Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Từ luật riêng đến luật chung
Chính phủ đang thúc đẩy việc xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để trình Quốc hội (QH) ngay trong năm nay. Ban đầu, Chính phủ yêu cầu thiết kế các dự án luật cho từng đơn vị: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Tuy nhiên, bản dự thảo đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, sẽ chỉ có một luật áp dụng chung cho cả 3 đơn vị trên.
Một luật hay ba luật?
Sau một thời gian dài trì hoãn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bắt tay nghiên cứu và xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Vào cuối tháng 2 vừa qua, bản dự thảo đầu tiên của Luật này được trình lên Chính phủ; trong đó xác định đối tượng áp dụng là nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân có liên quan đến đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Như vậy, có thể hiểu rằng, “ý định” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là xây dựng chỉ một luật để áp dụng chung cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Hướng tiếp cận này hoàn toàn khác so với tinh thần của Chính phủ tại Nghị quyết số 103/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 11/2016. Cụ thể, tại Nghị quyết 103, Chính phủ thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thuộc tỉnh theo định hướng mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.
Chính phủ cũng giao UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho từng đơn vị. Rõ ràng, chỉ đạo của Chính phủ mang hàm ý sẽ phải thiết kế 3 dự án luật áp dụng riêng cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
TS. Võ Trí Hảo, Công ty Luật Khoa & Associate đặc biệt đánh giá cao ý tưởng xây dựng các dự án luật cho từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. “Chính phủ đã tiếp cận rất đúng đắn”, ông nhận xét, “bởi mục tiêu của việc thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là phát huy đặc thù, thế mạnh và sự tự chủ, đa dạng hóa chính quyền địa phương. Do vậy, mỗi đơn vị hành chính - kinh tế phải có luật riêng thay vì làm một luật chung”.
Lý giải cụ thể hơn về sự cần thiết phải xây dựng 3 đạo luật cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, TS. Võ Trí Hảo nói rằng, Phú Quốc khác xa Vân Đồn, Vân Phong về địa chính trị, quy mô diện tích, dân số, lợi thế kinh tế. Ví dụ Phú Quốc xa đất liền nên khả năng kiểm soát an ninh tốt, việc miễn visa cho người nước ngoài, kinh doanh casino, chính sách thuế quan ít ảnh hưởng tới đất liền như Bắc Vân Phong, Vân Đồn.
Hơn nữa, nếu xem các đơn vị hành chính - kinh tế như các “lò ươm”, “phòng thí nghiệm” đột phá thể chế, đúc rút ra những gì thành công để nhân rộng trên toàn quốc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì việc áp dụng đồng thời “ba thí nghiệm giống nhau” tại “ba phòng thí nghiệm” là lãng phí.
Tuy nhiên, trong một diễn biến mới nhất, vào ngày 7.4 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có văn bản chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND tỉnh: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang khẩn trương xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt áp dụng chung cho ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, để sớm trình Quốc hội.
“Trong luật có tính đến đặc thù của từng đơn vị. Các nội dung, cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội phải được quy định trong Luật và bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế”, văn bản nêu rõ. Như vậy có thể hiểu: Sẽ chỉ có một luật chung áp dụng cho cả 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Ưu đãi vượt trội về thuế, phí
Gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để lấy ý kiến. Xét theo tên gọi của dự thảo Luật, yếu tố “hành chính” được đặt lên trước “kinh tế”. Song, ở trong bản dự thảo, những ưu đãi về thuế, phí, tài chính, ngân sách… lại được coi trọng hơn và xếp lên trên.
Cụ thể, nhóm chính sách ưu đãi thuế cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế giá trị gia tăng, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt tại đơn vị hành chính - kinh tế để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư.
Nhóm chính sách về tài chính, ngân sách cho phép để lại toàn bộ số thu của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong một thời gian cần thiết. Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương về Trung ương để tạo nguồn vốn hỗ trợ đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Nhóm chính sách tiền tệ, ngân hàng cho phép thiết lập thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng, được phép sử dụng một số đồng tiền tự do chuyển đổi, thành lập trung tâm tài chính riêng.
Nhóm chính sách về đất đai cho phép áp dụng thời hạn hoạt động dự án và thời gian cho thuê đất tối đa không quá 99 năm… Trong khi đó, dự thảo Luật chưa có những quy định tạo ra sự đột phá trong thể chế, bộ máy hành chính của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
“Nếu đột phá ở các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chỉ xoay quanh thuế, phí, đất đai, tỷ lệ giữ lại ngân sách, đầu tư công từ Trung ương thì nên đổi tên thành đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt”, TS. Võ Trí Hảo nói. Ông phân tích rằng: Bản chất ưu đãi thuế, phí, giữ lại nguồn thu ngân sách là dùng nguồn thu tương lai của ngân sách nhà nước chuyển cho địa phương được ưu đãi. Xét trên bình diện quốc gia, việc này giống như lấy “chiếc áo” của đứa con thứ nhất trao cho đứa con thứ hai trong số đàn con 63 tỉnh thành; miền núi xa xôi lại càng tụt hậu.
Cho tới lúc được QH thông qua, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt còn phải trải qua một hành trình dài lấy ý kiến đóng góp. Có lẽ, Ban soạn thảo cần cân nhắc quan điểm: Đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, sự khác biệt về thể chế, bộ máy quan trọng hơn những ưu đãi ở khía cạnh kinh tế.
Theo TS. Võ Trí Hảo, Trung ương nên cho phép các đơn vị này có quyền lập quy rộng rãi, qua đó tự mình đưa ra chính sách thông thoáng, mô hình bộ máy tinh gọn nhất có thể để từ đó tiết kiệm thời gian thủ tục hành chính, chi phí cho quỹ lương công chức; tạo thành nơi đáng sống về an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục...
Như vậy mới gọi là “đặc biệt”. Còn những ưu đãi thuế, phí, giá thuê đất thì không khác mấy so với các khu kinh tế đã hình thành. “Nếu lựa chọn con đường ưu đãi thuế, phí thì đó sẽ là một cuộc đua xuống đáy vì tất cả sẽ dùng ưu đãi này như thể là phát huy đặc thù địa phương”, TS. Võ Trí Hảo nói.