Dự luật thuế tiêu thụ đặc biệt được bật đèn xanh

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Dự luật được dư luận xã hội quan tâm sâu sắc - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt - đã “có đủ điều kiện” để trình ra kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vào tháng 10 tới.

Dự luật thuế tiêu thụ đặc biệt được bật đèn xanh
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định như trên khi kết luận tại phiên họp sáng nay (25/9) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo luật này. Dự luật do Bộ Tài chính soạn thảo và thay mặt Chính phủ trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ý kiến của bà Ngân được một Phó Chủ tịch Quốc hội khác là bà Tòng Thị Phóng đồng tình. Bà Phóng nói: “Ta nên thông qua (dự luật) tại một kỳ họp này thôi, và chấp nhận ý kiến của Chính phủ”.

Theo Tờ trình của Chính phủ, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với 3 nhóm hàng hóa là thuốc lá, bia và rượu do không khuyến kích sử dụng.

Thuế TTĐB với thuốc lá sẽ tăng từ 65% hiện nay lên 70% từ đầu năm 2016, và từ 70% lên 75% từ đầu năm 2019.

Thuế TTĐB với bia sẽ tăng từ 50% lên 55% từ 7/2015; lên 60% từ 1/2017 và 65% từ 1/2018.

Chính phủ đề nghị lộ trình thuế TTĐB với rượu như sau: rượu từ 20 độ trở lên tăng từ mức thuế suất 50% lên thuế suất 65% (áp dụng thuế suất như rượu từ 40 độ trở lên đã thực hiện trước tháng 1/2010); rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35%, tăng 10 điểm phần trăm so với hiện nay.

Chẳng những ủng hộ dự luật này mà Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự thảo Luật, còn muốn lộ trình này phải được đẩy nhanh hơn.

Cơ quan này đề nghị thay đổi lộ trình tăng thuế suất với thuốc lá như sau: Tăng thuế suất thuế TTĐB từ 65% lên 70% từ đầu tháng 1/2016 đến cuối tháng 12/2017 (thay vì 12/2018) và tăng từ 70% lên 75% từ đầu tháng 1/2018 (thay vì 1/2019).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, việc tăng thuế suất trên sẽ không tác động xấu đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước nhưng góp phần tăng thu ngân sách nhà nước đáng kể và giảm tỷ lệ số người hút thuốc lá.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần thận trọng với việc tăng thuế này. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng tăng thuế TTĐB với thuốc lá sẽ giúp ngân sách nhà nước có thêm 4.000 tỉ đồng “là rất lớn”. Nhưng, “Tôi cho rằng cần đánh giá thêm với các công ty sản xuất thuốc lá trong nước, kể cả người trồng xem thuế suất tăng như vậy thì ảnh hưởng tới họ như thế nào”, ông Lưu nói.

Ông Lưu bổ sung thêm là ông cảm thấy lo ngại việc tăng thuế TTĐB sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất bia rượu trong nước.

Tuy vậy, ông nói ông tán thành với báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ về điểm này. Báo cáo khẳng định, sau khi điều chỉnh thuế TTĐB thì sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước có giảm, nhưng rồi sẽ tăng dần lên do tăng quy mô dân số tăng lên.

Giải trình về điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ đã cân nhắc tăng thuế TTĐB với thuốc lá theo hướng, nếu tăng thuế cao quá sẽ làm tăng buôn lậu thuốc lá, dẫn tới làm giảm thất thu ngân sách. Ông cho biết, mỗi năm ngân sách thất thu khoảng 6.500 tỉ đồng tiền thuế do thuốc lá lậu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng lại giải thích khác: “Không phải tăng thuế lên thì buôn lậu ồ ạt vào đâu”. Ông Dũng cũng thừa nhận, thuốc lá, rượu, bia là nhu cầu, không phải càng tăng thuế sẽ là càng hạn chế sử dụng.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng giải thích việc Chính phủ đề nghị đánh thuế TTĐB với các mặt hàng trong khu vực phi thuế quan hiện nay.

Ông giải thích: “Khi thành lập khu phi thuế quan, chúng ta mong muốn là không đánh thuế với điều kiện là khu đó phải có hàng rào cứng, và không có dân cư. Nhưng nay có cửa khẩu Cầu Treo và Lao Bảo, diện tích mỗi nơi bằng 1 huyện, có 100 ngàn dân cư sống, tức ta không đảm bảo là khu phi thuế quan". Vì thế, ông giải thích, nên phải đánh thuế trong các khu này.

Ý kiến của Bộ trưởng được bà Ngân hoàn toàn đồng tình, khi cho rằng Chính phủ có đủ thẩm quyền để đặt lại tên khu phi thuế quan cho phù hợp với luật.

Dự kiến dự luật sẽ được thông qua trong kỳ họp tới và có hiệu lực vào giữa năm 2015.