Dự trữ ngoại hối kỷ lục tác động tích cực đến tỷ giá
(Tài chính) Tỷ giá liên ngân hàng được đánh giá nằm trong vùng cho phép nên đã tác động đến cung cầu ngoại tệ tương đối cân bằng và ổn định. Thêm vào đó, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 35 tỷ USD, điều này cũng tác động tích cực đến thị trường ngoại hối trong nước.
Tháng 9/2014: chỉ số USD INDEX tăng nhẹ, trung bình: 84,53 điểm, cao nhất: 86,33 điểm, thấp nhất: 82,82 điểm.
Tại Mỹ: Số người thất nghiệp giảm 329.000 người, còn 9,3 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp là 5,9% (tháng 8: 6,1%). Số việc làm mới tăng trong các lĩnh vực: bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ kinh doanh, đại lý bất động sản...
Tại khu vực Eurozone: kinh tế tiếp tục trong xu thế giảm phát và đình trệ. Tháng 9 CPI của khu vực giảm còn 0,3% (so với cùng kỳ 2013) - là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Trước tình hình đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa: từ ngày 10/9, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tiền gửi trong Eurozone giảm lần lượt xuống còn 0,05% và - 0,20%.
Chín tháng đầu năm 2014: Tại Mỹ: Tuy sản xuất và kinh doanh các bang Đông Bắc và miền Trung gặp bão tuyết trong quý I nhưng đã được bù đắp bởi tăng trưởng ở các bang không bị ảnh hưởng, kinh tế tiếp tục đà phục hồi ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức thấp nhất 6 năm lại đây (tháng 12/2013: 7,0%; tháng 1/2014: 6,7%; tháng 2: 6,6%; tháng 3: 6,7%, tháng 4: 6,3% tháng 5: 6,3%; tháng 6: 6,1%; tháng 7: 6,2%, tháng 8: 6,1% và tháng 9: 5,9%.
Trước sự phục hồi kinh tế khả quan, ngày 28/6, Cục Dự trữ liên ban Mỹ (Fed) cắt giảm chương trình mua trái phiếu kho bạc (gói kích thích EQ 3) từ 45 tỷ USD/tháng xuống 35 tỷ USD/tháng; ngày 14/9 tiếp tục cắt giảm xuống 15 tỷ USD/tháng và dự kiến chấm dứt hoàn toàn chương trình này vào tháng 11/2014.
Kể từ khi áp dụng gói kích thích kinh tế (tháng 12/2008) đến nay, Fed đã tung vào nền kinh tế 4.400 tỷ USD (chủ yếu dưới hình thức mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc), giữ lãi suất cơ bản gần bằng 0 nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi trước những tác động của cuộc suy thoái 2007-2008. Dự báo năm 2014, tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,1%-2,3%, lạm phát 2,0%.
Tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu: Theo Markit, tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone quý I/2014 đạt 0.5% (quý I/2013: 0.3%); quý II/2014 giảm còn 0.2%; tỷ lệ thất nghiệp quý I/2014 : 11,8%, quý II: 11,7%; kinh tế khu vực tiếp tục thiểu phát (CPI tháng 1 và 2/1014: 0,7%, tháng 3,4,5 và 6/2014: 0,5%, tháng 7,8,9 0,3%).
Lạm phát quá thấp sẽ làm tổn hại nền kinh tế, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực vẫn ở mức 2 con số. Vì khi các hộ gia đình và các doanh nghiệp kỳ vọng lạm phát sẽ ở mức rất thấp trong một thời gian dài nữa thì họ có thể trì hoãn chi tiêu cũng như đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Hơn thế nữa, lạm phát quá thấp sẽ khiến các quốc gia gặp khó khăn hơn trong trả nợ, đồng thời buộc các nền kinh tế yếu ở châu Âu phải cắt giảm tiền lương để cạnh tranh với các nước thành viên mạnh trong nội khối như Đức, Italia, Pháp.
Diễn biến cặp tỷ giá Euro/USD cho thấy USD giảm giá trong 3 tháng đầu năm, từ tháng 4 đến tháng 9/2014, USD tăng giá liên tục. Trung bình 9 tháng đầu năm, một Euro đổi được 1.3555USD, thấp nhất: 1.3992USD, cao nhất: 1.2570 USD.
Thị trường trong nước: Tháng 9/2014: Trong tháng 9/2014, tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ Liên ngân hàng của đồng Việt Nam so với USD tiếp tục giữ ổn định ở mức 21.246 đồng/USD (áp dụng từ ngày 19/6).
Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá USD đầu tháng được niêm yết ở mức mua vào – bán ra 21.170-21.220 đồng/USD, đến cuối tháng, tỷ giá được niêm yết ở mức 21.195-21.245 đồng/USD với cùng mức tăng nhẹ cả ở chiều mua và chiều bán là 25 đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá USD giao dịch phổ biến ở mức mua vào – bán ra là 21.230-21.250 đồng/USD, với mức chênh lệch không đáng kể so với tỷ giá của các ngân hàng thương mại.
Tỷ giá hạch toán giữa VND với USD tháng 10/2014 được Bộ Tài chính công bố áp dụng cho các nghiệp vụ quy đổi và hạch toán thu, chi ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ; quy đổi và hạch toán sổ sách kế toán của Kho bạc Nhà nước là 1USD = 21.246 đồng, ổn định so với tháng 9/2014.
Chín tháng đầu năm 2014: Tâm lý thị trường ổn định đã tác động tích cực tới thị trường ngoại hối. Thêm vào đó, tỷ giá ổn định, tỷ giá liên ngân hàng được đánh giá nằm trong vùng cho phép nên đã tác động đến cung cầu ngoại tệ tương đối cân bằng và ổn định. Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 35 tỷ USD, điều này cũng tác động tích cực đến thị trường ngoại hối trong nước.
Chỉ số giá USD các tháng (so cùng kỳ tháng trước) như sau: tháng 1 giảm 0,06%, tháng 2 giảm 0,03%, tháng 3 tăng 0,02%, tháng 4 giảm 0,06%, tháng 5 giảm 0,04%, tháng 6 tăng 0,49%, tháng 7 tăng 0,36%, tháng 8 giảm 0,26%, tháng 9 giảm 0,15%. Chỉ số giá USD bình quân 9 tháng đầu năm 2014 tăng 0,51% so với cùng kỳ năm 2013.