ đô Hà Nội tăng 61,1% và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,9%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2022 tăng 15,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, Cần Thơ, Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh là những địa phương có mức tăng hơn 17%.
Các chuyên gia cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó mật thiết tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Sau thời gian dài “đóng băng” vì COVID-19, du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ với những con số ấn tượng. Các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng liên tục tạo ra các chương trình mới, sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu hướng du lịch sau đại dịch như du lịch xanh, du lịch cộng đồng, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe. Sự phục hồi của du lịch đã mang lại cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lượt lao động cả trực tiếp và gián tiếp.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong năm 2022, mục tiêu của ngành Du lịch là thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Du lịch đang tiếp tục triển khai chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) đồng bộ trên các chuyên trang quảng bá du lịch Việt Nam cho khách quốc tế bao gồm trang web vietnam.travel, các trang mạng xã hội Facebook, Tik Tok, Instagram, Youtube và Pinterest; các kênh truyền thông quốc tế cũng như thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài...
Đồng thời, ngành Du lịch cũng đẩy mạnh phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp triển khai hoạt động xúc tiến du lịch tới các thị trường trọng điểm và tiềm năng; tăng cường hợp tác với mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài với vai trò cầu nối thông tin, hỗ trợ quảng bá du lịch, tạo động lực để ngành du lịch phục hồi.
Từ nay đến cuối năm 2022, các địa phương trong cả nước sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển, làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo. Trong đó, sản phẩm du lịch biển đảo đã được định hình rõ nét hơn với việc hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một số sản phẩm bổ trợ cũng sẽ được quan tâm phát triển như du lịch thể thao, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch mạo hiểm,… Hướng đến nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19 là xu thế tất yếu, cũng là mục tiêu chung của nhiều nước trong khu vực. Do vậy, tiếp tục duy trì tốc độ phục hồi của du lịch theo hướng tăng lượng du khách và tăng doanh thu sẽ là cơ sở để khẳng định vai trò, đóng góp của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.