Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Chỉ bảo vệ người tiêu dùng cá nhân?

Theo daibieunhandan.vn

Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Góp ý vào dự thảo, đại diện doanh nghiệp phản ánh: “người tiêu dùng” được quy định là “cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình”. Theo đó, có thể hiểu luật chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là cá nhân, vậy với các tổ chức, doanh nghiệp sẽ như thế nào?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thay đổi toàn diện

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011. Sau hơn 10 năm thực thi, các đơn vị liên quan đã có báo cáo đánh giá, tổng kết về việc thực hiện, đồng thời kiến nghị trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội về việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sáng 18.1, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 7 chương, 80 điều; so với luật cũ đã sửa đổi 38 điều và thêm mới 29 điều. Như vậy, Dự thảo đã có sự thay đổi toàn diện nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, xây dựng văn hóa cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Thông tin rõ hơn, ông Cao Xuân Quảng - Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Chương hoàn toàn mới là Chương 3: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Theo đó, các giao dịch đặc thù giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm: Giao dịch từ xa, Cung cấp dịch vụ liên tục, Bán hàng trực tiếp. Ngoài ra, Dự thảo cũng đề ra những trường hợp được quyền từ chối yêu cầu tổ chức thương lượng. Chương 1 có thêm quy định ngày 15.3 là Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam.  

"Như luật mới!"

Bà Vũ Minh Tú - đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, cách trình bày của Dự thảo còn khó theo dõi; dù là luật sửa đổi, bổ sung nhưng người đọc có thể thấy như luật mới hoàn toàn. Bên cạnh đó, “người tiêu dùng” trong Dự thảo là “cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình”.

Theo đó, có thể hiểu luật chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là cá nhân, vậy đối với các tổ chức, doanh nghiệp thì sẽ như thế nào? Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, dự thảo quy định công khai thông tin khi người tiêu dùng có yêu cầu. "Cần giới hạn rõ hoàn cảnh nào phải công khai thông tin vì có thể dẫn đến việc lợi dụng chính sách cho những mục đích không tốt" .

Trưởng đại diện Văn phòng Phía Bắc Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến (Momo) Đoàn Tử Tích Phước nhìn nhận, sau hơn 10 năm, các vấn đề về bảo vệ người tiêu dùng đã có những diễn biến mới nên sửa đổi là việc cấp thiết. Tuy nhiên bản chất khó khăn của công tác bảo vệ người tiêu dùng vẫn luôn hiện hữu bởi phạm vi rộng, nhiều tranh chấp khiến việc thực thi sẽ đòi hỏi nguồn lực rất lớn.

Góp ý cụ thể, ông Phước cho rằng ở các nước phát triển, quy định về hoàn trả hàng rất khác nhau và điều này phụ thuộc vào từng doanh nghiệp. Do đó, khoản 4 Điều 38 trong Dự thảo quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lại tiền cho người tiêu dùng chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày người tiêu dùng tuyên bố đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng là không khả thi. 

Đồng tình với các ý kiến trên, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho biết thêm, một số điều, khoản còn chồng chéo. Chẳng hạn, trong các tranh chấp thì thẩm quyền xử lý những vi phạm về thông tin cá nhân sẽ giải quyết theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân? 

Ông Trịnh Anh Tuấn cho biết, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng sẽ tích cực ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để tiếp tục có những chỉnh sửa hợp lý.